Nếu bạn quen ai có tính khí thất thường (hay cáu gắt) thì người đó chưa chắc đã thông minh như họ vẫn thường nghĩ.
Đó là phát hiện trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Intelligence (hôm 21/07) của Marcin Zajenkowski (giáo sư tâm lý tại Đại học Warsaw, Ba Lan) cùng các cộng sự. Trao đổi với PsyPost, Zajenkowski cho biết: “Có một sự khác biệt đáng kể giữa nóng giận với các dạng cảm xúc tiêu cực khác như buồn bã, lo lắng hay tuyệt vọng; Bởi không giống các trạng thái trên, nóng giận đôi khi lại khiến người ta cảm thấy tự tin thái quá vào khả năng trí tuệ của bản thân.”
Mặc dù thường được xem như một đặc điểm thuộc về tính cách, nhưng nóng giận thực chất chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời. Ngoài ra, nóng giận có thể cũng có mối liên hệ nào đó đối với một vài biểu hiện [trông có vẻ] tích cực bề ngoài, chẳng hạn sự lạc quan; Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cơ chế nào khiến nóng giận có ảnh hưởng đến trí tuệ nhận thức. Zajenkowski và các đồng nghiệp nghi ngờ, rằng người dễ nổi nóng cũng thường có xu hướng hay tự đánh giá quá cao về bản thân.
Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 520 sinh viên (ở bậc đại học) tại Warsaw; Người tham gia được cho trả lời những câu hỏi để xác định xem liệu họ có thường xuyên hay dễ nổi nóng, tiếp đó là một bản khảo sát khác để sinh viên tự đánh giá mức độ thông minh của mình, trước khi tham gia một bài test [khách quan]. Kết quả thu được rất đúng với giả thuyết, nhìn chung người hay nổi nóng cũng thường nghĩ mình thông minh so với khả năng thực tế; trong khi những ai bị rối loạn thần kinh (với các biểu hiện như lo âu vô cớ, kéo dài …) lại hay cho thấy biểu hiện tự ti.
Không quá ngạc nhiên khi nhóm của Zajenkowski còn phát hiện ra, rằng người nóng tính cũng dễ có nguy cơ cao rơi vào ảo tưởng “tự kỷ ám thị” – dẫn tới hay tự đề cao sự tài giỏi của bản thân, mặc dù chưa thể chứng minh giữa nóng nảy và thông minh có một mối liên hệ rõ ràng. Một vài nghiên cứu khác trước đây cũng chỉ ra, rằng tính nóng nảy, bằng cách nào đó, cũng đã có ảnh hưởng đến xu hướng “tự đề cao”, nhưng vẫn chưa rõ liệu đó có phải là quan hệ nhân – quả.
Một điểm hạn chế của nghiên cứu trên, đó là các tác giả chưa thể kiểm chứng được cơ chế khiến sự nóng giận đã có ảnh hưởng tới trí tuệ nhận thức trong những thời khắc con người thiếu suy xét; Hay liệu những người ít (hoặc không dễ) nổi cáu thường chỉ có biểu hiện tự tin thái quá vào trí tuệ bản thân trong lúc rối trí? Vì thế, Zajenkowski tin rằng, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu bổ sung nhằm làm rõ những vấn đề này.
Ngọc Anh (Theo Live Science)