Các nhà nghiên cứu phát hiện thuốc trị tiểu đường lixisenatide có thể làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng vận động ở bệnh nhân Parkinson.
Theo Quỹ Parkinson, hơn 10 triệu người trên thế giới đang sống chung với bệnh Parkinson. Đây là tình trạng các tế bào thần kinh trong não bị mất theo thời gian, gây ra các vấn đề về vận động, thăng bằng, trí nhớ và cùng nhiều ảnh hưởng khác.
Những năm gần đây, thuốc exenatide trị tiểu đường loại 2 với thành phần là chất chủ vận GLP-1R, được phát hiện có tác dụng làm chậm sự tiến triển của các triệu chứng vận động ở một nhóm nhỏ bệnh nhân Parkinson.
Mới đây, các nhà nghiên cứu cho biết một loại thuốc khác cũng trị tiểu đường loại 2 có tên lixisenatide, dường như cũng có tác dụng tương tự. Điều này ủng hộ giả thuyết rằng bệnh Parkinson có thể liên quan đến tình trạng kháng insulin trong não.
Giáo sư Wassilios Meissner ở bệnh viện Đại học Bordeaux, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết kết quả rất thú vị. Ông nói: “Chúng tôi phải thận trọng trong mọi cách giải thích và khả năng áp dụng ở giai đoạn hiện tại, nhưng đó thực sự là một tín hiệu rất rõ ràng và mạnh mẽ mà chúng tôi chưa từng thấy”.
Chất chủ vận GLP-1R đã trở nên nổi tiếng nhờ công dụng kiểm soát bệnh tiểu đường loại 2 và hỗ trợ giảm cân, tiêu biểu là hai loại thuốc semaglutide và liraglutide. Tuy nhiên, những chất này không dễ dàng xâm nhập vào não, khiến chúng ít có khả năng được sử dụng trong điều trị bệnh Parkinson.
Viết trên Tạp chí Y học New England, các nhà nghiên cứu ở Pháp báo cáo cách họ chia ngẫu nhiên 156 người gần đây được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson thành hai nhóm đều nhau.
Trong khi cả hai nhóm đều dùng thuốc điều trị Parkinson thông thường, một nhóm được tiêm thêm lixisenatide hằng ngày, còn nhóm thứ hai lại được dùng giả dược.
Trước, trong và sau nghiên cứu, những người tham gia được kiểm tra các triệu chứng vận động của họ và các bác sĩ cho điểm theo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Kết quả, sau 12 tháng, những người dùng lixisenatide về cơ bản không có khác biệt nào về các vấn đề vận động, trong khi những người dùng giả dược bắt đầu xuất hiện các triệu chứng xấu.
Điều đó cho thấy lixisenatide không chỉ làm giảm các triệu chứng mà còn bảo vệ não chống lại tình trạng mất tế bào thần kinh, theo các nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, có một nhược điểm là khoảng một nửa số người tham gia dùng lixisenatide báo cáo buồn nôn và 13% người trong nhóm bị nôn mửa.
Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng cần nghiên cứu thêm để xác định liệu lixisenatide có thực sự làm chậm quá trình tiến triển của bệnh hay không, tìm ra liều dùng tốt nhất và liệu thuốc có mang lại lợi ích cho người bệnh ở các giai đoạn khác của bệnh Parkinson hay không.
Heather Mortiboys - giáo sư về khoa học thần kinh tế bào và chuyển hóa tại Đại học Sheffield, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết những phát hiện này đã mở đường cho các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn.