Những năm 1990, thế giới mất khoảng 800 tỷ tấn băng/năm. Ngày nay, con số đó tăng lên khoảng 1.200 tỷ tấn/năm. Và tổng cộng, hành tinh đã mất 28 nghìn tỷ tấn băng từ năm 1994 đến 2017.

Đó là kết quả một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí The Cryosphere, cũng là nghiên cứu đầu tiên phân tích lượng băng biến mất trên toàn cầu. Nghiên cứu dựa trên các phép đo từ nhiều nguồn khác nhau - chủ yếu là các vệ tinh, cũng như các quan sát tại thực địa và các mô hình số.

Kết quả rất rõ ràng: băng đang dần biến mất trên khắp thế giới và phần lớn là do biến đổi khí hậu.

Băng tan ở Vịnh băng Ilulissat trong thời tiết ấm áp bất thường vào ngày 30/7/2019 gần Ilulissat, Greenland.

Nhiệt độ không khí tăng khiến băng trên núi thu hẹp lại, từ dãy Alps ở châu Âu, dãy Himalaya ở châu Á đến dãy Andes ở Nam Mỹ. Nghiên cứu cho thấy các ngọn núi trên toàn thế giới đã mất gần 10 nghìn tỷ tấn băng kể từ những năm 1960, tốc độ nhanh dần theo thời gian.

Các sông băng ở Greenland và Nam Cực cũng mất đi khối lượng băng khổng lồ. Kể từ những năm 1990, Nam Cực đã mất hơn 2.600 tỷ tấn băng và Greenland mất gần 4 nghìn tỷ. Nguyên nhân chính dẫn đến tan băng ở Nam Cực là các dòng hải lưu ấm làm tan chảy các sông băng từ dưới lên, khiến chúng đổ nhiều băng ra biển hơn. Ở Greenland, quá trình tan chảy do hải lưu ấm cũng đang diễn ra nhưng hơn một nửa lượng băng của Greenland bị mất đi là do băng tan trên bề mặt hoặc băng tan trên đỉnh của các tảng băng. Nhiệt độ không khí tăng là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng chảy bề mặt này.

Nghiên cứu cũng xem xét các thềm băng ở Nam Cực - các gờ băng nổi trên đại dương nhô ra từ lục địa Nam Cực. Các thềm băng ở Nam Cực đã mất hơn 8.600 tỷ tấn kể từ những năm 1990. Lớp băng này vốn đã nằm trên biển nên khi tan không làm dâng nước biển như băng trên các lục địa. Nhưng khi các thềm băng thu hẹp lại, chúng sẽ gây mất ổn định các sông băng và kéo theo băng tan tiếp tục.

Tương tự, băng biển không làm dâng mực nước biển khi tan, nhưng vẫn gây ra tổn thất đáng kể. Băng biển là môi trường sống quan trọng của động vật hoang dã, bao gồm gấu Bắc Cực và hải cẩu. Và khi băng tan, tốc độ ấm lên toàn cầu cũng tăng bởi vì băng có bề mặt sáng, phản chiếu ánh sáng mặt trời; khi băng biển biến mất, đại dương sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn. Sử dụng kết hợp dữ liệu vệ tinh và mô hình đại dương, nghiên cứu ước tính, băng biển ở Bắc Cực đã bị thu hẹp khoảng 230 tỷ tấn mỗi năm kể từ năm 1980. Nhiều chuyên gia tin rằng băng biển đang suy giảm đã đẩy nhanh tốc độ ấm lên của Bắc Cực. Nhiệt độ ở đó hiện đang tăng nhanh hơn gấp hai lần so với phần còn lại của thế giới.

Nhìn chung, nghiên cứu mới cho thấy lượng băng mất đi trên toàn thế giới đã tăng ít nhất 57% kể từ những năm 1990. Các nhà nghiên cứu lưu ý, “có thể nghi ngờ phần lớn lượng băng mất đi trên Trái đất là hậu quả trực tiếp của khí hậu nóng lên."

Nguồn: