Nhiều nông dân tưởng rằng để có vụ mùa bội thu, họ cần sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón và cả hạt giống.

Tuy nhiên, thực tế tại nhiều nước và ngay cả ở Việt Nam đã chứng minh, họ không cần tiêu tốn quá nhiều yếu tố đầu vào - đặc biệt là thuốc BVTV - mà vẫn có thể thu lợi nhiều hơn.

Không phải sâu nào cũng cần phun thuốc

Khu vực châu Á - một trong các vựa lúa của thế giới - đã và đang sử dụng thuốc BVTV tràn lan, không có kiểm soát, gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người và môi trường. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật tiêu diệt cả các loại côn trùng có lợi, giết hại chim chóc và động vật lưỡng cư.

Tiến sỹ Kong Luen Heong - một nhà côn trùng học thuộc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) - cho rằng dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng lượng, đúng loại là cách tốt nhất để hạn chế tác hại của hóa chất, đồng thời vẫn đảm bảo năng suất cây trồng. Còn SynGenta - một công ty chuyên sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống của Thụy Sĩ - cho biết việc dùng thuốc trừ sâu phù hợp có thể nâng năng suất vụ mùa lên tới 21%.

Không ít nông dân châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn giữ tập quán canh tác phun thuốc bảo vệ thực vật ngay sau khi cấy, khi họ nhìn thấy những dấu hiệu của hiện tượng xoăn lá - thường xuất hiện sớm trong chu kỳ canh tác, bất chấp lời giải thích của các nhà khoa học, cho đến khi thực tế chứng minh.

Nhà sinh vật học Kong Luen Heong bên ruộng lúa. Ảnh: IRRI

Thực trạng này cũng được thể hiện khi các nhà khoa học thuộc IRRI tiến hành một thí nghiệm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam. Tại một ruộng lúa, người nông dân sử dụng số lượng hạt giống và phân bón như thường lệ, được phép phun thuốc BVTV bất cứ lúc nào họ nghĩ là cần thiết. Ở ruộng lúa khác, họ sử dụng ít hạt giống hơn, ít phân bón hơn và đặc biệt không phun thuốc BVTV sau 40 ngày cấy. Kết quả là năng suất ở ruộng thứ hai nhỉnh hơn dù chi phí sản xuất thấp hơn, giúp thu nhập của người dân tăng lên khoảng 8-10%.

“Những con côn trùng gây ra hiện tượng xoăn lá đầu vụ chỉ gây tổn hại bề mặt mà không hề làm ảnh hưởng tới năng suất mùa vụ. Sẽ thật tệ nếu bạn phun thuốc BVTV từ sớm bởi nó sẽ giết chết các loại thiên địch như cóc, nhện, ong, chuồn chuồn - những sinh vật ăn rầy nâu - loại côn trùng xuất hiện sau nhưng vô cùng nguy hại cho cây trồng. Khi đó, số tiền phải bỏ ra để diệt rầy nâu sẽ tốn gấp 500 lần lượng tiền bỏ ra ban đầu” - tiến sỹ Heong phân tích.


Cách diệt sâu bọ thân thiện môi trường

Ngoài kinh nghiệm nói không với thuốc bảo vệ thực vật 40 ngày sau cấy lúa mà Việt Nam đã áp dụng thành công, nhiều khu vực nông nghiệp trên thế giới đang sử dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp. Trong phương pháp này, người ta căn cứ vào môi trường, các điều kiện sinh thái cụ thể và sự biến động quần thể các loài sinh vật gây hại mà sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp để khống chế quần thể sinh vật gây hại luôn ở mức dưới ngưỡng gây hại kinh tế.

Trong nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Viện Phát triển bền vững Essex và khoa Khoa học sinh học, Đại học Essex, Anh, sau khi phân tích 85 dự án quản lý dịch hại tổng hợp ở 24 quốc gia châu Á và châu Phi trong 20 năm qua, nhóm nghiên cứu nhận thấy, trung bình sản lượng tăng 41% trong vòng 1-5 năm sau khi triển khai dự án, trong khi lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm 69%.

Một ví dụ thành công về ứng dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp là ở Bangladesh. Ruồi dưa hấu là một trong những loài gây hại lớn nhất ở quốc gia này. Thay vì sử dụng thuốc BVTV phun lên các ruộng dưa, nông dân ở đây đã chế tạo ra một loại bẫy, sử dụng con mồi đực đặt trong chai nhựa tái chế hoặc lọ nhựa cùng với một lượng nhỏ thuốc trừ sâu. Hiệu quả của nó thật bất ngờ: Sản lượng dưa tăng từ 40-130% trong vòng 2 năm, trong khi lượng sử dụng thuốc BVTV giảm từ 15 lần phun xuống không còn lần phun nào.

Điều này chứng minh rằng, nếu có được một chiến lược quản lý dịch hại tổng hợp phù hợp, nhận thức của người nông dân tăng lên, chúng ta có thể giảm thiểu được lượng thuốc bảo vệ thực vật đang dùng mà vẫn đảm bảo sản lượng mùa vụ.