Các nhà khoa học Anh phát hiện tình trạng sương mù não thường gặp ở những người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài có thể xuất phát từ các cục máu đông.
Hội chứng COVID-19 kéo dài ảnh hưởng đến khoảng từ 10–20% số người bị nhiễm virus SARS-CoV-2, với các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở và suy giảm nhận thức trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi nhiễm bệnh. Sương mù não là một trong những vấn đề phổ biến nhất, làm gián đoạn khả năng tập trung, suy nghĩ và ghi nhớ.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine vào cuối tháng 8, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 1.840 người trưởng thành nhập viện vì nhiễm COVID-19 ở Anh vào các năm 2020 và 2021.Các bệnh nhân đã lấy mẫu máu tại thời điểm nhập viện và sau khi khỏi bệnh 6 tháng và 12 tháng. Họ cũng thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức và điền vào bảng câu hỏi.
Nhóm nghiên cứu phát hiện các bệnh nhân trải quan tình trạng sương mù não có sự gia tăng đáng kể nồng độ hai loại protein trong máu mang tên fibrinogen và D-dimer.
“Cả fibrinogen và D-dimer đều tham gia vào quá trình đông máu. Do đó, kết quả nghiên cứu ủng hộ giả thuyết cho rằng cục máu đông là nguyên nhân gây ra những vấn đề về nhận thức hậu COVID-19. Các cục máu đông làm cản trở lưu lượng máu đến não, gây thiếu oxy hoặc làm tổn hại trực tiếp đến tế bào thần kinh”, Maxime Taquet, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Oxford, nhận định.
Bá Lộc và nhóm tác giả thực hiện/Nguồn: Livescience, iflscience