Nữ bác sĩ người Pháp Marthe Gautier là người thực hiện công cuộc khám phá ra nhiễm sắc thể dư thừa gây ra hội chứng Down. Thế nhưng, vai trò quan trọng của bà đã không được ghi nhận, giống như rất nhiều phụ nữ khác trong thế hệ mình.

Cách đây 63 năm, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã nhận được một bài báo, “Nhiễm sắc thể người trong nuôi cấy mô” (1959), báo cáo sự hiện diện của một nhiễm sắc thể dư thừa ở những bệnh nhân mắc hội chứng Down. Hội chứng này đặt theo tên của bác sĩ người Anh Langdon Down, người đã mô tả nó từ gần một thế kỷ trước. Đây là hiện tượng sai cấu trúc nhiễm sắc thể (NST) thường đầu tiên được ghi nhận trong tế bào của người; vào năm 1960, nó sẽ được đặt tên là “trisomy 21” (ba NST số 21). Lịch sử khắc ghi tên Jérôme Lejeune, tác giả chính được ghi trên bài báo, thế nhưng lại quên lãng tên tuổi của nhà nữ nghiên cứu tham gia vào công trình này.


Marthe Gautier (1925-2022).

Bước đệm cho khám phá

Marthe Gautier ra đời vào ngày 10/9/1925, trong một gia đình nông dân lâu đời ở vùng Brie của Pháp. Với ước mơ trở thành bác sĩ nhi khoa, bà dấn thân vào học ngành y. Năm 1955, bà bảo vệ luận án về tim mạch ở bệnh nhi, dưới sự cố vấn của ông Robert Debré. Ông Debré là cha đẻ của ngành nhi khoa Pháp, một bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực này. Gautier là một trong hai phụ nữ duy nhất trong số 80 bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Paris thể hiện được tài năng xuất sắc của mình. Bà được ông Debré đề cử nhận học bổng đi học một năm tại Đại học Harvard.

Hội chứng Down là do bộ ba nhiễm sắc thể 21 gây ra.

Trong khi tiếp tục việc học tại đây, theo hợp đồng, bà còn làm kỹ thuật viên bán thời gian trong phòng thí nghiệm nuôi cấy tế bào, để lấy các tế bào kém biệt hóa từ các mảnh động mạch, nguyên bào sợi trong nuôi cấy ống nghiệm. Đây là cơ hội để sinh viên có được kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực mới.

Khi trở về Pháp, bà công tác tại Bệnh viện Trousseau với vai trò bác sĩ nội trú lâm sàng chính của khoa tim mạch nhi, do Raymond Turpin làm giám đốc. Vào thời điểm đó, Turpin đang nghiên cứu nhiều hội chứng dị tật. Hội chứng phổ biến nhất vào thời điểm đó là “mongolism” - ngày nay được gọi là hội chứng Down - đặc trưng là thiểu năng trí tuệ và dị thường về hình thái. Ông giao cho Gautier phụ trách việc phát triển việc nuôi cấy tế bào. Bà đã dùng hết kiến thức học được ở Hoa Kỳ để làm tốt công việc này, bắt đầu đếm số lượng nhiễm sắc thể. Đây không phải điều dễ dàng thực hiện, bởi vì vào những năm 1950, việc nuôi cấy tế bào ở Pháp đang là con số không. Gautier đã chọn “làm việc trên các nguyên bào sợi lấy từ mô liên kết, bởi vì nó dễ dàng lấy được khi gây tê cục bộ”. Bà phát triển giao thức thử nghiệm của riêng mình và dành hết tâm huyết cho nó - đôi khi theo đúng nghĩa đen vì bà sử dụng chính huyết thanh của mình, thậm chí bà còn bỏ tiền ra để mua thiết bị phòng thí nghiệm.

Cuối cùng, khi đã thành công nuôi cấy mô liên kết, bà điều chỉnh một kỹ thuật gần đây cho phép gây ra “sốc giảm trương lực mạch máu”. Sau khi cố định mẫu vật, bà làm khô phiến kính để phân tán đủ các nhiễm sắc thể của những tế bào đang phân chia, như thế việc đếm chúng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng bà thêm vào một chi tiết đặc biệt riêng, đó là sử dụng công thức thuốc nhuộm mà tự bà chế ra. Sau đó, bà thấy được kết quả: tế bào của những đứa trẻ bình thường có 46 nhiễm sắc thể, nhưng tế bào của những người mắc chứng mongolism có 47 nhiễm sắc thể.

Vị trí bị tước đoạt

Thế nhưng, Gautier không thể xác định được nhiễm sắc thể dư thừa này bằng kính hiển vi cũ, có độ phân giải thấp mà bà đang dùng. Đúng lúc này, ông Jérôme Lejeune, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và là một trong những học trò của ông Turpin, đề nghị chụp ảnh các tấm kính của bà tại một phòng thí nghiệm có thiết bị tốt hơn. Gautier đồng ý và đưa chúng cho ông. Chuyện này diễn ra vào tháng 5/1958. Người phụ nữ trẻ đã chờ đợi một bài báo được viết ra, nhưng không có gì xảy tới. Khoảng ba tháng sau, Lejeune tham dự một hội thảo về di truyền học ở Montreal, tại đây ông ta trình bày về “khám phá của người Pháp”, với các bức ảnh trong tay.

Khi bài báo được đăng lần đầu vào tháng 1/1959 trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, Marthe Gautier không hề được thông báo, không chỉ vậy, tên bà còn bị ghi sai thành Marie Gauthier. Và cái tên đó bị đặt ở vị trí thứ hai, sau Jérôme Lejeune — mà điều này là trái với thông lệ, bởi vị trí đầu tiên thuộc về nhà nghiên cứu đã thiết kế và thực hiện các thí nghiệm.

Kể từ đó, khám phá này gắn liền với cái tên Lejeune, ông tự giới thiệu mình trên trường khoa học quốc tế là “người phát hiện” ra sự bất thường nhiễm sắc thể đầu tiên của con người (vào năm 1960, Hội nghị Denver đặt tên cho nó là trisomy 21). Lejeune dành nốt phần sự nghiệp còn lại để nghiên cứu chứng rối loạn di truyền này, nó là chủ đề cho luận án của ông vào năm 1961. Cùng năm đó, ông đã được trao Huy chương Bạc CNRS (giải thưởng khoa học do Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp trao hằng năm) cùng với Turpin, Prix Jean Toy. Năm 1962, Lejeune phát hiện ra ba NST số 16. Năm 1964, ông trở thành giáo sư di truyền học. Và vào năm 1969, ông nhận được Giải thưởng William Allan, một trong những giải thưởng danh giá nhất của lĩnh vực di truyền học.

Gautier khép lại câu chuyện của mình bằng cách từ bỏ, tập trung vào việc chữa trị cho trẻ em mắc bệnh tim. Thế nhưng, tuy Gautier không đòi hỏi được ghi nhận công lao cho việc khởi xướng khám phá quan trọng này, cái tên của bà không bị xóa sổ hoàn toàn trong dòng lịch sử.
Cuộc tranh luận bắt đầu với câu chuyện được đăng trên tờ La Recherche vào năm 2009 - 50 năm sau sự kiện đó. Tới tháng 1/2014, vai trò của Gautier mới được công nhận, bà được Hiệp hội Di truyền học Pháp trao giải Grand Prix ở một hội nghị tại Bordeaux. Song, mọi việc cũng không diễn ra suôn sẻ khi các chấp pháp viên xuất hiện với lệnh của tòa án. Thay mặt Quỹ Jérôme Lejeune, nơi hỗ trợ nghiên cứu và chăm sóc bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ di truyền, đồng thời phản đối việc phá thai, họ tới để ghi hình lại bài phát biểu của bà Marthe Gautier, để đảm bảo những lời bà nói ra không làm hoen ố danh tiếng của vị bác sĩ quá cố (1994). Vì thế, những người tổ chức đã hủy sự kiện và trao huy chương cho vị bác sĩ lúc đó đã 88 tuổi trong một lễ kỷ niệm riêng tư tại khách sạn bà cư trú.

Phải tới khi Viện Y tế và Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Pháp (Inserm) can thiệp thì vai trò quyết định của Gautier trong khám phá này mới được khẳng định. Ủy ban Đạo đức của cơ quan này đã xem xét vấn đề theo yêu cầu của một nhóm các nhà sinh vật học phẫn nộ các thủ đoạn mà Quỹ Jérôme Lejeune sử dụng. Trong một ý kiến được đăng vào tháng 9/2014, Ủy ban Đạo đức thẳng thắn đứng về phía bà Gautier, “xét tới bối cảnh thời gian khám phá ra nhiễm sắc thể dư thừa, sự tham gia của ông Jérôme Lejeune không có khả năng gây ảnh hưởng vượt trội, ông ta đã không ghi nhận việc đào tạo con người (tức là Marthe Gautier) đã dẫn tới việc họ thu được kiến thức chuyên môn (tức là trong việc nuôi cấy tế bào), cùng với khoảng thời gian bà được đào tạo ở ngoài nước Pháp (tức ở Hoa Kỳ). Đúng là ông Jérôme Lejeune đã thúc đẩy khám phá này, thế nhưng, như Ủy ban Đạo đức viết, “điều đó khác với việc thực hiện khám phá”. Và quả thực, “phương cách kỹ thuật là một điều kiện cần thiết để dẫn tới khám phá”, mà bà Marthe Gautier đóng “vai trò chủ chốt” ở đây.

Tuy muộn màng, nhưng những đóng góp của Marthe Gautier đã được công chúng ghi nhận khi bà còn sống. Vào ngày 30/4/2022, bà tạ thế, hưởng thọ 96 tuổi.

Nguồn: medscape.com