Theo thông tin của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính Trung Quốc, sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng các nhà khoa học Hồng Kông đã có thể tiếp cận nguồn tài trợ cho nghiên cứu của Trung Quốc.

Nguồn tài trợ trước đây chỉ hạn chế dành cho các nhà khoa học đại lục nhằm giúp Hồng Kông trở thành “một trung tâm đổi mới sáng tạo quốc tế”.

“Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, các cơ quan của chính phủ có liên quan đã tiến hành nhanh chóng và việc hợp tác về KH&CN giữa đại lục và khu hành chính đặc biệt Hồng Kông đã được thúc đẩy,” hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc đã đưa tin về sự mở rộng đầu tư này vào ngày 14/5/2018.

“Trong giai đoạn đầu, 16 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và 6 chi nhánh của Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật quốc gia Trung Quốc tại Hồng Kông sẽ được cấp kinh phí với tổng số là 22 triệu NDT (tương đương 3,5 triệu USD)”, giáo sư Nancy Ip - phó chủ tịch Đại học KH&CN Hồng Kông (HKUST) cho biết trong một thông báo với University World News vào ngày 17/5/2018. Bà tin tưởng chính sách mới sẽ thu hút nhiều hơn sự hợp tác trong khoa học và công nghệ giữa các nhà nghiên cứu Hồng Kông và đại lục, và khuyến khích nhiều nhà nghiên cứu Hồng Kông tham gia vào, hoặc thậm chí là dẫn đầu, trong nhiều chương trình KH&CN quốc gia lớn.

Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học KH&CN Hồng Kông.
Nguồn: South China Morning Post

Theo tinh thần mới này thì các trường đại học và viện nghiên cứu ở Hồng Kông và Macau có thể xin tài trợ từ các quỹ đổi mới công nghệ của Trung Hoa đại lục để thực hiện nghiên cứu tại Hồng Kông.

Điều này cho phép hai thành phố Hồng Kông và Macau “đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ và đưa Trung Quốc thành đất nước của những nhà đổi mới sáng tạo”, theo thông cáo chung của Bộ KH&CN và Bộ Tài chính Trung Quốc.

“Đây thực sự là một đột phá trong đầu tư cho khoa học, trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam nói. Tuy nhiên bà Carrie Lam cho biết, các viện nghiên cứu Hồng Kông sẽ phải cạnh tranh với những viện nghiên cứu đại lục mới có thể giành được tài trợ.

Bản hướng dẫn về đề xuất tài trợ kinh phí nghiên cứu đã được thông báo rộng rãi sẽ cấp kinh phí cho các hồ sơ dựa trên nguyên tắc cạnh tranh và lựa chọn những đề xuất tốt nhất, khả thi nhất.

Ông Huang Wei, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trung Quốc cho rằng, Hồng Kông cũng được khuyến khích “tham gia vào việc lập kế hoạch về KH&CN quốc gia” và đóng một vai trò nhất định trong “hoạch định chính sách KH&CN quốc gia”, do đó Hồng Kông có thể có tiếng nói vào việc đầu tư cho KH&CN của đất nước.

Các nhà nghiên cứu Hồng Kông vẫn thường xuyên phàn nàn về việc không thể “thâm nhập” được vào nguồn ngân sách lớn dành cho KH&CN của Trung Quốc, ngay cả khi có sự hợp tác với các nhà nghiên cứu đại lục, điều đó khiến họ phải mất thêm kinh phí khi vận chuyển máy móc và thiết bị từ Hồng Kông để nghiên cứu.

Tân Hoa xã cho biết, quan điểm mới của Bộ KH&CN Trung Quốc đã đáp ứng được mong đợi của hàng chục nhà nghiên cứu Hồng Kông, những người cũng là thành viên của Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc hoặc Viện Kỹ thuật Trung Quốc.

Giáo sư Nancy Ip của HKUST - một trong số 36 đại biểu Hồng Kông tham dự Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cho biết, trong tháng 3 vừa qua, bà đã đề xuất tại đại hội là cần tháo gỡ rào cản để các nhà khoa học Hồng Kông có thể nhận được kinh phí đầu tư nghiên cứu từ đại lục.Ví dụ, HKUST - viện nghiên cứu của bà hiện quản lý 2 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực khoa học thần kinh phân tử và các công nghệ quang điện tử - màn hình tiên tiến, và hai chi nhánh của Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật quốc gia Trung Quốc về tái cấu trúc và phục hồi mô, kiểm soát và xử lý ô nhiễm kim loại nặng. “Các dự án đang được thực hiện trong các phòng thí nghiệm và trung tâm này cần nhận được kinh phí đầu tư từ đại lục”, bà nhận xét.

Bà Ip cũng cho biết, “20 năm trước, có nhiều ngân sách dành cho nghiên cứu ở Hồng Kông hơn đại lục nhưng bây giờ tình thế đã đảo ngược”.

Ông Chen Honglin của Phòng thí nghiệm trọng điểm về các dịch bệnh lây nhiễm mới nổi đã nói với South China Morning Post, tại đại lục, mỗi năm một phòng thí nghiệm quốc gia như phòng thí nghiệm của ông có thể nhận được 8 đến 10 triệu NDT (tương đương 1,3 đến 1,6 USD) từ Bộ KH&CN Trung Quốc nhưng kể từ năm 2012, cơ sở của ông chỉ nhận được 5 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 637.000 USD) mỗi năm từ Ủy ban Đổi mới sáng tạo và công nghệ Hồng Kông.

Theo dữ liệu mới nhất từ chính phủ, năm 2017 các viện nghiên cứu và trường đại học ở đại lục đã dành 355 tỷ NDT (56 tỷ USD) vào R&D. Cũng năm 2016, thành phố Thâm Quyến, ngay bên kia biên giới và là quê hương của những gã khổng lồ công nghệ như Baidu và Tencent, đã tiêu gần 84,3 tỷ NDT (tương đương 13,2 tỷ USD) vào R&D – khoảng 94% số đó là từ lĩnh vực tư nhân.