Không chỉ dành cả đời cho khảo cổ học Việt Nam, mà với TS Andreas Việt Nam còn là quê hương thứ hai. “Vợ tôi là người Việt. Con gái 6 tuổi của tôi có thể nói tiếng Việt tốt hơn bố rất nhiều”, TS Andreas Reinecke - Viện Khảo cổ học về các nền văn hoá ngoài châu Âu thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, vui vẻ bắt đầu câu chuyện bằng chất giọng “lơ lớ” kiểu ông Tây nói tiếng Việt. Ông gây ấn tượng với người đối diện bởi sự cởi mở, thân thiện và chân tình.
Để đi đến đích phải kiên trì, nhẫn nại
Một ngày sau lễ khai mạc “Báu vật khảo cổ học Việt Nam”, tôi hẹn gặp TS Andreas Reinecke trong một không gian khá cổ kính của Hà Nội. Không còn vẻ tất bật như ngày hôm qua, bằng giọng điềm đạm ông kể về cơ duyên đến với khảo cổ học Việt Nam.
“Năm 1978, khi còn là sinh viên tại Berlin, tôi có quen một vài du học sinh Việt Nam học lưu trữ tại Đức. Tôi bắt đầu học tiếng Việt và tìm hiểu về khảo cổ học Việt Nam từ đó. Bên cạnh đó, những năm 70 thế kỷ trước, ở châu Âu không nhiều người biết đến khảo cổ Việt Nam, có chăng chỉ là một vài cuốn sách về lĩnh vực này nhưng bằng tiếng Việt, nên những người nghiên cứu nước ngoài như chúng tôi rất khó có thể đọc và hiểu về nó. Ông tự nhận mình thật may mắn khi chọn khảo cổ học Việt Nam như một “mảnh đất” làm việc mà ở đó tôi có thể thả sức nghiên cứu liên tục trong 50 năm tới. «Thời điểm đó tôi là người Đức duy nhất nghiên cứu về khảo cổ học Việt Nam» - Andreas nói.
Sau 15 năm nghiên cứu về khảo cổ học Việt Nam, tháng 2/1993, lần đầu tiên Andreas mới có dịp đặt chân đến Việt Nam trong một tuần để “tìm hiểu và làm quen với đất nước Việt Nam”. Những năm sau đó, năm nào ông cũng sang Việt Nam để thực hiện các cuộc khai quật, suốt dọc ven biển miền Trung đến miền Tây Nam Bộ. Đến nay ông vẫn nhớ như in về cuộc khai quật di tích Gò Ô Chùa, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (huyện giáp biên giới Campuchia) vào những năm 2004-2007. “Hằng ngày chúng tôi dậy từ 6h sáng, đi chợ, chuẩn bị mọi thứ từ đồ ăn đến nước uống cho cả một ngày làm việc, rồi di chuyển bằng thuyền mất một tiếng đồng hồ đến nơi khai quật và một tiếng để trở về. Đó là chuyến khai quật rất đặc biệt để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi vì rất hiếm khi nhà khảo cổ học phải đi làm bằng thuyền”.
TS Andreas Reinecke. Ảnh: Đoàn Dung
TS Nguyễn Quốc Bình - Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia - kể rằng ông gặp TS Andreas lần đầu tiên vào những năm 2002-2003, khi đó Andreas cùng một số nhà khảo cổ học Việt Nam khai quật di chỉ Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam), một phát hiện quan trọng thời điểm đó với những mộ chum, đồ trang sức bằng vàng, mã não, thủy tinh, đồ sắt… thuộc văn hóa Sa Huỳnh. “Ấn tượng của tôi về anh Andreas Reinecke là một người am hiểu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là về những nền văn hóa cổ của Việt Nam. Một người đầy đam mê với công việc, có thể nói một cách say mê hàng giờ về những hạt chuỗi mới tìm được. Andreas Reinecke là người vui vẻ, hài hước, dễ hòa đồng và đặc biệt vô cùng kiên trì, nhẫn nại để đi đến đích” - TS Nguyễn Quốc Bình nhận xét.
Khi tôi hỏi, nghiên cứu về khảo cổ học Việt Nam đã 25 năm, điều gì hấp dẫn nhất ông? TS Andreas vui vẻ nói, nếu như 20 năm trước đây chúng tôi bị hấp dẫn bởi những di vật khảo cổ thì giờ đây tôi quan tâm nhiều hơn tới sự khác nhau giữa văn hóa miền Bắc Việt Nam và văn hóa ở miền Nam Trung Quốc; hay tìm hiểu mối liên hệ văn hóa Việt Nam với các khu vực, vùng miền thông qua các di vật khảo cổ.
TS Andreas dẫn ví dụ: Khi chúng tôi khai quật một di chỉ ở miền trung thì thấy ở một số mộ chum của phụ nữ có 4 khuyên tai bằng vàng ròng, rất giống với người giàu ở Đức vào thế kỷ 5 TCN, hay ở Tây Bắc Ấn Độ thế kỷ 3 TCN, còn ở VN là thế kỷ 1 TCN. Khi tôi đưa ra giả thuyết liệu chăng người xưa đã có những mối liên hệ rất xa ở các vùng địa lý khác nhau thì nhiều người cho rằng không thể xảy ra điều như thế, nhưng tôi nghĩ tại sao không?
Chính vì thế, theo TS Andreas, “Việc nghiên cứu khảo cổ học rất cần sự hợp tác của nhiều quốc gia, có như vậy mới có thể tiếp cận được với lịch sử một cách xác thực nhất. Nhiều hiện vật và hiện tượng khảo cổ học đặc biệt chỉ có thể xác định niên đại và giải thích dựa trên cơ sở nghiên cứu so sánh trong một khu vực rộng”.
Mang bảo vật quốc gia Việt Nam sang Đức
Cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức (diễn ra từ năm 2016 đến tháng 2/2018), có 108 hiện vật thuộc mộ cổ Việt Khê là bảo vật quốc gia. Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, để đưa được những hiện vật là bảo vật quốc gia ra nước ngoài thủ tục vô cùng phức tạp. Hàng loạt các thủ tục thông qua các Bộ: Công an, Tài chính, Ngoại giao, Sứ quán tại nước sở tại… và cuối cùng do Thủ tướng Chính phủ ra quyết định.
“Thực tế các cuộc trưng bày bảo vật phối hợp với Mỹ, Hàn Quốc trước đây đã không thể nào thực hiện được vì vấp phải những thủ tục hết sức phức tạp này. Nên hầu như mọi người, ngay cả bản thân tôi cũng khuyên TS Andreas Reinecke từ bỏ ý định trên. Nhưng bằng sự kiên trì đến mức ngạc nhiên, anh đã thuyết phục được Bộ Ngoại giao Đức, các đối tác Đức và các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng thực hiện một dự án: Đưa các bảo vật quốc gia này sang Đức để bảo quản, tu sửa, phục chế, đào tạo cán bộ bảo quản cho phía Việt Nam kết hợp với trưng bày sau khi kết thúc quá trình bảo quản. Với lý đo đầy tính thuyết phục này, sưu tập hiện vật là bảo vật quốc gia qua mộ cổ Việt Khê đã có mặt trong trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam tại Đức”. TS Nguyễn Quốc Bình kể lại.
TS Andreas Reinecke cho biết, ông đã tìm mọi cách để đưa bảo vật Việt Nam trưng bày ở Đức vì mỗi năm có khoảng 150.000 du khách Đức đến Việt Nam và hiện có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Đức. Nhưng các khám phá mới về khảo cổ học từ Việt Nam chưa được biết đến nhiều ở châu Âu.
Theo TS Andreas, trong hơn 50 năm qua, không nước nào tại Đông Nam Á có tần suất khai quật dày đặc như ở Việt Nam. Con số hơn 10.000 bài thông báo về hoạt động khảo cổ học đã được công bố trong một tập san, khoảng 3.000 bài báo về khảo cổ học đăng trên những tạp chí khác nhau và khoảng 300 đầu sách về các thời đại, các nền văn hóa khảo cổ và đặc biệt trong những năm gần đây xuất hiện những cuốn sách về khảo cổ học của các tỉnh, thì có thể nói số lượng ấn phẩm của khảo cổ học Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á; nhưng điều đó không có nghĩa việc nghiên cứu khảo cổ học hiện nay ở Việt Nam không tồn tại những hạn chế nhất định.
Trước hết, đến nay hầu hết những kết quả nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam chỉ được công bố bằng tiếng Việt với những thông tin ngắn gọn, nhiều tài liệu khai quật quan trọng không được công bố mà chỉ được lưu giữ trong thư việc hoặc kho dữ liệu của các cơ quan ở trung ương hoặc tại các bảo tàng tỉnh. Điều này sẽ khiến rất nhiều kết quả nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam không thể tìm hiểu nếu ở nước ngoài; đồng thời những nghiên cứu của các học giả nước ngoài về khảo cổ học Việt Nam và Đông Nam Á cũng phần lớn được công bố bằng tiếng Anh nên hầu như không phổ biến ở Việt Nam, nên đã hạn chế rất nhiều đến sự hợp tác giữa các nhà khoa học khảo cổ Việt Nam và nước ngoài.
Vì thế ông dự kiến thời gian tới sẽ phối hợp cùng các đồng nghiệp Hà Lan để xuất bản một cuốn sách bao gồm tất cả những công bố bằng tiếng Việt về khảo cổ học Việt Nam của các nhà khảo cổ học người ngoài và các nhà khảo cổ học Việt Nam. “Xa hơn nữa, vài năm tới, tôi sẽ hoàn thành một handbook (sổ tay) bằng tiếng Anh đầu tiên về khảo cổ học Việt Nam xuất bản ở châu Âu và ở Việt Nam. Tôi hi vọng cuốn sổ tay này sẽ cung cấp kiến thức tổng quan cho những người chưa biết, chưa hiểu về khảo cổ học Việt Nam”.