Cơ chế hoạt động của thuốc kháng virus điều trị COVID-19 có thể thúc đẩy hình thành các biến thể virus kháng thuốc.
Thuốc kháng virus điều trị COVID-19 đầu tiên, molnupiravir của Merck & Co., vừa được Cơ quan Quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh cho phép sử dụng vào ngày 4/11. Tới đây, ngày 30/11, một ủy ban tư vấn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ xem xét việc cấp phép sử dụng khẩn cấp molnupiravir ở nước này.
Molnupiravir hoạt động bằng cách can thiệp vào quá trình nhân lên của virus, chèn các đột biến vào bộ gen của virus cho đến khi nó không thể sinh sản nữa. Tháng trước, Merck đã công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy việc sử dụng molnupiravir sớm sẽ giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong.
Mới đây, William Haseltine, nhà virus học từng làm việc tại Đại học Harvard, nổi tiếng với công trình nghiên cứu về HIV và dự án bộ gen người, nêu ra một lo ngại với molnupiravir: bằng cách gây ra các đột biến ở virus, thuốc có thể thúc đẩy hình thành các biến thể virus mới nguy hiểm hơn.
“Chúng ta đang đưa vào lưu hành một loại thuốc có khả năng gây đột biến mạnh vào thời điểm tất cả đều đang lo ngại sâu sắc về các biến thể mới. Tôi không thể tưởng tượng được một cách làm nguy hiểm như vậy," Haseltine nêu mối lo ngại của mình trong một bài đăng trên blog Forbes.
Haseltine cũng lưu ý, những bệnh nhân được kê đơn thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác thường không hoàn thành liệu trình dùng thuốc theo chỉ định, cho phép vi trùng kháng thuốc tồn tại và lây lan. Nếu bệnh nhân COVID-19 ngừng dùng molnupiravir giữa chừng, khi bệnh đã đỡ hơn nhưng virus vẫn còn, Haseltine lo ngại virus đã đột biến sẽ sống sót và lây lan sang người khác. “Nếu tôi đang cố gắng tạo ra một loại virus mới và nguy hiểm hơn ở người, tôi sẽ cung cấp một liều cận lâm sàng [molnupiravir] cho những người bị nhiễm," Haseltine nói.
“Khả năng [tạo ra các biến thể] là có,” Raymond Schinazi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory, đồng ý. Nhưng Schinazi và một số nhà virus học khác không lo ngại nhiều như Haseltine. “Tôi không cảm thấy quá lo ngại về vấn đề này. Nếu buộc một sinh vật đột biến nhiều hơn, thì khả năng cao là sẽ gây hại cho sinh vật," Aris Katzourakis, chuyên gia về tiến hóa virus tại Đại học Oxford, cho biết.
Tuy nhiên, lo ngại của Haseltine có cơ sở khoa học. Các nghiên cứu đã cho thấy virus corona có thể tồn tại với các đột biến do thuốc gây ra. Chẳng hạn, hai năm trước, Mark Denison, nhà virus học tại Đại học Vanderbilt và các đồng nghiệp đã nhiều lần cho các virus corona tiếp xúc với thuốc kháng virus ở liều lượng không đủ gây chết, để kiểm tra xem liệu có xuất hiện virus kháng thuốc hay không. Họ báo cáo rằng ở hai loại virus (virus viêm gan ở chuột và virus gây ra hội chứng hô hấp SARS), 30 đợt điều trị bằng thuốc như vậy đã gây ra tới 162 đột biến khác nhau mà không tiêu diệt được virus.
Hầu hết các đột biến đã làm hại virus, làm chậm sự phát triển. “Nếu tôi rút ra được điều gì từ nghiên cứu này, thì đó là nếu virus cố gắng thích nghi, ví dụ thông qua khả năng kháng molnupiravir, thì nó sẽ tiếp tục phát triển các đột biến có hại," Denison nói.
Thêm vào đó, virus thường đột biến ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị tổn thương - đây cũng là những bệnh nhân có khả năng phải sử dụng molnupiravir cao nhất, Ravindra Gupta, nhà vi sinh vật học tại Đại học Cambridge, cảnh báo. Vì vaccine kém hiệu quả hơn ở nhóm này, “đây chính xác là những người có nhiều khả năng dùng [molnupiravir].”
Daria Hazuda, người đứng đầu nhóm phát hiện bệnh truyền nhiễm ở Merck, cho biết, công ty chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc những người sử dụng molnupiravir tạo ra virus với các đột biến mới và nguy hiểm. Ở những bệnh nhân đã hoàn thành liệu trình 5 ngày dùng thuốc, “chúng tôi không thấy bất kỳ loại virus lây nhiễm nào”, Hazuda nói, và lưu ý rằng các đột biến phát sinh trong quá trình sử dụng thuốc là ngẫu nhiên, không tập trung vào một gen cụ thể nào khiến virus trở nên nguy hiểm hơn.
Câu hỏi quan trọng là liệu molnupiravir có cung cấp áp lực chọn lọc để thúc đẩy virus phát triển theo hướng có khả năng lây truyền hoặc độc lực mạnh hơn hay không. Theo Hazuda, đột biến là ngẫu nhiên và không có bằng chứng nào cho thấy tình trạng này. “Tôi khó tưởng tượng được tình trạng này xảy ra,” Katzourakis đồng tình, "nhưng không thể loại trừ khả năng đó."
Khả năng rõ rệt hơn là molnupiravir sẽ làm tăng sự xuất hiện của virus kháng thuốc - một tình trạng phổ biến đối với các thuốc kháng virus, theo Denison. Nhưng mới đây,
Pfizer đã công bố một loại thuốc có hiệu quả cao chống lại SARS-CoV-2, mở ra một cách để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc: sử dụng kết hợp hai loại thuốc.
Nguồn: