Theo thống kê mới đây của Ủy ban Băng rộng Liên Hiệp Quốc, đến cuối năm 2015, 57% dân số thế giới (khoảng 4,2 tỷ người) vẫn sẽ không có Internet để truy cập.
|
Ảnh minh họa.
|
Các công ty trong làng công nghệ vẫn thường thích nói nhiều về một thế giới kết nối, nơi mà mọi thứ đều được nối mạng máy tính toàn cầu Internet. Thế nhưng, liệu trên thực tế có bao nhiêu người đang thực sự được dùng Internet vẫn luôn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Ủy ban Băng thông rộng của Liên Hiệp Quốc (United Nations' Broadband Commission) mới đây đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quan hơn về tình hình sử dụng Internet trên toàn thế giới. Đáng tiếc là những con số mà ủy ban này công bố không được lạc quan như mong đợi.
Theo đó, tính đến cuối năm 2015, Ủy ban Băng thông rộng dự đoán 57% dân số thế giới (khoảng 4,2 tỷ người) vẫn sẽ không có Internet để dùng. Việc một người dân có được kết nối với mạng máy tính toàn cầu hay không phụ thuộc nhiều vào các cơ hội kinh tế và xã hội của họ. Trên 80% dân số ở các quốc gia phát triển hiện tại đã được truy cập Internet, thế nhưng con số này ở các quốc gia nghèo nhất chỉ là 6,7%.
Các nỗ lực cung cấp Internet giá rẻ từ những "ông lớn" như Facebook và Google có thể giúp cải thiện tình hình. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc tin rằng giải pháp thực sự cho vấn đề cần phải toàn diện hơn. Bên cạnh việc ưu tiên giải quyết các vấn đề nghèo đói và phân biệt đối xử, chính phủ các quốc gia cần thiết lập các chương trình băng thông rộng cụ thể.
Một thực tế khác cần giải quyết đó là việc nhiều nơi trên thế giới không có các nội dung Internet được viết bằng ngôn ngữ của người bản xứ. Nếu một khu vực nào đó có kết nối Internet nhanh, nhưng người dân không thể đọc và hiểu được các nội dung - vốn được viết bằng ngôn ngữ mà họ không thể hiểu - mọi nỗ lực cũng sẽ chỉ là vô ích.
Theo Ictnews