Vậy là hạn cuối để nộp hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia” (Đề án 844) đã khép lại. Bất giác nhớ lại những chuyện cũng ít người biết về hành trình thú vị này, vào kỳ dự tuyển năm trước…

Không phải kiểu “dự án nhà nước”

Tâm lý đầu tiên của một nhóm những người chưa bao giờ đi đấu thầu dự án để… xin tiền nhà nước, thì đi dự tuyển thực hiện nhiệm vụ 844 cũng giống như… đi chơi cho biết. Bao nhiêu chuyện xầm xì phía sau về những tiêu cực và “sự hành hạ” của giấy tờ nếu muốn được giải ngân luôn đầy hết hai lỗ tai. Nhưng thôi kệ, nguyên tắc lớn nhất của khởi nghiệp là dám thử thách bản thân và đội ngũ của mình mà. Anh em thống nhất với nhau một tiêu chí trước khi quyết định tham gia: Làm hết sức mình, nhưng không thỏa hiệp với những chuyện tiêu cực, còn lại kết quả như thế nào thì mình cũng học được nhiều điều.

Vậy là đăng ký tham dự một buổi tư vấn, giải đáp thắc mắc do các cán bộ của văn phòng 844 tổ chức. Họ siêng năng tới mức bay máy bay giá rẻ từ Hà Nội vào Đà Nẵng để hỗ trợ thông tin rồi sau đó bay ra ngay, chẳng kịp đi dạo biển chút nào. Ấn tượng đầu tiên có vẻ… ổn.

Hồ sơ khá phức tạp và nhiều yêu cầu chặt chẽ. Nói chung là anh em quen làm sự kiện, quen làm lập trình chứ chẳng mấy khi phải đối diện với một núi công việc giấy tờ như vầy, nên lúc đầu cũng cãi nhau mấy bận. Sau quyết định gặp chỗ nào không rõ thì lại alo văn phòng 844. Hóa ra mọi người ngoài Bộ Khoa học và Công nghệ tốt bụng và nhiệt tình hơn mọi tưởng tượng trước đây.

Hỗ trợ tốt là vậy, nhưng cuối cùng tới nửa đêm về sáng của ngày cuối cùng nhận hồ sơ thì mới kịp hoàn thiện, và cả đội thức chờ tới đúng 6 giờ sáng, khi bưu điện mở cửa thì gửi bộ hồ sơ đã niêm phong cẩn thận ra. Còn hỏi đi hỏi lại chị đứng quầy là có đảm bảo đến được Hà Nội trước bốn giờ chiều ngày hôm đó không.

Cũng có chút lo sợ, cho tới khi nhận được thông tin là hồ sơ đến kịp rồi, coi như không bị rớt vòng… gửi xe. Chừng nào lập hội đồng sẽ báo để ra bảo vệ.


Hội đồng… vui nhất quả đất

Tới ngày ra Hà Nội bảo vệ, còn được cẩn thận hỏi giờ bay để xếp lịch thuận tiện nhất, ưu tiên người ở xa. Cũng phải đi hỏi quanh những người đã bảo vệ trước đó về thành phần của hội đồng, và những bí kíp đi bảo vệ. “Hội đồng toàn người quen thôi. Và chẳng có bí quyết nào ngoài việc bám thật sát đề bài” – anh Trần Trí Dũng, chuyên gia của Swiss EP “gà” bài như thế.

Trước khi chúng tôi vào, có một nhóm đi trước, đông ơi là đông, và họ đăng ký gần như tất cả các nhiệm vụ. Tự hỏi sao lại có nhóm nào lại muốn “ăn hết của anh em” vậy nhỉ? Nhiệm vụ được thiết kế ra là để cho cả hệ sinh thái cơ mà, sao lại muốn một mình độc chiếm nguồn hỗ trợ của nhà nước cho các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái….

Cũng không sao, đó là việc của hội đồng tuyển chọn. Mà đã đủ trình độ ngồi hội đồng, thì chắc sẽ xử được mấy vụ này thôi. Nên cả đội lấy hết bình tĩnh để bước vào phòng bảo vệ. Ồ, toàn người quen thật. Ngoại trừ chủ tịch hội đồng là một anh Cục trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ, còn lại toàn là các anh chị trong hệ sinh thái, những người mà đi đâu cũng gặp, vì họ tự nhận sứ mệnh phát triển cộng đồng khởi nghiệp mà. Có vẻ thoải mái hơn. Xong trình bày những gì đã được chuẩn bị. Không ngờ người quen mà hội đồng hỏi cũng rất tàn nhẫn, mướt hết cả mồ hôi mới xong. Chủ yếu là phải chứng minh cho được là mình đủ năng lực chuyên môn và đội ngũ để thực hiện cho hết một núi các hội thảo, huấn luyện, kết nối ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Hỏi cho đã đời, thì hội đồng lại bất ngờ… đổi vai: tư vấn và đưa ra các lời khuyên để điều chỉnh nội dung, đặc biệt là phần phạm vi công việc, sao cho hiệu quả và kết hợp được các nguồn lực khác nhất. Đúng là dân trong nghề, nghe những góp ý rất… đã. Ít khi nào làm một dự án, mà được nguyên dàn chuyên gia xịn ngồi góp ý từng chi tiết nhỏ như vậy…

Xong đi ra ngoài, để hội đồng nghe thêm các nhóm khác bảo vệ các nhiệm vụ tương tự và hội ý. Cuối cùng, sau hai giờ chờ đợi ngoài quán cà phê, thì được vào nghe kết luận. May quá, được chọn.

Bắt tay thực hiện thôi…

Buổi trưa, anh chủ tịch hội đồng bảo: “Thôi anh em ở biển ra tới Hà Nội, anh mời cơm trưa mọi người”. Vậy là cả hội đồng cùng nhau đi ăn trưa. Lúng túng thật sự, không biết có phải… trả tiền bữa cơm này không? Bèn hỏi anh Mai Duy Quang, giám đốc Viện Khởi nghiệp Topica, ảnh cười: “Bị điên à, ai lại đi giành trả tiền, ngồi hội đồng có phụ cấp kinh phí đủ mời cơm trưa mà…”. Xong cười òa ra.

Ngồi ăn cơm, ông chủ tịch hội đồng qua vỗ vai, bảo: “Anh em gắng làm cho tốt, kinh phí nhà nước chỉ là một phần đối ứng thôi chứ không đủ để làm hết mọi việc. Nhưng mọi thủ tục giấy tờ, phía bọn anh sẽ cố giúp hết sức. Sẽ có chút khó khăn nếu chưa quen, nhưng là quy định thôi, không có ai muốn làm khó khởi nghiệp đâu…”.

Vậy đó, giờ nhiệm vụ đã được giao, đang lục đục triển khai. Nghĩ lại, thấy cũng lạ, vì những hiểu biết của mình về nhà nước toàn bị sai lệch theo hướng tiêu cực hóa. May mà có khởi nghiệp, có 844 để hiểu rằng, những nỗ lực từ phía nhà nước là rất đáng trân trọng…

Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.