Một nghiên cứu mới cho thấy, ngay cả khi mọi người tin rằng Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, họ cũng không sử dụng đại từ nhân xưng "bà ấy" ("she") để đề cập đến Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Trong suốt năm 2016, một tỷ lệ đáng kể công chúng Mỹ tin rằng người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 năm 2016 sẽ là bà Hillary Clinton. Nhưng mọi người hiếm khi sử dụng đại từ "bà ấy" khi nói về Tổng thống Mỹ tiếp theo, theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Psychological Science.
Xu hướng ngôn ngữ ngầm
Đầu năm 2016, khi tại Mỹ diễn ra bầu cử Tổng thống, Roger Levy, giáo sư não bộ và khoa học nhận thức của MIT, và các đồng nghiệp của ông bắt tay vào nghiên cứu viễn cảnh phụ nữ được bầu làm Tổng thống sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc sử dụng ngôn ngữ của mọi người. Nhóm sử dụng chiến dịch bầu cử năm 2016 như một thử nghiệm tự nhiên.
Nhóm đã thực hiện thí nghiệm của mình 12 lần trong khoảng thời gian từ tháng 6/2016 đến tháng 1/2017, với tổng số gần 25.000 người tham gia trên nền tảng Amazon Mechanical Turk. Người tham gia nghiên cứu được yêu cầu thực hiện một trong ba nhiệm vụ.
Nhiệm vụ đầu tiên là dự đoán khả năng chiến thắng của ba ứng cử viên trong cuộc bầu cử - Hillary Clinton, Donald Trump hoặc Bernie Sanders. Các nhà nghiên cứu ước tính tỷ lệ phần trăm những người tin rằng Tổng thống tiếp theo sẽ là phụ nữ cao hơn 50% trong hầu hết thời gian trước cuộc bầu cử và lên đến hơn 60% ngay trước cuộc bầu cử.
Tiếp theo, những người tham gia được yêu cầu điền vào chỗ trống để hoàn thành một đoạn văn, ví dụ như viết tiếp đoạn "Tổng thống Hoa Kỳ tiếp theo sẽ tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2017. Sau khi chuyển đến Phòng Bầu dục, một trong những điều đầu tiên mà ..."
Trong nhiệm vụ này, khoảng 40% số người tham gia đã bắt đầu bằng một đại từ khi tiếp tục viết vào dấu "...". Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, hơn 25% số người tham gia đã sử dụng "ông ấy", dưới 10% sử dụng "bà ấy" và khoảng 50% sử dụng "họ". Khi thời gian bầu cử đến gần hơn và bà Clinton có vẻ như sẽ thắng, tỷ lệ sử dụng "bà ấy" cũng tăng lên, nhưng mức sử dụng "họ" tăng lên khoảng 60%. Kết quả chỉ ra rằng có sự thiên kiến dai dẳng đối với việc sử dụng "bà ấy" trong một bối cảnh mà giới tính của cá nhân được đề cập chưa được xác định.
"Sau khi bà Clinton thắng bầu cử sơ bộ vào cuối mùa hè, hầu hết mọi người nghĩ rằng bà sẽ thắng. Chắc chắn đảng Dân chủ, và đặc biệt là các nữ đảng viên đảng Dân chủ, đã nghĩ rằng bà Clinton sẽ thắng. Nhưng ngay cả trong các nhóm này, mọi người vẫn rất miễn cưỡng sử dụng đại từ 'bà ấy' để nói đến Tổng thống tiếp theo. Chưa bao giờ đại từ 'bà ấy' được ưa thích hơn 'ông ấy'", Levy nói.
Đối với nhiệm vụ thứ ba, những người tham gia được yêu cầu đọc một đoạn văn ngắn về Tổng thống tiếp theo. Trong khi họ đọc văn bản trên màn hình, họ phải nhấn một nút để tiết lộ từng từ tiếp theo trong câu. Thiết lập này cho phép các nhà nghiên cứu đo lường mức độ đọc trôi chảy của người tham gia. Nếu họ bất ngờ hoặc khó hiểu thì thời gian đọc và bấm nút sẽ lâu hơn.
Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi những người tham gia bắt gặp đại từ "bà ấy" trong câu nói về vị Tổng thống tiếp theo, họ sẽ mất khoảng một phần ba giây trong thời gian đọc - một khoảng thời gian có vẻ ngắn, nhưng nghiên cứu xử lý câu đã chỉ ra đây là gián đoạn đáng kể so với cách đọc thông thường - so với các câu sử dụng đại từ "ông ấy". Điều này không thay đổi trong suốt quá trình nghiên cứu và thời gian trước bầu cử.
"Trong nhiều tháng, phần lớn người dân kỳ vọng rằng một phụ nữ sẽ chiến thắng, nhưng chính những người dân đó cũng không sử dụng đại từ 'bà ấy' để nói về Tổng thống tiếp theo và họ tỏ ra rất ngạc nhiên khi gặp từ 'bà ấy' trong đoạn văn về Tổng thống tiếp theo," Levy nói.
Định kiến mạnh mẽ
Trước khi bắt đầu nghiên cứu, nhóm của GS Roger Levy kỳ
vọng mọi người sử dụng đại từ "bà ấy" nhiều hoặc ít dựa trên niềm
tin của họ về người sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Nhưng thực tế, các phát hiện cho thấy "Định kiến rằng Tổng thống Hoa Kỳ luôn là đàn ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngôn ngữ, ngay cả trong tình huống với những kiến thức cụ thể thuận lợi nhất để vượt qua các khuôn mẫu," Levy nói. "Có lẽ mọi người liên kết những đại từ khác nhau với các vị trí uy tín và quyền lực, hoặc chỉ đơn giản là mọi người miễn cưỡng trong việc coi ai đó là nữ nếu họ không chắc chắn."
Levy và các đồng nghiệp của ông cũng tiến hành các thí nghiệm tương tự trong khoảng thời gian trước tổng tuyển cử Thủ tướng năm 2017 tại Vương quốc Anh. Kết quả là, mọi người thường sử dụng đại từ "bà ấy" nhiều hơn là "ông ấy" khi nói đến Thủ tướng tiếp theo. Levy cho rằng bối cảnh chính trị xã hội là một phần nguyên nhân sự khác biệt giữa Mỹ và Anh: Vào thời điểm đó, Theresa May đã là Thủ tướng và rất được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng, và nhiều người Anh có thể vẫn nhớ đến nhiệm kỳ dài của cựu nữ Thủ tướng Margaret Thatcher.
Trước bầu cử ở Anh, đại từ "bà ấy" được sử dụng nhiều gấp 5 lần "ông ấy", tuy nhiên thời gian đọc các câu có đại từ "bà ấy" liên quan đến Thủ tướng vẫn không nhanh hơn so với thời gian đọc các câu có đại từ "ông ấy".
Kiểu định kiến giới được phát hiện trong nghiên cứu này dường như vượt ra ngoài các kiểu đã từng được quan sát dựa trên mô hình nhân khẩu học, Levy nói. Chẳng hạn, người ta thường dùng đại từ "cô ấy" để chỉ các y tá ngay cả khi họ không biết giới tính của y tá và thực tế thì 80% các y tá ở Hoa Kỳ là nữ. Trong một nghiên cứu đang tiến hành, nhóm của Levy còn phát hiện ra rằng ngay cả đối với các ngành nghề có tỷ lệ nam nữ tương đối đồng đều, như thợ làm bánh, thì đại từ "bà ấy" (hoặc "cô ấy") vẫn ít được sử dụng hơn.
"Nếu bạn hỏi mọi người về khả năng một người làm bánh là nam hay nữ, thì họ sẽ nói khoảng 50/50. Nhưng nếu được yêu cầu hoàn thành các đoạn văn bản nói về thợ làm bánh, họ có khả năng sử dụng đại từ 'ông ấy' (hoặc 'anh ấy') nhiều gấp đôi so với 'bà ấy' ('cô ấy')," Levy nói. "Trong cách chúng ta sử dụng đại từ để nói về những cá nhân mà chúng ta không biết giới tính, dường như, một cách có hệ thống, người ta ít kỳ vọng người đó có thể là nữ."