Tổ chức Y tế Thế giới sẽ tiến hành thử nghiệm ba loại thuốc hiện có để đánh giá xem chúng có khả năng cứu sống những người phải nhập viện vì Covid-19 hay không.

Một chương trình mang tính bước ngoặt để thử nghiệm các liệu pháp điều trị Covid-19 tiềm năng tại hàng chục quốc gia đang bắt đầu được khởi động lại với một danh sách các phương pháp điều trị mới. Lần này, chương trình tập trung vào việc làm giảm các phản ứng miễn dịch có khả năng khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Nhiều bệnh nhân mắc Covid phải nằm viện trong thời gian dài và cần hỗ trợ thở máy. Ảnh: Pau Barrena/AFP/Getty Images

Chương trình thử nghiệm lâm sàng ấy, có tên là Solidarity (Đoàn kết) và do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối, sẽ thử nghiệm ba loại thuốc có tác dụng làm giảm viêm - một hướng tiếp cận đã cho thấy nhiều hứa hẹn ở những người phải nhập viện vì Covid-19 trước đó.

Theo John-Arne Røttingen, Giám đốc khoa học ở Viện Y tế Công cộng Na Uy và là trưởng ban chỉ đạo quốc tế của thử nghiệm Solidarity, cả ba loại thuốc đã được lựa chọn cẩn thận dựa trên tiềm năng mà chúng thể hiện trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng nhỏ hơn cũng như sự sẵn có của chúng. “Ít nhất, chúng ta cần có những tín hiệu khả quan cho thấy những thuốc này có thể có tác dụng”, ông nói. “Và những loại thuốc ấy phải có khả năng phân phối được ở nhiều quốc gia”.

Ban đầu, khi được WHO khởi động vào tháng 3/2020, chương trình Solidarity tập trung vào nghiên cứu các loại thuốc kháng virus. Đến tháng 10, cuộc thử nghiệm này đã thu hút hơn 11,000 bệnh nhân đang nhập viện vì Covid-19 ở 30 quốc gia tham gia. Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra không có loại thuốc nào trong bốn loại được thử nghiệm (bao gồm remdesivir, interferon, thuốc sốt rét hydroxychloroquine và một hỗn hợp các loại thuốc HIV có tên là lopinavir và ritonavir) có thể cứu sống được bệnh nhân hay rút ngắn được thời gian nằm viện.

“Không có loại thuốc kháng virus nào cho thấy chúng có hiệu lực mạnh đối với các bệnh nhân phải nhập viện”, Røttingen nói. “Chúng tôi đều nhất trí rằng thời điểm sử dụng thuốc là quá muộn. Thuốc kháng virus ấy có thể đem lại lợi ích nếu được dùng ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính”.

Bởi vậy, hiện nay, sau một khoảng thời gian tạm dừng để tìm kiếm các liệu pháp khác cho thử nghiệm, chương trình Solidarity sẽ tập trung vào mục tiêu khác đó là kiểm soát các phản ứng miễn dịch - yếu tố có thể góp phần gây ra các ca Covid-19 nghiêm trọng.

Một loại thuốc điều trị Covid được dùng tại Anh. Ảnh: Matthew Horwood/Getty Images

Điều chỉnh phản ứng miễn dịch

Khi một người bị nhiễm virus, phản ứng miễn dịch của chính cơ thể người đó có thể tự gây hại và làm tổn thương các mô khỏe mạnh trong quá trình tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào nhiễm bệnh. Vào tháng 6/2020, một nghiên cứu lớn có tên là RECOVERY tại Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng, steroid ức chế miễn dịch dexamethasone đã làm giảm các ca tử vong ở những người đang phải thở máy hoặc được hỗ trợ thở oxy do nhiễm virus corona. Và một cuộc thử nghiệm quốc tế lớn khác có tên REMAP-CAP cũng đã phát hiện ra, các loại thuốc ngăn chặn một protein miễn dịch quan trọng - thụ thể interleukin-6 (IL-6) - có thể làm giảm các ca tử vong ở những người mắc Covid-19 nặng.

Liệu pháp điều trị với dexamethasone, hoặc với cả dexamethasone và thuốc chẹn thụ thể IL-6, đã trở thành phương pháp tiêu chuẩn ở một số quốc gia khi chăm sóc các bệnh nhân cần hỗ trợ thở, theo Anthony Gordon, bác sĩ gây mê tại Đại học Imperial College London và là thành viên của ban chỉ đạo REMAP-CAP. Tuy nhiên, ông cho rằng phương pháp này vẫn còn có thể được nâng cao hiệu quả hơn nữa. “Chúng tôi biết có một số bệnh nhân vẫn không khỏi kể cả khi được điều trị với những loại thuốc này”, ông cho biết.

Do đó, các nhà khoa học đã tìm kiếm các phương thức khác để ngăn chặn một số phản ứng miễn dịch cụ thể. Và một trong số các loại thuốc được thử nghiệm là infliximab - thuốc được sử dụng để điều trị các tình trạng tự miễn, bao gồm bệnh Crohn và viêm khớp dạng thấp. Nó có khả năng ngăn chặn “yếu tố hoại tử khối u alpha” (TNF-α) - một protein do các tế bào miễn dịch đại thực bào giải phóng ra và thúc đẩy quá trình gây viêm.

Loại thuốc thứ hai được thử nghiệm là một thuốc điều trị ung thư có tên là imatinib. Các nhà khoa học hy vọng rằng, thuốc này có thể nhắm đến cả virus corona và chỗ bị viêm sưng, từ đó ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào và làm giảm các hoạt động của protein gây viêm là cytokines. Cuối cùng, Solidarity thử nghiệm artesunate, một loại thuốc chống sốt rét cũng có tiềm năng kháng viêm. Røttingen cho biết, mỗi loại thuốc sẽ được cung cấp cùng với phương pháp chăm sóc tiêu chuẩn, mà trong đó tại nhiều nơi trên thế giới, phương pháp này bao gồm cả dexamethasone.

REMAP-CAP cũng lên kế hoạch sẽ thử nghiệm imatinib, loại thuốc có thể giúp ngăn chặn rò rỉ dịch trong các mạch máu xung quanh phổi. Cuộc thử nghiệm cũng sẽ đánh giá một loại thuốc khác nhắm đến TNF-α, cũng như thuốc namilumab có tác dụng ngăn chặn protein GM-CSF và làm giảm hoạt động của cytokine.

Với tất cả các phương pháp khác nhau nhằm “hạ nhiệt” cho hệ miễn dịch như vậy, các nhà khoa học phải rất cẩn thận để không làm giảm phản ứng miễn dịch quá mức và khiến cho người bệnh dễ mắc các bệnh khác, Djillali Annane, bác sĩ chăm sóc đặc biệt tại Đại học Versailles, Pháp và là thành viên của ban chỉ đạo quốc tế REMAP-CAP cho biết.

Trong thử nghiệm REMAP-CAP, đầu tiên, những người tham gia sẽ được cho dùng một loại steroid, ví dụ như dexamethasone, và một loại thuốc có khả năng chẹn thụ thể IL-6. Chỉ khi những bệnh nhân này không có sự cải thiện sức khỏe sau hai liều đầu tiên, họ mới được cung cấp một loại thuốc bổ sung nhắm đến hệ miễn dịch. “Thuốc đó sẽ dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng được”, Annane nói. “Và câu hỏi đặt ra là, nếu chúng ta thêm một phương pháp khác để điều chỉnh phản ứng gây viêm ở những bệnh nhân này, liệu chúng ta có thể cứu thêm được mạng sống hay không?”

Nguồn: Nature