"Tôi đã nhận lời thăm Hà Nội từ 21 đến 26 tháng 6, kể cho hết những chuyện đáng nhớ trong chuyến thăm này thì rất dài, tôi chỉ ghi lại đây những điều ấn tượng nhất", Peter Hilton cho biết.
Đầu tháng Tư năm 1985, tôi nhận được một cú điện thoại “bí ẩn” từ TS. Judy Ladinsky, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Wisconsin-Madison. Hóa ra với cương vị chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Hợp tác Khoa học với Việt Nam, bà điện thoại để hỏi liệu tôi có thể thăm Đại học Tổng hợp Hà Nội sau khi dự hội nghị quốc tế về tôpô đại số tại Singapore vào giữa tháng Sáu hay không. Các nhà tôpô ở Hà Nội, đặc biệt là TS. Huỳnh Mùi, trưởng nhóm tôpô đại số ở đó (lúc ấy đang thăm Hoa Kỳ và thật ra đang có mặt trong văn phòng TS. Ladinsky khi bà gọi cho tôi), đều biết rằng tôi sẽ ở Singapore để dự hội nghị, và cũng biết tôi đã rất nỗ lực để giúp một số nhà tôpô-học Việt Nam được mời sang dự hội nghị này. (Thật không may, những nỗ lực của tôi cuối cùng đã bị cuốn phăng vì quan hệ chính trị căng thẳng giữa Singapore và Việt Nam lúc ấy.)
Tôi đã nhận lời thăm Hà Nội từ 21 đến 26 tháng 6, và biết rằng cần ghé Bangkok lấy visa rồi bay từ đó đến Hà Nội. Thực ra Bangkok là sân bay duy nhất thuộc thế giới phi cộng-sản, từ đó có thể bay trực tiếp đến Hà Nội, và chỉ có hai chuyến một tuần theo mỗi chiều. Tôi đến Bangkok thứ Năm ngày 20 tháng 6, và sau một vài khó khăn về visa, cũng bay được đến Hà Nội sáng sớm hôm sau trên một chuyến bay của Hàng không Việt Nam. Đón tôi ở sân bay có Giáo sư Phạm Ngọc Thao, Trưởng bộ môn Đại số-Hình học-Tôpô của Đại học Tổng hợp Hà Nội, và một người đại diện của Bộ Đại học tên Hugh (anh ấy bảo tên mình như thế, nhưng có lẽ tên anh ấy được viết khác). Tôi cũng đã làm quen với tài xế của mình. Anh ấy xưng tên là Được, và anh lái chiếc Volga cổ đưa đón tôi những ngày sau đó. Chúng tôi trở nên thân thiết chủ yếu vì sự đam mê xì-gà Thụy Sĩ của anh. (Có nhiều thuốc lá ở Việt Nam, nhưng tôi e chất lượng không được tốt lắm.)
Kể cho hết những chuyện đáng nhớ trong chuyến thăm này thì rất dài, tôi chỉ ghi lại đây những điều ấn tượng nhất.
Trước hết, Việt Nam là một dân tộc đầy phẩm giá và tự trọng, biết chấp nhận hoàn cảnh cực kì khó khăn của mình một cách bình tĩnh ngoan cường. Mức sống rất thấp, ngay cả so với các tiêu chuẩn của thế giới thứ ba; đất nước này chắc chắn vẫn chưa hồi phục sau một cuộc chiến kéo dài hơn ba mươi năm, nếu việc hồi phục có thể xảy ra. Thứ hai, bất chấp những thiếu thốn và sự căm hờn hoàn toàn xác đáng người Việt có thể có trước những kẻ đã hủy hoại đất nước mình, người Việt quả là thân thiện, điều này tôi nhận ra ở những người bình thường cũng như những người đón tiếp tôi. Không có gì phải nghi ngờ việc người Việt Nam, đặc biệt là giới trí thức, mong muốn có nhiều liên hệ hơn với các đồng nghiệp phương Tây.
Thật vậy, họ có rất ít những mối liên hệ như thế, kể cả trực tiếp và gián tiếp. Người ta nói rằng từ 1975 đến nay, tôi là nhà toán học thứ hai từ Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam (người thứ nhất là Neal Koblitz ở Đại học Washington (Koblitz đến thăm Hà Nội vào tháng Sáu năm 1978). Một vài nhà y tế học tận tụy đã đến Việt Nam (trong đó có TS. Ladinsky, người lãnh đạo Ủy ban dàn xếp những chuyến đi này), đã làm những việc tuyệt vời trong cuộc chiến đấu với bệnh tật và phổ biến những thói quen tốt cho sức khỏe. Nhưng bức tranh tổng thể vẫn là một sự cô lập gần như hoàn toàn. Sự cô lập càng rõ thêm vì Đại học Tổng hợp Hà Nội không đủ khả năng mua sách cho thư viện hay đặt mua các tạp chí. Nếu có một máy copy xerox ở trường đại học thì tôi đã không nhìn thấy nó; còn máy chữ cơ học quả là một sự xa xỉ hiếm hoi! Trong tình cảnh khó khăn như thế, chất lượng của các hoạt động toán học, gồm cả nghiên cứu lẫn giảng dạy, cao đến mức kì lạ, minh chứng cho một sự kết hợp hiếm hoi giữa tài năng đặc biệt với sự tận hiến hoàn toàn. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng các công trình TS. Mùi và trường phái của ông đang thực hiện đặt họ vào hàng những chuyên gia thuần thục nhất trong việc vận dụng lý thuyết đối đồng điều, đặc biệt là các toán tử đối đồng điều liên quan đến các lý thuyết đối đồng điều suy rộng, để nghiên cứu các bài toán phân loại đồng luân cho nhiều kiểu không gian khác nhau (đa tạp, không gian cấu hình,...). Từ những thảo luận dài hơi và chi tiết với các nhà toán học ở Viện Khoa học Việt Nam, tôi cũng nhận thấy rằng chuẩn mực được đặt ra trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả toán ứng dụng, là rất cao. Chính các nhà nghiên cứu toán học xuất sắc ở đại học đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế và giảng dạy các giáo trình toàn diện và khó, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở cả các tỉnh thành. Tôi chưa thấy ở nơi nào khác những bằng chứng thuyết phục hơn về sự bổ sung tự nhiên giữa nghiên cứu và giảng dạy. Tôi đã trình bày nhiều bài giảng trong hoàn cảnh tương đối mệt mỏi (nhiệt độ 36oC, độ ẩm 85%, không có điều hòa nhiệt độ). Tôi ngạc nhiên về mức độ trọng thị dành cho những bài giảng của mình! Ngay cả ngày chủ nhật, chương trình của tôi cũng kéo dài đến ba tiếng rưỡi đồng hồ giảng bài (sau đó là tham quan!), với nhiều người nghe giảng, điều này đồng nghĩa với việc họ phải đạp xe hai chục cây số hai lần đi và về. Tôi cũng trình bày một bài giảng cho các giáo viên trung học có hoài bão và giảng viên đại học, trong đó tôi so sánh các nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và Anh quốc, cả về nguyên lý lẫn thực tiễn. Tôi ái ngại khi biết rằng có người phải đi tàu hỏa 48 tiếng để đến nghe bài giảng của tôi (Theo GS. Nguyễn Hữu Việt Hưng, “người đó là Nguyễn Viết Đức, lúc ấy đã tốt nghiệp đại học, đang học làm Toán với GS. Huỳnh Mùi, dù chưa thi vào nghiên cứu sinh, là giảng viên Đại học Tổng hợp Huế, nay là giảng viên Đại học Đà Nẵng. Đức đã đi xe lửa 2 ngày từ Huế ra Hà Nội để nghe bài giảng của P. Hilton”). Nhưng những câu hỏi được đặt ra sau bài giảng đều rất sắc sảo và thích đáng, không có dấu hiệu gì của “sự kỳ thị môn toán” ở đây!
Hôm thứ Tư, trước khi tôi trở về Mỹ, Hugh đến cùng TS. Dũng, một nhà tôpô trẻ tôi đã quen biết, để đưa tôi ra sân bay (Nguyễn Việt Dũng, thành viên Viện Toán, lúc ấy đang là nghiên cứu sinh của GS. Huỳnh Mùi ở ĐH Tổng hợp Hà Nội). Hugh chuyển cho vợ chồng tôi quà của ông Chủ nhiệm Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, người tôi đã gặp hôm thứ Hai và đã cùng trao đổi nhiều về vai trò của toán học trong đại học (Chủ nhiệm Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc ấy là GS. Hoàng Hữu Như). TS. Dũng muốn đi cùng tôi, tận dụng những phút cuối cùng để chuyện trò về tôpô. Những việc hai người bạn ấy đã làm để lại trong tôi những ấn tượng thật khó phai về con người Việt Nam: nhiệt tâm, hào phóng, với một khát khao cháy bỏng tiếp cận tri thức và giao tiếp con người.
Chú thích:
*Peter Hilton, Giáo sư Toán học, có nhiều đóng góp về lý thuyết Homotophy và phá mật mã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ông Hilton sinh năm 1923 tại London, Anh quốc và mất năm 2010 tại Binghamton, Hoa Kỳ.