Một nhóm nhà khoa học quốc tế đang tìm kiếm những người có khả năng di truyền kháng SARS-CoV-2 trên toàn cầu với hy vọng, nếu xác định được những cá thể này và các gen bảo vệ họ thì sẽ phát triển được các loại thuốc điều trị và cả ngăn truyền nhiễm COVID-19.


Những người bị COVID-19 đang được điều trị trong một phòng chăm sóc đặc biệt ở El Centro, California.

"Đây là một ý tưởng tuyệt vời và nên làm," Mary Carrington, nhà di truyền học miễn dịch tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Frederick về ung thư, Bethesda, Maryland, Mỹ, nói; nhưng không có gì đảm bảo họ sẽ thành công, nếu có tồn tại sự đề kháng di truyền với virus SARS-CoV-2, thì cũng sẽ chỉ có ở rất ít người.

"Ngay cả khi chúng tôi chỉ xác định được một người, đó cũng sẽ là một phát hiện quan trọng," Evangelos Andreakos, nhà miễn dịch học tại Quỹ Nghiên cứu Y sinh của Học viện Athens, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Trong bài báo đăng trên tạp chíNature Immunology, nhóm nghiên cứu cho biết, bước đầu tiên là thu hẹp phạm vi tìm kiếm: tìm những người đã tiếp xúc với người bệnh trong một thời gian dài mà không có biện pháp bảo hộ, và chưa có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc chưa có phản ứng miễn dịch chống lại virus. Đối tượng dễ đáp ứng các tiêu chí này nhất là các cặp vợ chồng chỉ có một người nhiễm bệnh.

Nhóm các đồng tác giả đến từ 10 trung tâm nghiên cứu trên khắp thế giới đã chọn được khoảng 500 ứng viên tiềm năng đáp ứng các tiêu chí nói trên. Và kể từ xuất bản bài báo trên Nature Immunology cách đây 2 tuần, 600 người khác, bao gồm một số người từ Nga và Ấn Độ, đã liên hệ với nhóm, tự đề cử mình là ứng viên tiềm năng. Theo Andreakos, nhóm đã bắt đầu phân tích dữ liệu, và đặt mục tiêu phân tích ít nhất 1.000 ứng viên.

Khi đã xác định được các ứng viên tiềm năng nhất, các nhà nghiên cứu sẽ so sánh bộ gen của họ với bộ gen của những người từng bị nhiễm bệnh, để tìm kiếm các gen liên quan đến khả năng kháng virus. Các gen khác biệt tìm thấy sẽ được đưa vào nghiên cứu trong các mô hình tế bào và động vật để xác nhận mối liên hệ nhân quả giữa gen và khả năng kháng virus, cũng như tìm hiểu cơ chế hoạt động.

Tuy nhiên, theo Sunil Ahuja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas ở San Antonio, nhiệm vụ này gần như bất khả thi, vì rất khó chứng minh rằng các ứng viên đã thực sự tiếp xúc lâu dài với virus. Nhóm sẽ phải xác nhận được rằng vợ/chồng của tình nguyện viện đã nhiễm COVID trong thời gian dài và liên tục phát ra liều cao virus sống, có khả năng lây nhiễm, trong thời gian hai vợ chồng tiếp xúc với nhau. Và nhiều người hiện đã được chủng ngừa, kháng thể và khả năng miễn dịch nhờ vaccine có khả năng che giấu bất kỳ khả năng kháng virus di truyền nào nếu có, càng hạn chế số người có thể đưa vào nghiên cứu này, Ahuja lưu ý.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giả thuyết về cơ chế kháng virus. Chẳng hạn, một số người không có thụ thể ACE2, là thụ thể mà SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập vào tế bào. Loại cơ chế này trước đây đã được quan sát thấy ở virus HIV. Từ những năm 1990, Ahuja và Carrington đã tham gia vào nghiên cứu xác định một đột biến hiếm gặp làm vô hiệu hóa thụ thể CCR5 trên các tế bào bạch cầu, ngăn không cho virus HIV xâm nhập. Phát hiện này giúp tạo ra một loại thuốc ngăn chặn virus HIV, và đã có hai bệnh nhân loại bỏ được virus HIV sau khi được cấy ghép tủy xương từ những người hiến tặng mang đột biến này.

Một giả thuyết khác là những người kháng SARS-CoV-2 có thể có phản ứng miễn dịch rất mạnh, đặc biệt là ở các tế bào lót bên trong mũi. Andreakos cho biết, một số người có thể có đột biến làm tăng sinh các gen ngăn chặn không cho virus nhân lên, hoặc phá vỡ RNA của virus trong tế bào.

Bất chấp những thách thức phía trước, Andreakos nói, “chúng tôi tự tin rằng sẽ tìm thấy những người kháng SARS-CoV-2 bẩm sinh".

Nguồn: