Sau một thập kỷ phát triển vượt bậc, hầu hết các công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đều đang thắt chặt hầu bao và cắt giảm nhân sự; điều này khiến các chuyên gia nảy sinh dự đoán về một cuộc đại suy thoái đang đến gần.
Hệt như Florence vào thời kỳ Phục hưng. Đó là cách mọi người vẫn thường ví von khi nhắc đến Thung lũng Silicon. Kinh đô công nghệ của Mỹ có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, thị trường chứng khoán và văn hóa thế giới. Dải đất nhỏ trải dài từ San Jose đến San Francisco là nơi đặt trụ sở của ba trong số năm công ty giá trị nhất thế giới. Từ những gã khổng lồ như Apple, Facebook, Google và Netflix đến những công ty tiên phong như Airbnb, Tesla và Uber đều tuyên bố Thung lũng Silicon là cái nôi sản sinh ra họ. Nếu xem đây là một nền kinh tế, Thung lũng Silicon sẽ là nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới, xếp trên cả Thụy Sĩ và Ả Rập Saudi.
CEO Mark Zuckerberg và các nhân viên tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park, trong Thung lũng Silicon.
Ảnh: Business Insider
Thung lũng Silicon không chỉ là một địa điểm, nó còn là nơi khởi nguồn ý tưởng. Kể từ khi Bill Hewlett và David Packard thành lập nên HP - công ty máy tính nổi tiếng - trong chiếc garage ô tô gần 80 năm trước, nơi đây đã trở thành mảnh đất của tinh thần đổi mới. Chính tại Thung lũng, những con chip silicon, máy tính cá nhân, phần mềm và dịch vụ Internet đã lần lượt ra đời và được cải tiến không ngừng. Một số phát minh thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn: ấm đun nước kết nối Internet, một ứng dụng bán loại tiền xu sử dụng tại các tiệm giặt là; nhưng một số ý tưởng thì đã thay đổi thế giới: chip vi xử lý, cơ sở dữ liệu và điện thoại thông minh - chúng đều là ‘đứa con’ từ Thung lũng Silicon.
Sự kết hợp giữa trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, mạng lưới kinh doanh bền vững, nguồn vốn mạnh, các trường đại học phát triển và văn hóa chấp nhận rủi ro đã giúp Thung lũng trở thành một địa điểm độc đáo vô tiền khoáng hậu. Trong hai thập kỷ qua, Facebook đã dẫn dắt làn sóng “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ” tại Thung lũng. Nhưng rồi mọi thứ đảo lộn, giờ đây nếu phải mô tả bức tranh hiện tại của lĩnh vực công nghệ tại mảnh đất này, chúng ta có thể khái quát đầy ngắn gọn: cắt giảm chi phí và nỗ lực để tồn tại.
Một làn sóng sa thải nhân viên đang diễn ra khắp mọi nơi, từ các sàn giao dịch cổ phiếu trực tuyến Robinhood, kỳ lân fintech Klarna cho đến những startup giao hàng cực nhanh.
Một Thung lũng chông chênh
Ngành công nghệ đang đối diện với một cuộc ‘sát hạch’ cam go mới khi các điều kiện kinh tế ngày càng xấu đi. Báo chí liên tục đưa tin về việc các công ty cắt giảm nhân sự, dừng tuyển dụng, cổ phiếu công nghệ lao dốc, tiền điện tử sụp đổ. Khi điều kiện kinh tế xấu đi, chúng ta mới nhận ra Thung lũng Silicon không vững chãi như ta vẫn tưởng. Các startup tại đây thường có nguồn vốn dồi dào để theo đuổi những dự án đầy tham vọng trước khi tạo ra lợi nhuận, hay thậm chí, tạo ra doanh thu. Khi nguồn vốn cạn kiệt, hàng loạt startup sẽ rơi vào cảnh khốn khó.
Những người trong và ngoài ngành liên tục đăng đàn cảnh báo về một cuộc suy thoái có thể xảy ra trong tương lai. “Thời kỳ hoàng kim của thập kỷ trước đã qua”, công ty đầu tư mạo hiểm Lightspeed, nhà đầu tư giai đoạn đầu của Snapchat, khẳng định trong một bài đăng gần đây trên blog. “Không ai có thể dự đoán trước nền kinh tế có thể u ám đến mức nào, nhưng rõ ràng mọi thứ đang không ổn”, Y Combinator - vườn ươm ‘mát tay’ chuyên ‘đỡ đầu’ cho hàng loạt kỳ lân công nghệ cảnh báo trong một bức thư gửi đến các startup, “tốt nhất là nên lập kế hoạch đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra”.
Mặc dù không ai có thể dự đoán thời gian lẫn mức độ nghiêm trọng của tình trạng suy thoái thị trường hiện tại - và hầu hết các chuyên gia đều hy vọng nó sẽ không gây tổn thất như thảm họa bong bóng Dot-Com năm 2000 nhưng tiếng nói của các chuyên gia cho ta thấy một bức tranh đảo ngược hoàn toàn với những gì chúng ta từng chứng kiến trong những năm qua. Lĩnh vực công nghệ, vốn đã phủ sóng trong đời sống của chúng ta, dường như còn trở nên quan trọng hơn nữa khi đại dịch xảy đến: mọi người phải làm việc, mua sắm và tương tác qua màn hình. Số lượng kỳ lân - startup có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên - tăng gần gấp đôi so với trước đại dịch. Việc dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, một phần nhờ vào lãi suất thấp nhằm thúc đẩy nền kinh tế, dường như đang khuyến khích các startup đua nhau lao vào những dự án đốt tiền giành thị phần.
Và rồi một cơn bão cuốn phăng đi tất cả: lạm phát, cuộc chiến Nga - Ukraina, lãi suất tăng, thị trường chứng khoán suy thoái - mà cụ thể là trong lĩnh vực công nghệ. Lĩnh vực công nghệ thông tin của S&P 500 đã ghi nhận mức sụt giảm 19% kể từ đầu năm, chỉ số Nasdaq cũng giảm hơn 20%. Đáng chú ý, Apple đã bị gã khổng lồ dầu mỏ Saudi Aramco vượt qua để trở thành công ty có giá trị nhất thế giới cách đây vài tháng.
Các công ty công nghệ tư nhân đang đối mặt với nhiều khó khăn, định giá công ty sụt giảm, khó gọi vốn. Một làn sóng sa thải nhân viên đang diễn ra khắp mọi nơi, từ các sàn giao dịch cổ phiếu trực tuyến Robinhood, kỳ lân fintech Klarna cho đến những startup giao hàng cực nhanh.
“Những biến cố luôn luẩn quẩn trực chờ rồi đột ngột xảy đến, và thật ngạc nhiên khi tất cả các chuyên gia, bậc thầy trong lĩnh vực này đều bị ảnh hưởng”, giáo sư Vasant Dhar thuộc Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, chia sẻ với CNN. Thảm họa Dot-Com đã để lại những bài học lớn, nhưng dường như “thị trường luôn mắc chứng hay quên”.
GS. Dhar đã làm việc trong lĩnh vực công nghệ suốt nhiều thập kỷ, ông từng vượt qua nhiều lần thăng hoa lẫn đổ vỡ trong sự nghiệp của mình - bao gồm thảm hoạ bong bóng Dot-Com năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo ông, “như Bob Marley đã nói, những người trẻ tuổi thường không biết quá khứ đã xảy ra điều gì, chỉ mải cầm đèn chạy trước ô tô. Và sau đó mọi thứ xảy đến cực kỳ đột ngột”.
‘Lửa thử vàng’
Đã quá lâu kể từ thời kỳ suy thoái gần nhất trong ngành công nghệ, đến mức một số chuyên gia lão làng ở Thung lũng Silicon buộc phải lên tiếng để nhắc nhở các kỹ sư trẻ tuổi - những người chưa bao giờ nằm gai nếm mật - các rủi ro có thể xảy đến. “Kể từ năm 2000, chúng ta chưa thực sự chứng kiến thêm một cuộc suy thoái công nghệ tồi tệ nào”, Mike Schroepfer, nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp vào năm 2000 và về sau trở thành CTO tại Facebook, viết trên Twitter vào tháng trước. “Tôi không rõ tình hình hiện tại rồi sẽ đi theo hướng như những cuộc khủng hoảng trước đây, hay sẽ khả quan hơn, bi kịch hơn; song giai đoạn u ám có thể sẽ kéo dài suốt nhiều năm”.
Trong phần lớn thập kỷ trước, nguồn vốn dồi dào cùng sự bùng nổ của điện thoại thông minh đã giúp tạo ra một làn sóng các công ty công nghệ đột phá đầy tham vọng, sẵn sàng đốt hàng triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ USD, nhằm chiếm lấy miếng bánh thị phần. Một loạt các công ty khởi nghiệp công nghệ - từ Uber đến WeWork - đã trở thành những cái tên quen thuộc với người dân, dù những công ty này chưa bao giờ thu được khoản lợi nhuận ổn định. Thời đại hoàng kim đã truyền cảm hứng cho những người trẻ, khiến họ tin rằng thị trường cứ mãi đi lên mà không bao giờ tuột dốc. Đột ngột, tháng trước, Uber đã có động thái báo hiệu rằng họ có ý định cắt giảm chi phí và khó có thể tuyển dụng thêm nhân viên, bởi các nhà đầu tư đang mất dần niềm tin lẫn sự kiên nhẫn.
“Đây là một bước ngoặt lớn”, Matt Kennedy, chiến lược gia cấp cao về thị trường IPO tại quỹ Renaissance Capital, đưa ra nhận định. “Trong nhiều năm, các công ty khởi nghiệp thường triển khai cùng một chiến thuật, đó là tăng trưởng nhanh nhất có thể bằng cách đốt tiền liên tục. Đó là điều mà các nhà đầu tư của họ muốn thấy, lỗ lãi không thành vấn đề. Nhưng điều đó đã thay đổi. Giờ đây lợi nhuận là yếu tố quan trọng”, ông nói thêm. “Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư đang cân nhắc một cách thận trọng hơn nhiều”.
Một môi trường khởi nghiệp và gọi vốn khắt khe không hẳn là yếu tố gây bất lợi đối với tất cả các công ty, mặc dù nó có thể sẽ “khiến các công ty thùng rỗng kêu to phải khốn đốn”, Dhar lưu ý. Các dự án mang nhiều yếu tố mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu đa phần sẽ bị ảnh hưởng trong thời kỳ kinh tế khó khăn này, nhưng những công ty đã lớn mạnh được nhiều quỹ đầu tư lớn hậu thuẫn sẽ nắm bắt được thời cơ để xoay chuyển tình thế. Kennedy cho biết nhiều startup đi theo hướng phát triển nhanh và “tồn tại chỉ nhờ tiền tài trợ”. Đây sẽ là lần ‘thử lửa’ quan trọng, một số doanh nghiệp sẽ thành công, một số khác sẽ bị mua lại.
Bất chấp nhiều chuyên gia liên tục đưa ra những viễn cảnh tăm tối trong tương lai, một số người vẫn tỏ ra khá lạc quan. Theo Dan Wang, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Columbia, lĩnh vực công nghệ hiện nay đã phát triển hơn nhiều so với thời bong bóng Dot-Com. “Các công ty công nghệ lớn dù đang thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn chưa đến mức không xoay sở được về tài chính”, Wang nói. “Và hơn nữa, rất nhiều nền tảng công nghệ cung cấp những dịch vụ mà người dân hiện nay không thể sống thiếu.”
Do đó, việc so sánh hai thời đại là điều vô cùng khập khiễng. Thậm chí sẽ là vô lý nếu “vội vàng dự đoán những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới dựa trên tình cảnh quá khứ 20 năm trước”, ông Wang lập luận.
Bất chấp những cảnh báo được đưa ra mỗi ngày, GS. Dhar cũng bày tỏ niềm tin rằng lĩnh vực công nghệ cuối cùng sẽ phục hồi trở lại. “Về lâu dài, công nghệ là tương lai”, ông chia sẻ.
Nhiều người thậm chí cho rằng tình hình hiện tại có thể có lợi cho lĩnh vực công nghệ. Các công ty có đủ năng lực tài chính cuối cùng sẽ được niêm yết cổ phiếu, trong khi một số công ty yếu kém sẽ bị đào thải khỏi thị trường. “Thành thật mà nói, khi tôi lắng nghe một số startup thuyết trình về nhu cầu sử dụng vốn, về tính khả thi của dự án mà startup đang thực hiện, tôi cảm thấy một số dự án hoàn toàn vô lý”, Dhar cho biết, “tôi không hiểu tại sao họ lại có thể đưa ra định giá như vậy”.
Theo CNN, Washington Post