Đang ở giữa giai đoạn giáo dục đại học đại chúng
Trong vòng hơn 20 năm qua, giáo dục đại học Việt Nam đã mở rộng rất nhanh về quy mô. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ chỗ chỉ có hơn 100 nghìn người học đại học trong khoảng những năm 1990, đến nay chúng ta có 2 triệu sinh viên trên khắp cả nước. Tính theo tỷ lệ tương đối, thống kê của World Bank cho thấy, từ năm 2000 đến năm 2015, tỷ lệ người ở độ tuổi 18-22 đi học đại học đã tăng 3 lần - từ khoảng 10% lên 30%.
Với tỷ lệ đó, theo phân loại của Martin Trow, giáo sư hành chính công ở Mỹ, thì Việt Nam hiện đang ở mức giữa của giai đoạn giáo dục đại học đại chúng và sẽ tiến rất nhanh đến giai đoạn giáo dục đại học phổ cập trong vòng 15-20 năm nữa. Cần nói rõ rằng, mô hình của Trow gồm ba nấc, nếu số người ở độ tuổi 18-22 học đại học chiếm dưới 15% thì đó là giai đoạn giáo dục đại học tinh hoa; khi tỷ lệ này nằm trong khoảng 15-50% thì giáo dục đại học bước vào giai đoạn đại chúng; và nó sẽ được coi là phổ cập khi tỷ lệ này vượt quá 50%.
Như bất kỳ nền giáo dục đại học tinh hoa nào chuyển sang giai đoạn đại chúng và phổ cập trên thế giới trong 50 năm qua, giáo dục đại học Việt Nam cũng gặp những vấn đề của nó. Nói đến giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, bao giờ người ta cũng nhắc đến 3 mục tiêu phải đạt: số lượng, chất lượng và bình đẳng.
Tỷ lệ đi học đại học tại một số nước giai đoạn 1970-2015. Nguồn: World Bank
Về số lượng, chúng ta đã tăng rất nhanh trong những năm qua; nhưng đánh đổi lại, về chất lượng còn nhiều vấn đề phải bàn, thể hiện qua tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp, số lượng ít ỏi các công bố quốc tế của các trường đại học hay các chương trình được kiểm định quốc tế.
Về bình đẳng, theo những dữ liệu mà tôi có từ các thống kê của World Bank hay Điều tra mức sống dân cư (VHLSS), chúng ta không gặp vấn đề bất bình đẳng nam - nữ hay sắc tộc như một số nước nhưng chúng ta cũng gặp một vấn đề kinh điển là tỷ lệ người thuộc nhóm 20% dân số nghèo nhất có cơ hội đi học đại học có xu hướng giảm trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây.
Đã đúng hướng nhưng chưa đủ nhanh
Cần thấy rằng, toàn bộ hệ thống giáo dục đại học đã triển khai nhiều chương trình nhằm cố gắng đảm bảo ba mục tiêu nói trên, trong đó, có thể nói Nghị quyết 14 năm 2005 về đổi mới cơ bản toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 chính là phản ứng nổi bật đầu tiên của các nhà hoạch định chính sách đối với việc giáo dục đại học liên tục mở rộng.
Cũng ở thời điểm này, theo thống kê của World Bank, Việt Nam vừa bước vào giai đoạn giáo dục đại học đại chúng với khoảng 16% số người ở độ tuổi 18-22 đi học đại học. Tại Nghị quyết 14 đó, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra nhiều biện pháp, như quốc tế hóa, nâng cao kiểm định chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học v.v. Đây đều là những chuyển động đúng hướng, dù có thể chưa thật nhanh và còn nhiều điều phải bàn khi đi vào chi tiết nhưng nếu được tiếp tục sẽ tạo ra chuyển biến tốt.
Tiếp theo đó, năm 2012, Luật Giáo dục đại học ra đời, lần đầu tiên chúng ta có một bộ luật riêng về giáo dục đại học tách ra khỏi Luật Giáo dục nói chung.
Nhưng bên cạnh đó, cũng dễ nhận thấy, có những mặt vận động chưa đủ nhanh, đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu mới trong bối cảnh mới, bao gồm quan điểm quản lý nhà nước về giáo dục đại học vẫn phần nhiều nặng về “tinh hoa”, tức là nhà nước kiểm soát thay vì nhà nước giám sát, dẫn đến quyền tự chủ mà các trường đã được trao trên các văn bản nghị quyết khó thực thi trong thực tế.
Tôi lấy ví dụ, vấn đề cơ quan chủ quản đã có kế hoạch gỡ bỏ từ lâu nhằm tăng cường quyền tự chủ cho các trường nhưng cả chục năm nay, ta đã thực hiện được đâu. Hay cứ nói, nhà trường được trao quyền tổ chức về nhân sự, nhưng một khi giảng viên các trường công vẫn là viên chức, tức là việc quản lý họ phải tuân theo Luật Viên chức với quá nhiều quy định cứng nhắc thì không thể nói đó là tự chủ được.
Triết lý chung của thế giới
Có lẽ chúng ta phải tính đến một cách tiếp cận mới mà một số nước đã làm là đưa việc quản lý giáo dục đại học về một hoặc hai cơ quan quản lý chính, thay vì chịu sự quản lý của rất nhiều Bộ/ngành như hiện nay. Nếu có 2 cơ quan thì có thể một cơ quan chuyên về cấp ngân sách, một cơ quan chuyên về đánh giá chất lượng, chẳng hạn bao gồm ủy ban ngân sách đại học và hội đồng đánh giá chất lượng đại học.
Các Bộ/ngành sẽ đưa người về các cơ quan này làm việc theo nhiệm kỳ cùng với giới có chuyên môn về giáo dục đại học. Các cơ quan này có thể trực thuộc chính phủ trực tiếp hoặc trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và giữ vai trò đưa ra những quyết định, chính sách đáp ứng kịp thời những vận động rất nhanh của giáo dục đại học.
Nói tóm lại, những gì cần làm để theo kịp chuẩn mực của thế giới trong phát triển giáo dục đại học, chúng ta đều đã xác định được rồi, vấn đề là triển khai cụ thể ra sao thôi. Ví dụ, làm tín dụng cho sinh viên, nhiều nước trên thế giới đã làm, Việt Nam cũng có một chương trình, đó là chương trình 157.
Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể làm tốt hơn bằng cách học tập mô hình của Thái Lan hoặc Úc, theo đó linh hoạt mức cho vay tùy theo khả năng chi trả của gia đình sinh viên thay vì một mức cố định khoảng 1,3 triệu đồng/tháng như hiện nay. Cũng những chương trình đó không đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường phải trả nợ tín dụng ngay như chương trình 157 của Việt Nam mà họ chỉ phải trả khi thu nhập đạt đến một ngưỡng nhất định.
Từ khía cạnh nghiên cứu giáo dục, người ta đúc kết ngắn gọn rằng, trong nền giáo dục đại chúng thì quản lý nhà nước cần chuyển dịch cơ bản từ quản lý theo mệnh lệnh sang giám sát; từ tiền kiểm sang hậu kiểm; từ chỗ chỉ mỗi nhà nước kiểm tra, đánh giá chuyển sang tất cả các bên liên quan bao gồm người học, nhà nước, thị trường lao động cùng tham gia đánh giá kết quả thực hiện của nhà trường. Đây là triết lý chung, không thể đảo ngược, chỉ có điều từng nước cụ thể hóa triết lý này như thế nào trong điều kiện của mình mà thôi.