Tuy gặp phải không ít khó khăn, sóng gió nhưng tiến sĩ Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Busadco) vẫn luôn kiên định và miệt mài theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp

Ông Hoàng Đức Thảo nhận bằng Tiến sĩ danh dự Trường ĐH Kỷ lục Thế giới.

Tiến sĩ (TS) Hoàng Đức Thảo sinh năm 1960 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Nhà đông anh em, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cuộc sống vẫn không thể thoát khỏi những lo lắng về miếng cơm, manh áo. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Thảo buộc phải tạm dừng sự nghiệp đèn sách khi vừa học hết cấp hai (lớp 7 lúc bấy giờ).

Năm 17 tuổi, ông Hoàng Đức Thảo trúng tuyển và được vào đào tạo tại Trường công nhân kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tại Mỏ Chè (Phổ Yên, Bắc Thái). Hai năm sau (1979), ông tốt nghiệp và xin về làm thợ sắt tại Công ty xây dựng số 10 (Nhà máy xi-măng Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Nhờ bản tính siêng năng, cần cù và không ngừng sáng tạo trong công việc, ông Thảo được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua tỉnh Kiên Giang vào năm 1980.

Đến tháng 9/2003, ông Hoàng Đức Thảo được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tiền thân của Busadco ngày nay).

Khi ông Thảo mới về làm Giám đốc, Công ty Thoát nước đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ có 30 người bao gồm cả lãnh đạo và nhân viên. Khi đó, vị doanh nhân này đã tận mắt chứng kiến cảnh các công nhân hàng ngày phải dầm mình trong dòng nước cống ngầm độc hại. Thậm chí, có nhiều lần ông cũng phải chui vào cống cùng anh em công nhân.

Là người có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc cũng như phải trải qua những khó khăn cùng người lao động, TS Hoàng Đức Thảo đã không khỏi trăn trở trước những gian nan, khó nhọc mà các công nhân của ông phải trải qua.

Động lực nghiên cứu xuất phát từ thực tiễn

TS Hoàng Đức Thảo đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và đề tài khoa học: “Cụm tời máy nạo vét hệ thống thoát nước”. Công trình này đã giúp ông đoạt giải ba trong đợt trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2004. Đây là công trình khoa học đầu tay của TS Thảo. Đồng thời, nó cũng là động lực giúp ông thành công hơn ở những công trình khoa học tiếp theo.

TS Thảo (người giơ tay) giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các sản phẩm của Busadco tại cụm công nghiệp Vũ Quý, Kiến Xương, Thái Bình.

Với tinh thần hăng say nghiên cứu khoa học, ông Thảo đã được phong danh hiệu Anh hùng lao động năm 2011. Đến ngày 30/8/2013, TS Thảo được Trường đại học kỷ lục thế giới trao "Bằng danh dự Tiến sĩ Kỷ lục", bởi ông là "Người Việt Nam đầu tiên đạt nhiều giải thương nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học và công nghệ".

Mới đây, cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của TS Hoàng Đức Thảo đã được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt V.

Cụm công trình này gồm 36 sản phẩm đang được ứng dụng tại 42/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đã ban hành chủ trương áp dụng rộng rãi trên địa bàn, đồng thời đã xuất khẩu sang Lào và Malaysia. Công trình này giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống.


Cụm công trình của TS Thảo đã tạo ra 6 giải pháp mới, 5 công nghệ mới, giảm giá thành sản xuất. Cụ thể, cụm công trình đã đưa ra 4 giải pháp tổng thể gồm:

- Giải pháp xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, tiêu biểu là hệ thống ngăn mùi, hố ga bê tông cốt thép đúc sẵn, hào kỹ thuật bê tông cốt thép đúc sẵn, thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước.

- Giải pháp xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn, tiêu biểu có kênh, mương hộp bê tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn.

- Giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, tiêu biểu có trạm xử lý phân tán nước thải, trạm xử lý nước thải nhà hàng, khách sạn, hệ thống ngăn mùi, thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước.

- Giải pháp chống xói lở, bảo vệ bờ biển phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ động thích ứng với mực nước biển dâng, tiêu biểu có cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”.