Sau khi quét não của khoảng 12 tên tội phạm bao gồm tội phạm giết người, hiếp dâm, bạo hành, các nhà nghiên cứu phát hiện ra trong não bộ của họ có vài khiếm khuyết, làm cho họ có khuynh hướng thiên về bạo lực hơn bình thường.
TS Adrian Raine - Trưởng khoa Tội phạm học của ĐH Pennsylvania (Mỹ) cùng cộng sự phát hiện ra rằng trong não bộ của những kẻ sát nhân, khu vực kiểm soát sự nóng giận và bạo lực nằm ở thùy trước không hoạt động hiệu quả. Chức năng của khu vực này là kiểm soát sự hung hăng, khả năng tập trung và kiểm soát xung động. Vì vậy, sự hoạt động kém hiệu quả của thùy trước làm cho những kẻ phạm tội mất đi sự đồng cảm, sự hối hận hay cảm giác tội lỗi khi làm tổn thương người khác.
Ông lý giải khiếm khuyết này có thể xảy ra khi người mẹ nghiện rượu hoặc hút thuốc trong thai kỳ bởi thuốc lá và rượu làm giảm lượng ôxy lên não, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thùy trước trong não của thai nhi. Khiếm khuyết cũng có thể xảy đến với những đứa trẻ bị rung lắc mạnh khi còn trong bụng mẹ do khu vực này nằm gần với sọ.
Ngoài ra cũng có thể bắt gặp khiếm khuyết tương tự ở những người có tuổi thơ bị bạo hành hoặc bị bỏ rơi. Thậm chí một chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc một chấn thương ở đầu cũng có thể dẫn đến khiếm khuyết ở thùy trước. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ ăn đường mỗi ngày có nguy cơ phạm tội trong tương lai cao gấp ba lần so với những trẻ khác bởi ăn nhiều đường làm trẻ hung hăng hơn.
TS Raine và cộng sự còn phát hiện ra rằng những kẻ phạm pháp có nhịp tim đập ít hơn bình thương. Ông nói: “Điều này có nghĩa là người đó thiếu “cơ chế” sợ hãi - một cơ chế có tác động kìm hãm hành vi của mỗi người. Vì vậy mà người đó có thể dễ dàng cướp bóc, đột nhập nhà người khác hay thậm chí là có thể ra tay giết người mà không “ghê tay” hay thấy ăn năn, ray rứt".
Phát hiện mới của TS Raine đã gây ra tranh cãi vì các nhà xã hội học từ lâu lập luận rằng chính môi trường và việc nuôi dạy mới là mấu chốt quyết định khuynh hướng phạm tội của một người. Ông nói: “Thực ra tất cả nguyên nhân đó đều là những mảnh ghép mà khi tập hợp lại chúng sẽ cấu thành hành vi phạm tội. Không phải ai sinh ra với khiếm khuyết ở thùy trước đều trở thành tội phạm nhưng nếu người đó đã từng bị ức hiếp, bị bỏ rơi hay bỏ đói khi còn nhỏ thì não bộ không được tạo điều kiện để phát triển và thay đổi".
Ông cũng cho biết thêm, hoàn toàn có khả năng thay đổi tương lai của những đứa trẻ không may mắn bị khiếm khuyết ở não. Ông cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu thực hiện trên một nhóm những đứa trẻ 3-5 tuổi ở quần đảo Mauritius.
Trong nghiên cứu, ông cho chúng tham gia một chương trình phát triển toàn diện bao gồm luyện tập về thể lực, giáo dục và cung cấp những bữa ăn với đầy đủ chất dinh dưỡng. Kết quả là não bộ lúc tuổi 11 của chúng đã phát triển hơn, trưởng thành hơn những đứa trẻ khác cùng độ tuổi. Đến năm 23 tuổi, những đứa trẻ trong chương trình nghiên cứu có hành vi phạm tội thấp hơn bình thường đến 35%.
Dù vậy, nghiên cứu này của ông cũng không dễ để thuyết phục các chính trị gia tin theo. “Các chính trị gia mong thấy được kết quả trong thời gian ngắn, trong thời gian họ còn đương nhiệm. Phía cánh tả thì không đồng ý lấy kết quả của nghiên cứu để bào chữa cho các hành vi phạm tội, còn phía cánh hữu thì cho rằng phương pháp quét não để phát hiện nguy cơ phạm tội là xâm phạm đến quyền con người".