Với việc tiếp nhận Quỹ Khoa học Tự nhiên Trung Quốc, nơi quản lý gần 1/3 tổng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của nước này, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc sắp nắm trong tay “siêu quyền lực”.
Ảnh minh họa: The Guardian.
Mới đây, tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thông báo kế hoạch tăng thêm quyền lực cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Bộ này sẽ tiếp tục giám sát những chính sách và dự án khoa học lớn nhưng đồng thời gánh thêm trách nhiệm phân bổ tài trợ nghiên cứu và tuyển dụng các nhà khoa học nước ngoài.
Cụ thể, Quỹ Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC), tổ chức chính chịu trách nhiệm cấp kinh phí cho các nghiên cứu cơ bản ở nước này, sẽ nằm dưới sự quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, thay cho Quốc vụ viện như bấy lâu nay.
Năm 2016, NSFC đã tài trợ 26,8 tỷ NDT (tương đương 3,9 tỷ USD) cho 44.000 dự án nghiên cứu. Con số này chiếm gần 1/3 tổng kinh phí dành cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc.
Ngược lại, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý những dự án lớn gắn với những mục tiêu ở tầm quốc gia.
Các nhà khoa học Trung Quốc thường phàn nàn rằng Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ cho các dự án trên cơ sở những mối quan hệ chính trị và cá nhân hơn là dựa vào ý kiến của các chuyên gia.
Cao Cong, nhà nghiên cứu về chính sách tại Đại học Nottingham ở Ninh Ba, nói, “Việc đặt NSFC dưới sự lãnh đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ rất có thể làm rối thêm các nhiệm vụ này.”
Cao cho biết, việc cải cách có thể là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc không hài lòng với quá trình tái cơ cấu khoa học gần đây nhất vào năm 2014 trong nỗ lực gia tăng hiệu quả của việc đầu tư cho nghiên cứu.
Cao nhận xét, phải cần thời gian mới có thể đánh giá tác động của cải cách nói trên. Nhưng một khả năng là dần dần NSFC sẽ mất đi quyền kiểm soát và ảnh hưởng trong việc tài trợ cho nghiên cứu cơ bản. “Nếu vậy thì toàn bộ cộng đồng khoa học sẽ rất tiếc nuối.”
Các nhà khoa học đánh giá cao việc tài trợ của NSFC bởi nó được tiến hành thông qua bình duyệt và ít nhấn mạnh những “quan hệ” mang tính cá nhân của nhà khoa học. Đây cũng là một trong số hiếm hoi nguồn tài trợ cho các nghiên cứu sinh mới.
Wang Yifang, Viện trưởng viện Vật lý năng lượng cao tại Bắc Kinh và là
một đại biểu tham gia Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, lại đặt nhiều
hy vọng vào cuộc sáp nhập. Ông là người đã thẳng thắn chỉ trích quá
trình tuyển chọn các dự án khoa học lớn của Trung Quốc, cho rằng đôi khi
những người bình duyệt không có chuyên môn trong lĩnh vực mà họ thẩm
định.
Wang muốn Trung Quốc học theo hệ thống quản lý như ở Mỹ, theo
đó một nhóm nhỏ các chuyên gia đánh giá chất lượng của các dự án. Ông
cũng cho rằng điều đó có thể xảy ra ở cơ quan sáp nhập này, “nếu cả Bộ
Khoa học và Công nghệ và NSFC đều hành xử đúng”.
Nhiều nhà nghiên cứu xuất sắc của Trung Quốc nhận xét, đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc hiện đã thấp hơn quá nhiều so với những quốc gia đầu tư mạnh cho khoa học. Năm 2017, Trung Quốc đầu tư 92 tỷ NDT cho nghiên cứu cơ bản, tương đương với 0,1% GDP, trong khi con số này ở Mỹ là 0,2%.
Ông Li Jinghai, người mới nhận nhiệm vụ lãnh đạo NSFC hồi tháng trước, nói với Nature rằng, chi tiết về việc hợp nhất giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và NSFC sẽ được thảo luận và làm rõ trong những tháng tới. Nhưng ông cho biết, Quốc vụ viện đã hứa dành thêm tiền cho nghiên cứu cơ bản trong một văn bản công bố hồi tháng Một năm nay. “Tôi chắc chắc rằng khoa học cơ bản của Trung Quốc sẽ được gia tăng sức mạnh”, ông nói.
Theo tiasang.com.vn