Trong bài viết này, tôi thử phân tích tấm gương làm khoa học của Nguyễn Ái Quốc. Tài liệu tôi sử dụng là bài: Một vài tư liệu về thời gian bác viết “ Những người bị áp bức “hay “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Công Thị Nghĩa tức Thu Trang đăng trong tập san Khoa học xã hội, số 5 tháng 12 năm 1978 của Hội Khoa học Xã hội Việt Nam tại Pháp.


Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Ái Quốc

Trong bài viết, chị đưa vào các báo cáo của một tên mật thám Pháp, bí danh là Jean gửi về Bộ Thuộc địa thời ấy. Các câu trong ngoặc kép đều lấy ở bài ấy, dĩ nhiên bằng tiếng Pháp do chị Trang dịch. Tôi chỉ làm một việc là “đọc” các tư liệu nhằm rút ra những bài học trước hết cho mình và sau đó có thể phổ biến.

Mục đích của khoa học: Rất đơn giản. Tìm cho ra nhưng sự thực có lợi cho quần chúng lao động, cho nhân dân Việt Nam bất chấp khó khăn rồi công bố cái sự thực ấy bằng những con đường thuận tiện nhất để mọi người chú ý đến nó. Báo cáo ngày 4-1-1920.

“Ông Quốc đã ở bên Hoa Kỳ 6 năm, bên Anh 4 năm, tại hai nơi này ông ta đã làm bất cứ nghề gì để sống và để học hỏi. Ông đặc biệt chú ý vấn đề chính trị thuộc địa của người Anh, Mỹ, Tây Ban Nha và Ý. Ông nói và viết tiếng Anh một cách hoàn toàn, đọc được tiếng Ý và một ít tiếng Tây Ban Nha”.

“Ông Quốc than phiền về việc các nước vẫn không biết đến Đông Dương. Ông nói chuyện với các chính khách quốc tế, những người này đều không biết đến Đông Dương là có thật. Họ chưa bao giờ nghe nói đến và họ tưởng Đông Dương là một tỉnh nhỏ ở biên giới nằm giữa hai nước Ấn Độ Và Trung Hoa”.

“Ông Quốc sẽ yêu cầu các đảng viên xã hội Pháp tuyên truyền, hô hào thật nhiều để cho ai nấy hiểu rõ những gì xảy ra tại Đông Dương

Tìm cho được những người quan tâm tới sự thực là rất khó. Báo cáo ngày 20-1-1920 kể lại lời của Nguyễn Ái Quốc.

“Tôi có ý định nói về Đông Dương, nhưng tôi lại thấy kỳ khôi (ridicule) khi nói về xứ mình mà không một người Đông Dương nào đến dự. Sự kiện này đã xảy ra trong kỳ vừa rồi đây, khi tôi nói chuyện tại Đường Satô (Chateau)”.

Cơ sở khoa học: Rất đơn giản; tư liệu, Báo cáo 19-1-1920 thuật lại cuộc trao đổi giữa Nguyễn Ái Quốc với phó quản Lâm.

Lâm: Anh đã làm gì từ mấy hôm nay?

Quốc: Vẫn là việc đi tìm sách

- Bao giờ thì anh viết xong quyển sách ấy?

- Tôi không thể trả lời anh ngay được vì tôi rất cần nhiều tài liệu. Tôi không muốn tự mình viết lấy vì như thế sẽ không có giá trị thật sự. Tôi sẽ dùng những đoạn văn trong có sách họ viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm cho đậm nét những đoạn ấy: Sự sắp đặt cuốn sách sẽ có bốn chương như thế này…”

Đó là quyển “Les opprimes” (Những người bị áp bức) mà theo Thu Trang có thể là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp” sau này. Danh sách các sách tham khảo cũng theo báo cáo này là 17 quyển, dĩ nhiên danh sách ghi lại hết sức thiếu sót.

Cách làm: Có thể thâu tóm một chữ: một mình không chờ đợi ở ai hết.

Lâm: Có người nói với tôi là có những hội kín cung cấp tiền cho những người di trú ở Trung Quốc và ở Nhật. Tôi lấy làm lạ là sao họ chưa cấp tiền cho anh? Anh làm những việc hay hơn những người ở Trung Quốc và ở Nhật chứ?

Quốc: Tại sao tôi cần phải có một Hội? Tôn chỉ của tôi là tự tin vào mình. Có một Hội thì hay đấy, nhưng rồi mỗi người một ý, người nào cũng đến hứa hẹn nhưng rồi cuối cùng người nào cũng rút lui. Không, tôi chỉ tin vào tôi thôi. Một khi cuốn sách được viết xong, tôi sẽ làm bất cứ gì để lấy tiền in cho được, đấy là chương trình của tôi trong lúc này. Có một điều làm cho tôi luôn tự hỏi là làm thế nào để đưa sách ấy về nước”.

.

Bác nói đến điều này năm 1920, lúc đó có một tổ chức cách mạng thực sự ủng hộ Bác. Cuộc đời của Bác cho đến lúc này là làm việc, học tập, tìm hiểu một mình. Tự mình tìm sự thực bất chấp mọi trở lực. Một mình học trên hai chục thứ tiếng ngay trong lúc phải lao động vất vả, hoạt động nguy hiểm một mình tham gia các phong trào giải phóng dân tộc và quần chúng bị áp bức, một mình tìm hiểu sự thực ở khắp thế giới, tại chỗ, một mình viết, xuất bản.

Khi viết xong làm thế nào để xuất bản?

Biện pháp công bố: Đạp bằng mọi trở lực.

Lâm: Anh đã đặt thái độ nhóm cách mạng An Nam một cách quá mạnh, ai mà dám đến dự những buổi họp như vậy? Nếu có ai hỏi anh nhóm ấy ở đâu thì anh sẽ trả lời thế nào?

Quốc: Bây giờ anh lại trách tôi là quá mạnh. Hỏi thử các anh đã làm gì từ 5 năm nay? Chẳng một ai biết đến An Nam cả: Nếu ai hỏi tôi nhóm người cách mạng An Nam ở đâu, tôi sẽ trả lời là 20 triệu người ở bên ấy, họ đã phản đối hằng ngày và bị đè nén dìm đi. Nói cho cùng, ai làm gì tôi? Bỏ tù tôi ư? Lưu đày tôi ư hoặc cắt đầu tôi, tôi cũng bất cần”.

Phó quản Lâm lo ngại:

Lâm:… Nhưng liệu anh có được phép của những nhà xuất bản cho anh trích những đoạn sách của họ để anh dùng trong sách của anh không? Phải xem chừng, họ có thể kiện anh đấy.

Quốc: Tôi có gì để họ kiện tôi? Tôi sẽ đi từ tòa án này sang tòa án khác để khiếu nại, có lẽ đấy là một dịp may để làm quảng cáo và tuyên truyền trước các ông tòa và công chúng của tòa án.

Lâm: Tất cả mọi sự đều tốt với anh, thật là phi thường để xuất bản một tác phẩm có lợi cho nhân dân và cách mạng, nhưng phải có tiền.

Lâm: Anh làm thế nào để xuất bản? Anh biết việc ấy cần có tiền chứ?

Quốc: Điều tôi làm sẽ giản dị thôi. Khi nào tôi hoàn thành xong cuốn sách ấy, tôi sẽ giới thiệu với một đảng viên xã hội hay bất cứ với một người nào khác. Sau khi biết giá tiền in, tôi sẽ bán thân tôi như một tên đầy tớ. Chả lẽ tôi không biết đánh giầy hoặc dọn bàn sao?”

Báo cáo ngày 9-16 tháng 3 năm 1920:

“Ông Quốc hoàn thành xong việc viết sách, ông nói sẽ đi gặp Ca-sanh và Lông-ghê để xin lời mở đầu cho cuốn sách. Ông Quốc có ý định in quyển sách ấy bằng tiền riêng của mình vì ông ta đã có nói với ông Lâm là đã dành được 300 phờ răng (Franc). Số tiền này để in lần đầu, sau đó ông sẽ đi xuống tỉnh Pông làm nghề ảnh để in lần thứ nhì.

Hiện nay ông đang dịch những đoạn trích trong quyển “L’Esprit des lois” của Mông – tét- kio (Montesquieu) sang tiếng An - Nam”.

Nguyễn Ái Quốc là nhà văn hóa như thế. Ngay trong báo cáo này tên mật thám Jean cũng phải thừa nhận lòng kính trọng của mình đối với con người mà hắn theo dõi:

“Theo ý riêng của tôi, tôi không tin là ông Quốc đã được một hội kín nào đó cung cấp tiền bạc. Vì ông ta là một người rất tự trọng, muốn quyển sách ấy được xuất bản do chính tiền dành dụm của mình”.

Những tư liệu này cho thấy lý do tại sao Hồ Chí Minh trở thành danh nhân văn hóa thế giới.

***

Dù cho hoàn cảnh hiện nay khác hẳn cảnh của Nguyễn Ái Quốc ngày xưa, nhưng làm khoa học trước sau vẫn là khoa học. Thiếu tinh thần tự trọng, một nhiệt tình nóng bỏng theo đuổi suốt đời tìm hiểu sự thực vì quyền lợi của nhân dân lao động, dám trả giá nó bằng cả cuộc đời lao động kiệt lực, trái lại chờ vận may , sự giúp đỡ từ bên ngoài thì khó lòng có các công trình có giá trị, đóng góp thiết thực vào công cuộc chấn hưng đất nước..