Với tổng giá trị giao dịch là 16.3 tỷ USD vào năm 2023, TikTok Shop đang thay đổi thị trường thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á và gây áp lực lên Shopee và Lazada.

.
.

Theo một báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu Momentum Works, tổng giá trị giao dịch của Tiktok Shop đã tăng gần 4 lần - từ 4.4 tỷ USD vào năm 2022 lên 16.3 tỷ USD - vào năm 2023.

Tờ Kr-Asia cho rằng, nếu giữ vững phong độ này, TikTok Shop sẽ vượt lên Lazada để giành lấy vị trí thứ hai ở thị trường cạnh tranh này. Thậm chí nếu tính cả cổ phần của TikTok trong Tokopedia, công ty mà TikTok mới mua lại 75% cổ phần và đổi tên thành ShopTokopedia để hoạt động tại thị trường Indonesia, vị trí thứ hai hiện đã nằm trong tay TikTok Shop.

Số liệu giao dịch của TikTok Shop báo hiệu một làn gió mới, khi lần đầu tiên sau một thời gian dài, các cuộc thảo luận về thương mại điện tử ở Đông Nam Á không chỉ tập trung vào Shopee và Lazada, hai nền tảng đã thống trị thị trường khu vực trong một thời gian dài.

Sau khi Shopee bắt đầu vượt qua Lazada để trở thành người dẫn đầu thị trường vào năm 2019, công ty này đã dựa vào cơn sốt mua sắm trực tuyến do đại dịch để củng cố vị trí số 1 của mình. Đến năm 2020, Shopee đã trở thành nền tảng thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất ở Đông Nam Á, thu hút khoảng 281,3 triệu lượt truy cập, gấp đôi con số 137,1 triệu của Lazada, theo một báo cáo của iPrice.

Các nhà phân tích đã tin rằng Shopee sẽ đảm bảo vị trí dẫn đầu và ổn định vị thế của mình tại thương mại điện tử Đông Nam Á. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra, chiến lược đốt tiền để chiếm lĩnh thị trường vào giai đoạn đầu của Sea - công ty mẹ của Shopee - sẽ khiến họ phải siết lại hầu bao vào giai đoạn phát triển về sau. Tuy nhiên, rất ít người nghĩ rằng sẽ có một đối thủ mới xuất hiện và làm thay đổi cuộc chơi.

Các chuyên gia thường thảo luận về việc đến lúc nào thì Shopee mới có lãi, hoặc liệu đối thủ cạnh tranh nào sẽ vượt lên, ứng viên có thể là Lazada hoặc là công ty nội địa như Tokopedia và Bukalapak. Không một ai có thể nghĩ rằng, một nền tảng xã hội như TikTok sẽ thành người phá vỡ vị thế của Shopee và Lazada.

Lợi thế của TikTok Shop

Vào tháng 9/2023, ứng dụng video ngắn TikTok, thuộc sở hữu của Công ty Công nghệ Trung Quốc ByteDance, đã ra mắt dịch vụ thương mại điện tử TikTok Shop tại Mỹ. Dịch vụ này cho phép người dùng tìm và mua trực tiếp các sản phẩm đã được giới thiệu trong các buổi phát sóng trực tiếp và video ngắn.

TikTok đã bắt đầu triển khai dịch vụ thương mại điện tử của mình tại Indonesia vào năm 2021.

Sự phát triển của Tik Tok Shop đang ảnh hưởng mạnh đến thị phần của Shopee và Lazada.
Sự phát triển của Tik Tok Shop đang ảnh hưởng mạnh đến thị phần của Shopee và Lazada.

Vào tháng 5/2021, TikTok bổ nhiệm Shou Zi Chew làm CEO (Giám đốc điều hành), chỉ hai tháng sau khi ông được thuê làm CFO (Giám đốc tài chính). Dưới sự lãnh đạo của Chew, TikTok nhận thấy thương mại trực tuyến là một cách để kiếm tiền từ lượng người dùng khổng lồ của mình, đẩy nhanh việc triển khai các tính năng mua sắm trong ứng dụng để cho phép người dùng mua hàng thông qua nền tảng. Trong hai năm tiếp theo, TikTok đã tiến xa trong chiến lược này bằng cách giới thiệu TikTok Shop, tích hợp nó vào TikTok để cho phép người dùng bán sản phẩm trực tiếp, triển khai các tính năng tìm kiếm hiệu quả cùng các sáng kiến hỗ trợ người bán.

Tính đến nay, nền tảng đã hoạt động ở hơn 10 quốc gia, bao gồm Anh, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và Việt Nam.

Việc tích hợp TikTok Shop như một phần mở rộng của TikTok - một nền tảng vốn đang cực kỳ nổi tiếng - thay vì hoạt động như một nền tảng thương mại điện tử độc lập mang lại hai lợi thế lớn. Đầu tiên, TikTok Shop tránh được việc phát triển kinh doanh từ đầu, tận dụng lượng người dùng hiện có của TikTok - đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Thứ hai, TikTok có thể lồng ghép và khơi gợi cho người dùng ý định mua sắm thông qua các video ngắn, trước khi hướng người dùng đến TikTok Shop để hoàn tất việc mua sắm.

TikTok Shop cũng áp dụng một cách tiếp cận đa kênh, giúp điều hướng người dùng đến các nền tảng hoặc trang web khác để hoàn tất việc mua sắm, hoặc thậm chí là cả các cửa hàng bên ngoài. Điều này trái ngược với Shopee và Lazada, những nền tảng có xu hướng giữ người dùng trên nền tảng của họ.

Theo tờ Kr-Asia, mở cửa cho việc bán hàng đa kênh có thể là yếu tố then chốt trong sự phát triển nhanh chóng của TikTok Shop. Điều này giúp đáp ứng nhu cầu của những khách hàng ưa thích tương tác trực tiếp với các sản phẩm mà họ chỉ nhìn thấy trên livestream trước khi mua.

Phản ứng của các công ty lớn trong ngành đã xác nhận rõ ràng về tầm ảnh hưởng của TikTok Shop. Shopee và Lazada đã bước chân vào lĩnh vực thương mại livestream với Shopee Live và LazLive như một đối trọng với TikTok Shop. Cả hai chiến dịch này đều đi kèm với những voucher, giảm giá, và chương trình hỗ trợ để khuyến khích người bán tham gia.

Shopee, Lazada, và TikTok hiện đang cạnh tranh để thu hút người tiêu dùng Đông Nam Á. Công ty Millieu Insight dự báo rằng, từ năm 2020 đến 2027, khoảng 48% người dùng Đông Nam Á sẽ xem các buổi livestream bán hàng ít nhất một lần mỗi tuần.

Sau khi dẫn đầu thị trường, Shopee đã thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để giúp Sea đạt lợi nhuận, bắt đầu bằng việc cắt giảm nhân sự. Song Shopee đã phải tăng cường chi tiêu cho tiếp thị một lần nữa vào đầu năm 2023 để đối phó với sự tăng trưởng của TikTok Shop. Khoản đầu tư này đã giúp Shopee bảo vệ được thị phần nhưng không ngăn được đà phát triển của TikTok Shop, khi thị phần của TikTok Shop đã tăng gấp ba lần từ 4.4% lên 14.2%. Con số này thậm chí còn chưa tính đến thị phần của Công ty Tokopedia mà TikTok Shop đã sáp nhập tại Indonesia.

Tìm kiếm đặc trưng riêng


Thành công của TikTok Shop báo hiệu một giai đoạn cạnh tranh mới tập trung vào sự khác biệt, khác với cuộc cạnh tranh trước đây giữa Shopee và Lazada. Shopee ban đầu giành được người tiêu dùng bằng cách giải quyết một số câu hỏi quan trọng: Đã có nhiều người tiêu dùng biết về nền tảng chưa? Họ có tin tưởng các sản phẩm từ các nhà bán hàng và thương hiệu trên nền tảng không? Và người dùng có cảm thấy tin tưởng vào khả năng giao hàng của Shopee không?

Quá trình chiếm lĩnh thị trường của Shopee cũng được hỗ trợ bởi chiến lược khôn ngoan và một chút may mắn. Mặc dù bắt đầu sau Lazada, Shopee đã bắt kịp một cách thông minh trong khi Lazada lại gặp những vấn đề như xung đột nội bộ do sự khác biệt văn hóa giữa những giám đốc Trung Quốc và nhân sự ở những khu vực mới sau khi Alibaba mua lại. Một ví dụ điển hình, để nâng cao tính xác thực và độ tin cậy của hàng hóa, Shopee đã ra mắt Shopee Mall vào năm 2017 - dành riêng cho các sản phẩm từ các thương hiệu và nhà bán lẻ uy tín và có tên tuổi. Trong khi đó, Lazada cần thêm một năm để bắt kịp với sự ra đời của LazMall vào năm 2018.

Trên thực tế, Shopee cũng từng học tập các chiến lược của Lazada, ví dụ như giải quyết các vấn đề phí giao hàng quá cao bằng cách trợ giá cho người dùng. Đồng thời, họ cũng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển trong khu vực như JNE và J&T Express. Khoản đầu tư lớn này đã đem lại hiệu quả, mạng lưới giao hàng được mở rộng, tốc độ được cải thiện và chi phí giảm đi nhờ quy mô tăng lên.

Giờ đây, khi thương mại điện tử đã trở thành một phần quen thuộc của đời sống, người mua không còn quá băn khoăn về mức độ tin cậy của nền tảng và người bán hàng, mạng lưới giao hàng thông suốt đảm bảo đúng hạn; sự cạnh tranh trong ngành thương mại điện tử Đông Nam Á do đó chỉ xoay quanh việc thêm vào các giá trị mới ngoài những tính năng cốt lõi.

Shopee, sau khi chiếm được một nửa thị trường khu vực, dường như đã hiểu ra rằng tăng thị phần giờ rất khó khăn và tốn kém. Thay vào đó, nền tảng này đang tập trung vào việc xây dựng những tính năng mới bên cạnh thương mại điện tử như SeaMoney, tính năng cung cấp các lựa chọn tài chính cho người tiêu dùng và người bán cùng với các dịch vụ tài chính kỹ thuật số khác.

Điều mà TikTok Shop đang nhắm đến là củng cố lợi thế của mình ở Indonesia, thị trường lớn nhất Đông Nam Á, nơi Tokopedia đang phát triển mạnh. Ngoài ra, tại Việt Nam, vào tháng tư vừa qua, Tik Tok Shop đã tổ chức sự kiện kỷ niệm cột mốc hai năm ra mắt tại Việt Nam. Họ cho biết tổng giá trị hàng hóa (GMV) thông qua tính năng Tìm kiếm trên Shop Tab đã tăng 32 lần, số lượng các nhà bán hàng duy trì GMV ổn định tăng gấp 3 lần, lượt xem các phiên LIVE và các video ngắn tăng gấp 12 lần. Hai năm qua cũng chứng kiến mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng của nhà bán thuộc các ngành hàng tiêu biểu như Mẹ và bé, Điện tử, Đồ gia dụng, v.v.

Sự phát triển của Tik Tok Shop đang ảnh hưởng mạnh đến thị phần của Lazada. Lazada, đi cùng với quá trình chuyển đổi số của Alibaba, đang cải thiện trải nghiệm người dùng của mình bằng cách tích hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI). Một trong những sáng kiến mới nhất của họ là LazzieChat, một chatbot hỗ trợ bởi AI xây dựng trên nền tảng ChatGPT được thiết kế để trả lời các câu hỏi mua sắm cá nhân hóa trên từng người dùng. Áp lực đang đè nặng lên Lazada khi Alibaba đã bơm nhiều khoản tiền lớn để duy trì hoạt động trong vài năm qua, và TikTok Shop đang trên đà vượt qua họ.

Theo Kr-Asia