Rào cản lớn nhất ngăn các trường đại học đóng một vai trò tích cực hơn trong quá trình thúc đẩy khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam là sự thiếu chủ động của chính nhà trường.

Trường hợp của IPP2

“Dù đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp - ĐMST, cho đến nay hoạt động của các trường đại học vẫn còn khá mờ nhạt.” - đây là nhận xét của TS. Phạm Thị Ly trong Hội thảo “Giới thiệu Tài liệu Thảo luận chính sách của IPP2 - Giáo dục đại học hướng tới thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST tại Việt Nam” ngày 20/9 vừa qua. TS Ly là trưởng nhóm nghiên cứu đề tài ‘Giáo dục đại học hướng tới thúc đẩy khởi nghiệp và ĐMST ở Việt Nam”. Sử dụng trường hợp của IPP2 trong hỗ trợ các trường đại học ở Việt Nam “xây dựng năng lực” ĐMST, nghiên cứu phân tích các thách thức mà các trường phải đối mặt khi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - ĐMST, với tư cách là chủ thể và trụ cột.

Dù đóng vai trò là nơi hình thành, đồng thời nuôi dưỡng văn hóa khởi nghiệp - ĐMST, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động khởi nghiệp - ĐMST, tuy nhiên khảo sát của IPP2 cho thấy trường đại học vẫn chưa sẵn sàng “nhúng” mình vào hệ sinh thái khởi nghiêp - ĐMST. Phần lớn các trường chậm chạp chưa “chịu” thay đổi nhận thức về giáo dục khởi nghiệp ĐMST, lúng túng với các xu hướng giáo dục về khởi nghiệp ĐMST trên thế giới.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế của IPP2, nghiên cứu chỉ ra để thay đổi thực trạng này, điều quan trọng là thay đổi tầm nhìn và suy nghĩ chiến lược của lãnh đạo các trường đại học. Bằng chứng là các cán bộ lãnh đạo (hiệu trưởng, hiệu phó) các trường đại học được IPP2 lựa chọn để đưa sang Phần Lan tham dự một khóa đào tạo tập trung tại Học viện đào tạo cán bộ lãnh đạo của Đại học Aalto, sau khi trở về đã đóng vai trò mấu chốt trong việc đưa các khóa đào tạo về ĐMST vào chương trình giảng dạy (ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Mở TP Hồ Chí Minh), thậm chí ĐH Hoa Sen còn thành lập riêng một Trung tâm ĐMST trong khuôn viên trường.

ĐH Nguyễn Tất Thành là một trong những trường đi đầu về chủ động liên kết nhà trường với doanh nghiệp. Nguồn: qdnd.com

Bên cạnh vai trò của nhà lãnh đạo, nghiên cứu cũng chỉ ra ý nghĩa quan trọng của giảng viên đại học trong phát triển nguồn nhân lực ĐMST. Hiện nay nhiều sinh viên vẫn còn “mù mờ” về bản chất của khởi nghiệp vì chính giảng viên của họ cũng không có hiểu biết về những nội dung này. Các giảng viên vẫn đang giữ tâm lý “làm công ăn lương” thay vì trở thành một tấm gương khởi nghiệp cho sinh viên.

ThS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch hội đồng quản trị ĐH Công nghệ Sài Gòn đánh giá, một trong những suy nghĩ sai lầm là cho rằng “khởi nghiệp chỉ dành cho sinh viên.” Bởi theo ThS Tuyến, “Giảng viên trong trường đại học có tiền đề khởi nghiệp hơn sinh viên. Sinh viên không thể khởi nghiệp nếu giảng viên không biết khởi nghiệp là gì.” Kinh nghiệm của IPP2 cũng cho thấy các giảng viên được tham gia các khóa đào tạo các huấn luyện viên khởi nghiệp (training of trainers - ToT) đã hoạt động như các nhân tố tích cực để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, thành lập các công ty spin-off trong trường đại học và kết nối doanh nghiệp - nhà trường.

Tăng tính chủ động của bản thân nhà trường

Dù vậy, nghiên cứu cũng chỉ ra có những thách thức mang tính hệ thống trong quá trình nâng cao vai trò của trường đại học đối với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - ĐMST mà IPP2 cũng chưa thể khắc phục. Điều đầu tiên là các hạn chế mang tính khách quan, như các quy định pháp luật về sử dụng vốn Nhà nước và sở hữu trí tuệ. Bằng chứng từ BK-Holdings, một đơn vị hoạt động tích cực trong các hoạt động khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ, cho thấy đơn vị này đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, bởi được thành lập dựa trên khoản đầu tư 2 tỷ VNĐ của ĐH Bách khoa Hà Nội, một trường đại học công lập.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất đối với các trường đại học là thiếu sự chủ động.

Chủ động trong nghiên cứu ứng dụng: Một trong những thách thức dễ nhận thấy nhất là tính thiếu hiệu quả của các nghiên cứu hiện nay. TS. Ly đánh giá hoạt động nghiên cứu - tiền đề cho ứng dụng, cũng còn “thiếu thực chất”, chủ yếu chỉ mới nhằm “tạo uy tín, để thu hút sinh viên và mở rộng đào tạo”.

Nguyên nhân là do các trường bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn - “Chi cho nghiên cứu thì không còn tiền cho đào tạo”, bởi nguồn kinh phí còn hạn chế vì phần lớn chỉ dựa vào ngân sách công và thu học phí. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, và từ các hoạt động khác, đặc biệt từ tài trợ của giới doanh nghiệp vẫn còn rất khiêm tốn - “Năng lực và sự đầu tư của các trường đại học cho các sản phẩm có thể thương mại hóa vẫn còn là một hạn chế”, TS Ly nhận xét. Khảo sát của IPP2 cho thấy các trung tâm đổi mới công nghệ trong các trường đại học mới chỉ tập trung vào hiệu chỉnh hoặc áp dụng công nghệ, thay vì thực sự tạo ra một sáng kiến công nghệ mới.

Chủ động trong hợp tác liên ngành: Hoạt động khởi nghiệp và ĐMST là một quá trình hợp tác giữa nhiều nhóm đối tượng và yêu cầu tích hợp trí thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì thế, bản thân các trường cũng cần thúc đẩy sự hợp tác liên ngành, đặc biệt giữa các khối kinh tế và khối công nghệ để bù đắp thiếu sót cho nhau - sinh viên kinh tế hiểu thị trường nhưng yếu công nghệ, còn sinh viên khối công nghệ thì ngược lại.

Hiện nay một số trường đại học đa ngành, ví dụ như ĐH Cần Thơ đã thử nghiệm bằng cách cho phép sinh viên của khối kinh tế được chọn một số môn học của khối công nghệ và ngược lại, không chỉ cho các em kiến thức mà còn giúp các em tạo mối quan hệ giữa sinh viên và các thầy cô giữa các khối trong hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST. Cách làm này nên được nhân rộng trong các trường, không chỉ trong nội bộ trường, mà còn giữa các trường với nhau.

Chủ động trong liên kết với doanh nghiệp: Thách thức lớn nhất mà các trường đại học phải đối mặt là ba bên liên quan là trường đại học, nhà nước và giới doanh nghiệp vẫn còn đang tách rời. Trong khi đó, việc thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp có vai trò quyết định tới mức độ và hiệu quả tham gia của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Khuyến nghị rút ra từ khảo sát các trường đại học của IPP2 là thay vì chỉ mời doanh nghiệp tài trợ cho các hoạt động của trường, cần tăng cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào các diễn đàn chia sẻ, và thậm chí tham gia vào quá trình xây dựng chương trình đào tạo – một giải pháp phổ biến trên thế giới mà đến nay hầu như các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa làm được.

Một trong những trường đại học được đánh giá là thành công trong việc kết nối với doanh nghiệp - ĐH Ngoại thương chia sẻ kinh nghiệm là sử dụng mạng lưới cựu sinh viên đông đảo và thành công làm cầu nối hai bên. Bà Nguyễn Đặng Tuấn Minh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khó có mệnh lệnh hành chính nào có thể buộc doanh nghiệp phải đến gần trường đại học. Thực tế, chỉ trường đại học nào chủ động, tích cực đến gần doanh nghiệp thì mới có cơ hội hợp tác thành công.”