Nhóm nghiên cứu thứ 2 trên thế giới
Năm 2017, TS Trần Phương Thảo – giảng viên ĐH Dược Hà Nội đã được Hội đồng khoa học L’Oreal – UNESCO For Women in Science tại Việt Nam trao giải Nhà nghiên cứu khoa học nữ tài năng với đề tài “Nghiên cứu phát triển dẫn chất mới ức chế enzyme Glutaminyl Cyclase (QC) hướng điều trị bệnh Alzheimer”. Tiết lộ về lý do gửi hồ sơ để ứng cử giải thưởng này, nữ nhà khoa học bật mí: “Vì tôi muốn có thêm kinh phí đầu tư cho các nghiên cứu của mình”.
Hiện nay, thế giới chưa có thuốc điều trị nguyên nhân gây ra bệnh mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng, tức là làm chậm lại quá trình tạo ra các mảng bám amyloid (amyloid beta – Aβ) – một trong hai “nghi phạm chính” gây ra bệnh Alzheimer. Hướng nghiên cứu mà chị Thảo đang theo đuổi là tổng hợp các chất có hoạt tính ức chế enzyme Glutaminyl cyclace (QC) – loại enzyme trong cơ thể người liên quan đến cơ chế hình thành bệnh. Nếu thành công, thuốc này có thể điều trị một trong những nguyên nhân gây ra bệnh Alzheimer.
Năm 2015, sau khi hoàn thành khóa học Tiến sĩ tại Hàn Quốc, TS Thảo quay trở lại Việt Nam và tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu thú vị mà chị đã theo đuổi từ ngày còn làm Nghiên cứu sinh với các thử nghiệm mới. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận rằng, do thực tế cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế nên chị luôn cố gắng thiết kế các thí nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam. Phần thử hoạt tính chị vẫn đang hợp tác và “nhờ” sự giúp đỡ từ nhiều nơi đáng tin cậy trong nước cũng như quốc tế.
Với hướng “nghiên cứu và phát triển thuốc mới” - đam mê từ thời sinh viên, từ việc tìm hiểu, lựa chọn các mục tiêu phân tử đến thiết kế, tổng hợp các chất có hoạt tính, TS Trần Phương Thảo thừa nhận, con đường chị đang đi rất khó khăn. Nữ tiến sỹ tâm sự: “Khi làm nghiên cứu, tôi cũng không nghĩ tới những thứ quá “xa vời”. Tôi chỉ nghĩ rằng, nếu các chất mình làm ra chưa thành thuốc để đưa vào điều trị được thì cũng có thể vừa rút được kinh nghiệm cho bản thân, vừa giúp định hướng nghiên cứu cho những người sau”.
Đi tìm các chất mới có hoạt tính sinh học
Hiện nay, hướng nghiên cứu mà TS Trần Phương Thảo đang theo đuổi là tìm ra các chất mới để điều trị bệnh với các mục tiêu phân tử khác nhau hướng điều trị các bệnh “rất nóng” trên thế giới cũng như trong nước: ung thư, Alzheimer, đái tháo đường,.... Các chất này trên thế giới chưa tổng hợp, nghiên cứu hoặc chưa thử hoạt tính sinh học cùng hướng với TS Thảo.
Mỗi ngày, chị Thảo vừa phải dành thời gian cho giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu và chăm sóc gia đình. Trong khi đó, các ý tưởng cứ liên tục xuất hiện không ngừng. “Tôi chưa bao giờ chán nghiên cứu, tôi chỉ không có thời gian để hiện thực hóa hết các ý tưởng” – nữ TS trẻ chia sẻ.
Chia sẻ về những khó khăn khi nghiên cứu tại Việt Nam, TS Thảo cho biết, kinh phí là cái khó lớn nhất với những nhà khoa học trẻ như chị. Bên cạnh đó, giống như bao người phụ nữ khác, nhà khoa học trẻ cũng gặp phải những chướng ngại của bất kỳ nữ nhà khoa học nào là việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Quỹ thời gian chỉ có hạn, chị vẫn phải tìm cách ưu tiên cái nào trước, cái nào sau, để không bỏ lỡ những khoảnh khắc quan trọng của gia đình nhưng cũng không quên dành tình yêu cho nghiên cứu.
Tiến sĩ Trần Phương Thảo - giảng viên Bộ môn Hóa dược, trường Đại học Dược Hà Nội là tác giả, đồng tác giả của 14 bài báo công bố trên tạp chí SCI, là báo cáo viên tại 7 hội thảo quốc tế chuyên ngành (AIMEC 2015, TETW2014, PSK2013...), là đồng tác giả của 13 bài báo tạp chí quốc gia và quốc tế, đồng sở hữu 3 bằng phát minh sáng chế (patent). Chị còn đang chủ trì một đề tài Nafosted và là thư ký khoa học, thành viên nghiên cứu chủ chốt của ba đề tài cấp Nhà nước khác. |