Thông tin có 53 người trong số các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiêm vaccine đầy đủ vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2 có lẽ làm cho nhiều người khá lo lắng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang bùng phát lại ở Việt Nam.

Vậy chúng ta nên hiểu vấn đề này sao cho đúng? chúng ta cần làm gì để hạn chế lây nhiễm virus và nâng cao hiệu quả phòng tránh bệnh?

Khi được chủng ngừa, kháng thể trong cơ thể sẽ bám lên virus (cụ thể là protein S của virus trong hình) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để tiến vào bên trong.

1) Sau khi tiêm ngừa vaccine, bạn có chắc chắn 100% sẽ không bị nhiễm virus hay không?

Câu trả lời là không. Cho tới hiện nay thì chưa có vaccine nào cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thường được biết đến với khả năng bảo vệ không bị lây nhiễm là khoảng trên 90% còn của AstraZeneca là hơn 70%, sau hai hoặc ba tuần được tiêm liều thứ 2 (còn những người không được tiêm thì khả năng nhiễm virus là 100%). Điều này có nghĩa là không phải 100% người được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech/Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy, người được tiêm vaccine đầy đủ vẫn cần giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh khi đang ở trong vùng dịch.

Khi cơ thể của bạn được tiêm ngừa thì các thành phần có trong vaccine sẽ kích thích cơ thể của bạn tạo ra “kháng thể” đặc hiệu. Các kháng thể này có khả năng nhận diện và bám lên bề mặt virus khi chúng có cơ hội tiếp xúc với cơ thể của bạn qua các dịch trong người như dịch nhầy nước mũi, nước miếng và cả nước mắt… Các kháng thể này bám lên virus (cụ thể là protein S của virus) và bất hoạt chúng trước khi chúng có thể chạm lên tế bào của bạn để tiến vào bên trong (Xem hình minh họa trong bài). Do vậy, virus không thể xâm nhiễm vào bên trong tế bào của bạn và bạn sẽ không bị bệnh. Để dễ hình dung, thì các kháng thể này như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào “chất lượng của những tấm khiên” và “mật độ của những mũi tên”. Dĩ nhiên là không có tấm khiên nào có thể đảm bảo 100% hiệu quả bảo vệ. Trong làn mưa tên ấy thì vẫn có những phần trăm rất nhỏ đối với tấm khiên tốt và phần trăm lớn hơn đối với tấm khiên có chất lượng kém hơn mà những mũi tên có thể lọt qua.

Do vậy, chúng ta hãy khoan vội hoang mang khi thấy có người này, người kia bị nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi đã tiêm vaccine, mà hãy tìm hiểu xem “tỉ lệ” những người đã được tiêm vaccine trong tổng số những người bị nhiễm virus là bao nhiêu. Trong một nghiên cứu gần đây ở Mỹ trên 3975 nhân viên y tế, những người làm việc ở tuyến đầu và những người làm việc trong những ngành nghề thiết yếu - những người này được xét nghiệm hằng tuần kể từ tháng 12/2020 cho thấy đến nay có 204 người bị nhiễm virus. Trong số những người bị nhiễm này chỉ có 16 người đã được tiêm vaccine (1 hoặc 2 liều), còn lại là 156 người chưa được tiêm vaccine (32 người còn lại không xác định được tình trạng nên đã được loại ra khỏi thí nghiệm). Như vậy những người được tiêm vaccine chỉ chiếm khoảng 9% số người bị nhiễm virus dù rằng trong thí nghiệm này họ đã gom chung người có hiệu quả bảo vệ một phần (do mới tiêm 1 liều đầu tiên) và người đã có hiệu quả bảo vệ đầy đủ (sau 14 ngày tính từ ngày tiêm liều thứ 2). Điều này cho thấy rằng vaccine có hiệu quả rõ ràng trong việc giúp ngăn ngừa virus lây nhiễm.

2) Nếu cùng mắc COVID thì người đã tiêm vaccine và không tiêm vaccine khác nhau như thế nào?

Tuy không có vaccine nào có hiệu quả bảo vệ khỏi nhiễm virus 100% nhưng hầu hết các vaccine tốt hiện nay như Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson&Johnson đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã tiêm vaccine khi mắc bệnh COVID-19 là 100%. Cũng từ số liệu của nghiên cứu khoa học kể trên cho thấy rằng những người đã tiêm vaccine nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 thì số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không tiêm vaccine. Đây có thể giúp giải thích vì sao những người này thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh COVID-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở,… và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn hai ngày) so với người không tiêm vaccine. Điều này giúp cho chúng ta dễ hiểu hơn khi “52 trong số 53 nhân viên mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoàn toàn không có triệu chứng”.

3) Người đã tiêm vaccine có giúp làm giảm khả năng lây nhiễm của virus trong cộng đồng hay không?

Câu trả lời là có. Câu hỏi trên khá quan trọng và luôn được các nhà quản lý đặt ra khi lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm virus trong cộng đồng và mở cửa kinh tế. Một số điểm vừa kể ra trong hai câu hỏi trước cũng đã giải đáp phần nào thắc mắc này. Khi được tiêm vaccine thì xác suất nhiễm virus đã giảm đi rất thấp, nếu xui xẻo vẫn bị nhiễm thì số lượng virus trong người đó cũng thấp hơn đáng kể và họ khỏi bệnh nhanh hơn so với người không tiêm vaccine. Số lượng virus và thời gian virus tồn tại trong người là yếu tố quan trọng để xác định khả năng và tình trạng lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Do vậy, khi vaccine giúp giảm các yếu tố này thì đã giúp giảm khả năng lây nhiễm trong cộng đồng khi số lượng người được tiêm vaccine tăng lên.

Chúng ta có thể thấy điều này qua một nghiên cứu ở Anh với trên hơn 365 ngàn gia đình. Họ thấy rằng những người đã tiêm ít nhất một liều vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc AstraZeneca nếu lỡ bị nhiễm virus thì nguy cơ lây nhiễm virus của họ cho những người tiếp xúc gần giảm đi một nửa. Đây cũng là những tiền đề mà các nước có tỉ lệ người tiêm vaccine cao và hiệu quả như Israel, Mỹ đã bắt đầu mạnh dạn nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho dân nước họ.

4) Làm thế nào để giảm tối thiểu lây nhiễm virus trong cộng đồng?

Để giảm sự lây nhiễm của virus trong cộng đồng cách tốt nhất hiện nay vẫn là nâng cao tỉ lệ người tiêm vaccine trong cộng đồng. Đối với những nước có tỉ lệ này còn thấp, như Việt Nam, thì chúng ta cần thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm chặt chẽ để tránh bùng dịch, gây quá tải cho hệ thống y tế.

Trường hợp 53 ca dương tính gần đây ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới xảy ra chủ yếu là “tập trung tại các phòng ban khối hậu cần như toàn bộ nhân viên Phòng Công nghệ thông tin, Phòng Chỉ đạo tuyến,…”. Điều này có thể do các nhân viên ngồi chung phòng, tiếp xúc gần và thiếu cảnh giác trong việc lây nhiễm virus.

Những tai nạn lây nhiễm chéo trong không gian làm việc như thế này có thể khắc phục bằng cách nâng cao ý thức của người nhân viên và áp dụng một số biện pháp quản lý phòng dịch mà nhiều nơi (bao gồm cả City of Hope, nơi tôi đang làm việc) đã và đang làm trong thời gian đại dịch đó là:

+ Kiểm tra sức khỏe, nhiệt độ cho nhân viên mỗi đầu ngày làm việc và yêu cầu nhân viên có biểu hiện cảm sốt ở nhà;

+ Giãn cách chỗ ngồi cho các nhân viên (cách nhau ít nhất 2 mét);

+ Yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang suốt trong thời gian làm việc, nhất là khi có người khác ở chung phòng;

+ Chỉ cởi khẩu trang trong giờ làm việc khi uống nước hoặc ăn cơm; không ăn cơm chung với đồng nghiệp, trừ khi người này là người trong gia đình (vợ, chồng,…);

+ Giảm tối đa người đến sở làm bằng cách cho những người có thể làm việc qua mạng làm việc ở nhà (work from home);

+ Đối với những người bắt buộc phải đến chỗ làm thì nên chia ra thành nhiều ca để giảm thiểu số người cùng xuất hiện ở nơi làm việc trong một thời điểm.

+ Nếu được thì nên thông gió cho các văn phòng, đưa ánh sáng mặt trời vào, thay vì đóng kín cửa và mở máy lạnh liên tục.

***

Tôi nhận thấy hiện nay Việt Nam vẫn đang kiểm soát dịch bệnh lây lan khá tốt và nếu chiến lược vaccine được áp dụng kịp thời với những loại vaccine tốt thì sẽ sớm đẩy lùi được dịch COVID-19 mà không gặp những trường hợp dở khóc dở cười như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, quốc gia Bahrain và Seychelles khi họ sử dụng chủ yếu vaccine kém hiệu quả của Trung Quốc và mở cửa trở lại quá sớm.

Tài liệu tham khảo:
Levine-Tiefenbrun M, Yelin I, Katz R, Herzel E, Golan Z, Schreiber L, Wolf T, Nadler V, Ben-Tov A, Kuint J, Gazit S, Patalon T, Chodick G, Kishony R. Initial report of decreased SARS-CoV-2 viral load after inoculation with the BNT162b2 vaccine. Nat Med. 2021 May;27(5):790-792. (https://www.nature.com/articles/s41591-021-01316-7)
Prevention and Attenuation of COVID-19 by BNT162b2 and mRNA-1273 Vaccines https://www.medrxiv.org/.../2021.06.01.21257987v2.full
Impact of Vaccination on Household Transmission of SARS-COV-2 in England https://depts.washington.edu/.../impact-of-vaccination.../
COVID research: a year of scientific milestones https://www.nature.com/articles/d41586-020-00502-w
How Effective Are The Covid-19 Vaccines? https://www.statista.com/.../estimated-effectiveness-of.../c