Trong khi Ủy ban châu Âu đệ trình kế hoạch cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần thì việc các nhà khoa học Slovakia phát minh một loại nhựa mới không gây hại cho môi trường có thể được dùng để làm bao bì thực phẩm và dược phẩm trở nên vô cùng cấp thiết.


Trao đổi với đài Sputnik, giáo sư Pavel Alexi từ Khoa công nghệ hóa học và thực phẩm của Đại học Kỹ thuật Slovakia cho biết: “Kết quả nghiên cứu đã được công bố trước đây là loại polymer thế hệ đầu tiên, còn loại polymer mới này được gọi là nonoilen. Tên gọi của nó cho thấy rằng, trong quá trình sản xuất chúng tôi không sử dụng dầu — non oil.

Thế hệ mới này được tạo ra từ những nguồn tái tạo, có nghĩa là, không có chất tổng hợp được sản xuất từ ​​dầu, khí hoặc than. Thế hệ đầu tiên cũng phân hủy, nhưng, chỉ sau khi bổ sung phân hữu cơ, có nghĩa là cần phải tạo ra những điều kiện nhất định — ví dụ như nhiệt độ cao hơn, và điều kiện quan trọng nhất, để xử lý loại nhựa thế hệ thứ nhất phải có ủ compost để phân hủy triệt để.

Với loại nhựa mới, mà gần đây chúng tôi đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, tình hình là khác: chúng tôi đã đưa một thành phần mới vào công thức, nhờ đó đã đơn giản hoá điều kiện phân hủy: vẫn có nhu cầu về ủ compost, nhưng, không nên có nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra polyme mới của chúng tôi phân hủy trong nước bình thường”.

Cũng theo giáo sư Pavel Alexi, rác thải nhựa gây ra hai vấn đề lớn. Trước hết, nó không phân hủy, vì vậy nó ngăn cản động vật sử dụng môi trường, điều này dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Một vấn đề khác là nếu chúng ta muốn tiêu hủy rác thải nhựa mà không chỉ lưu trữ nó ở đâu đó, thì chúng ta vấp phải vấn đề: những sản phẩm phân hủy của hóa chất trong môi trường là rất độc hại và gây ra sự nóng lên toàn cầu.

“Loại nhựa của chúng tôi không có các vấn đề nói trên, vì nó không chứa dầu và được tạo ra trên cơ sở các nguồn tái tạo”, giáo sư Pavel Alexi thông tin.