Tận dụng phế phẩm của những nhà máy chế biến dứa và rau củ quả, startup FUWA3E đã dùng công nghệ enzyme biến chúng thành chất tẩy rửa an toàn cho người sử dụng.
Hai năm sau khi ra đời, FUWA3E đã có 30 điểm tiêu thụ sản phẩm trên cả nước, trung bình mỗi tháng xử lý khoảng 4,5 tấn phế phẩm nông sản.
Chị Bùi Thị Bích Ngọc, một trong hai nhà sáng lập của FUWA3E giới thiệu về sản phẩm. Nguồn: FUWA3E
Hành trình đến những thành tựu ngày nay của anh Đỗ Xuân Tiến và chị Bùi Thị Bích Ngọc - hai người sáng lập ra FUWA3E - khởi nguồn từ những chuyến đi phượt ở Phú Quốc, Côn Đảo… Chứng kiến môi trường ô nhiễm và những rạn san hô chết dần vì rác thải, hóa chất, anh cảm thấy phải làm gì đó. Quay trở lại quê hương Thanh Hóa, cũng là vùng trồng dứa nổi tiếng với nhiều nhà máy chế biến, anh Tiến nhận thấy, hằng ngày nhà máy thải ra môi trường không ít phế phẩm.
“Nếu không được xử lý, vỏ dứa và các phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến sẽ gây ô nhiễm. Đó đều là rác thải hữu cơ, không quá khó để xử lý, nhưng làm cụ thể thế nào thì thời điểm đó tôi vẫn chưa rõ” – anh Tiến nói với Khoa học và Phát triển.
Khi tìm hiểu về việc xử lý các chất thải hữu cơ, anh được biết, các chất thải hữu cơ được ủ lên men là phương pháp hiệu quả nhất để giảm phát thải khí mê-tan – loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2 nhiều lần.
Khát khao đó thôi thúc anh tìm kiếm và đọc được nghiên cứu về Eco Enzyme của TS. Rusko người Thái Lan - sự kiện mà anh ví mình như đạo sĩ tìm được chân kinh. Nhưng ngâm ủ thế nào, gia giảm các thành phần ra sao để nước tẩy rửa vừa có tác dụng tẩy rửa, vừa giữ được mùi thơm tự nhiên? Dù đã nghiên cứu về eco enzyme rất kỹ lưỡng và thử nhiều lần nhưng nhà sáng lập của FUWA3E vẫn thất bại.
Từ Thanh Hóa, FUWA3E may mắn lọt vào vườn ươm doanh nghiệp DNES ở Đà Nẵng. Không chỉ được hướng dẫn các quy trình kinh doanh mà quan trọng hơn, startup này còn gặp được TS. Đặng Đức Long - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Đại học Đà Nẵng với chuyên môn về công nghệ sinh học công nghiệp.
Những thiếu sót về kiến thức chuyên ngành do xuất phát điểm của một người trái ngành đã được bổ sung. Mỗi loại trái cây, rau củ đều có một hoặc nhiều loại enzyme khác nhau như protease, amylase, lipase… là những chất tẩy rửa dầu mỡ và tinh bột hiệu quả do thiên nhiên ban tặng. Và FUWA3E mất tới hai năm (từ năm 2016-2018) để hoàn thiện quy trình tạo ra sản phẩm hoàn toàn tự nhiên từ những nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể cho vào thùng rác.
Nguồn nguyên liệu vỏ dứa đầu vào để sản xuất nước tẩy rửa. Nguồn: FUWA3E
Công đoạn ủ lên men trong bồn kéo dài 3 tháng giúp vỏ trái cây có thể trở thành nước tẩy rửa sinh học. Nguồn: FUWA
Để ra được một mẻ sản phẩm, quá trình ngâm ủ mất khoảng ba tháng trong bồn. Trước đó, vỏ dứa được thu về sẽ được sàng lọc kỹ, loại bỏ tạp chất rồi trộn cùng đường vàng, khuấy đều trong nước sạch để tạo dung môi ngâm ủ. Trong ba tháng ngâm ủ, hỗn hợp được khuấy đảo đều, kiểm tra hằng ngày, và bổ sung thêm các loại quả, vỏ trái cây khác nhau như bồ hòn, cam, bưởi… để tạo mùi thơm và tăng cường khả năng tẩy rửa.
Theo anh Tiến, cái hay của quy trình này là hoàn toàn không có rác thải thứ cấp. Sau khi lọc lấy dung dịch, phần bã được sấy khô trở thành hợp chất bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.
Anh nói: “Mỗi tháng chúng tôi xử lý trung bình 4,5- 5 tấn phụ phẩm của ngành công nghiệp chế biến và không có rác thải thứ cấp. Tham vọng của chúng tôi là một nhà máy không rác thải nhưng không đơn giản vì vẫn cần chai nhựa để đựng. Đó là lí do chúng tôi muốn phát triển mảng refill (người dân mang bình cũ đến trạm làm đầy).
Mục tiêu trong năm 2021 của FUWA3E là có 100 trạm refill trên toàn quốc nhưng do ảnh hưởng của COVID-19, startup hiện có 30 trạm ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu... Bởi vậy họ xây dựng thêm các trạm di động, kết hợp cùng các ứng dụng công nghệ để khách hàng có thể đăng ký và trạm di động sẽ tới từng địa điểm làm đầy theo yêu cầu.
Với bảy dòng sản phẩm khác nhau như nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay…, các sản phẩm từ vỏ trái cây của FUWA3E được đánh giá cao do không chỉ tẩy rửa hiệu quả mà còn an toàn với người viêm da cơ địa, có vấn đề về da tay. Ngoài ra, có thể sử dụng nước tẩy rửa của FUWA3E để xử lý, làm cho nước thải sinh hoạt không bị bốc mùi khó chịu. Anh Tiến cho biết, nhiều khu vực ở Thanh Hóa, nơi ống nước thải còn chảy lộ thiên, đã truyền tay nhau sử dụng nước tẩy rửa của FUWA3E.
Hiện mỗi tháng FUWA3E tiêu thụ 15.000 lít nước tẩy rửa. Sản phẩm của startup này có giá từ 48.000 đồng đến hơn 100.000 đồng/chai tùy loại và kích cỡ, cao gấp đôi sản phẩm tẩy rửa thông thường. Tất nhiên không dễ thuyết phục người sử dụng sẵn sàng chi nhiều tiền nhưng theo anh Tiến, “Nước rửa chén thông thường phải rửa 3-4 lần nước mới sạch mùi và hóa chất, trong khi nước rửa chén sinh học chỉ cần hai lần. Như vậy rõ ràng người sử dụng có thể tiết kiệm tiền nước, chưa tính đến việc bảo vệ sức khỏe và môi trường”.
Với bảy dòng sản phẩm khác nhau như nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay…, các sản phẩm từ vỏ trái cây của FUWA3E được đánh giá cao do không chỉ tẩy rửa hiệu quả mà còn an toàn với người viêm da cơ địa, có vấn đề về da tay. Ngoài ra, có thể sử dụng nước tẩy rửa của FUWA3E để xử lý, làm cho nước thải sinh hoạt không bị bốc mùi khó chịu.
Các sản phẩm nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt của FUWA3E đều được kiểm định chất lượng tại QUATEST 1 và QUATEST 2 với các chỉ số không gây kích ứng da (theo TCVN6972:2001), không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khả năng diệt và kháng khuẩn cao ~99.99%, hàm lượng kim loại nặng thấp hoặc không có.
Năm 2021, các sản phẩm của FUWA3E đã được xếp hạng và đánh giá chất lượng 4 sao trong chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Thanh Hóa. |