Cốt lõi của hệ thống giáo dục đại học truyền thống là bằng cấp. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, việc ghi danh vào các chương trình cấp bằng 4 năm đã giảm dần ở Mỹ và gần đây, xu hướng này lan cả sang các thị trường mới nổi.

Các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và người sử dụng lao động bắt đầu đặt câu hỏi liệu có cách nào tốt hơn các chương trình cấp bằng truyền thống để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và thị trường lao động.

Trong khi đó, một loại hình đào tạo có cấu trúc mới đang nổi lên: các khóa học nhỏ, hoàn vốn nhanh hơn. Khi đại dịch bùng phát, mối quan tâm đối với các mô hình học tập mới cũng bùng nổ.

Các khóa học cung cấp chứng chỉ nghề đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao độngngày càng được quan tâm. Ảnh: INT

Chưa có một định nghĩa được chấp nhận trên toàn cầu cho các dạng đơn vị học tập nhỏ hơn, nhưng chứng chỉ nghề (microcredential), có khi được gọi là chứng chỉ thay thế hoặc chứng-chỉ-phi-bằng-cấp, đang là thuật ngữ phổ biến để mô tả loại hình giáo dục này. Chứng chỉ nghề bao gồm chứng chỉ, huy hiệu kỹ thuật số, giấy phép và chứng chỉ học việc. Riêng chứng chỉ học việc có giá trị tương đương với bằng cấp đầy đủ ở Châu Âu.

Đâu là động lực?

Có một số động lực chính. Thứ nhất, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng cách giữa loại hình giáo dục trong các cơ sở giáo dục đại học truyền thống và các kỹ năng cần thiết để làm việc trong thế giới kỹ thuật số ngày nay đang ngày càng rộng ra.

Thứ hai, việc thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng đã làm nổi lên nhu cầu đối với các giải pháp đào tạo kỹ năng giúp tìm được việc làm, đặc biệt là đối với các nhóm dân cư bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Thứ ba, rất nhiều người trên khắp thế giới đã lấy được một số tín chỉ trong chương trình giáo dục đại học, nhưng không lấy được bằng chính thức. 50% sinh viên ở Mỹ dừng hoặc bỏ học tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, trước khi hoàn thành chương trình và được cấp bằng.
Tỷ lệ nghỉ việc cũng đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch ở các thị trường mới nổi, buộc các cơ sở giáo dục phải phát triển các chiến lược để cải thiện khả năng thành công của người học.

Vai trò của bên thứ ba

Các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục tư nhân, hay bên thứ ba, đang hợp tác với các trường đại học hàng đầu và các công ty lớn để cung cấp các khóa học mở trực tuyến đại chúng - MOOC - nhằm chống lại sự bất bình đẳng và nâng cao kỹ năng.

Ví dụ, edX và Coursera đều cung cấp hàng nghìn khóa học trực tuyến miễn phí, và cấp chứng chỉ (phải trả tiền) cho những học viên muốn chứng tỏ trình độ trong một lĩnh vực hoặc cần chứng chỉ để thăng tiến sự nghiệp của họ.

Các mô hình khác, dựa trên quan hệ đối tác công tư, cũng đang phát triển ở Liên minh Châu Âu, trong đó các liên minh Đại học Châu Âu và Viện Công nghệ Châu Âu đang dẫn dắt sự phát triển chung của các dịch vụ đào tạo.

Trong khi tăng trưởng của thị trường giáo dục đại học truyền thống đã chậm lại ở Mỹ, ngoại trừ các chương trình có nhu cầu cao như điều dưỡng, thì các nhà cung cấp MOOC đang có tốc độ tăng trưởng hai con số.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 40% người trưởng thành ở Mỹ có một số loại chứng chỉ thay thế. Chưa có dữ liệu về các nước đang phát triển và từ Châu Âu.

Phản hồi của nhà tuyển dụng

Ngày càng nhiều bên chấp nhận chứng chỉ có được từ các khóa học trực tuyến. Năm 2013, khoảng 40% công ty Mỹ chấp nhận hình thức học trực tuyến khi đánh giá các ứng viên xin việc. Trong một cuộc khảo sát quốc gia năm 2021, 71% nhà tuyển dụng trả lời rằng chứng chỉ trực tuyến tương đương hoặc tốt hơn so với các dạng chứng chỉ truyền thống.

Dù sao thì việc áp dụng rộng rãi hơn các chứng chỉ nghề phụ thuộc vào đánh giá của người sử dụng lao động đối với những dạng chứng chỉ này.

Nhiều công ty có tầm nhìn xa đang tập trung vào việc xây dựng thay vì săn tìm nhân tài trong thị trường việc làm ngày nay. Các nhà quản lý nhân lực nhìn thấy giá trị của việc đầu tư vào đội ngũ nhân viên hiện có, hơn là tuyển dụng nhân viên mới.

Chi phí cho các dạng chứng chỉ phi bằng cấp để nâng cao kỹ năng của nhân viên thường thấp hơn so với các chương trình giáo dục truyền thống. Một số tập đoàn lớn như Google và IBM đang cấp chứng chỉ nghề cho nhân viên của họ và công chúng. Một ví dụ khác, sáng kiến ​​của Liên minh Kỹ năng Ô tô Châu Âu đang cấp một loạt các chứng chỉ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xanh.

Tại sao nên quan tâm đến chứng chỉ nghề?

Có một số lý do tại sao các bên liên quan trong chuỗi giá trị nên chú ý đến chứng chỉ nghề.

Theo Ủy ban Châu Âu, các công nghệ mới xuất hiện trong thập kỷ tới có thể định hình lại hàng triệu việc làm.

Ước tính, do quá trình số hóa, 50% nhân viên trên toàn thế giới cần được đào tạo lại vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, chứng chỉ nghề trở thành một phương tiện phục vụ hiệu quả việc học tập suốt đời, làm cho các kỹ năng trở nên hữu hình và linh hoạt hơn.

Chứng chỉ nghề cũng cho phép các cơ sở giáo dục đại học truyền thống đáp ứng nhu cầu của sinh viên và lực lượng lao động, đồng thời mở ra các nguồn thu mới.

Như đã thấy trong đại dịch, những nhà quản trị đại học thích ứng được với những cách thức giáo dục mới có khả năng vượt qua sự gián đoạn mạnh mẽ hơn. Ở các thị trường mới nổi, những trường đại học sáng tạo nhất đang bắt đầu nhúng nội dung của bên thứ ba vào các dịch vụ giáo dục của họ.

Sự dịch chuyển mô hình dưới tác động của đại dịch

Từ hai năm qua, chúng ta nhận thấy rằng làm việc tại nhà sẽ còn tiếp diễn, và kéo theo đó là xu hướng học tập trực tuyến nhiều hơn.

Các mô hình học tập từ xa đã tồn tại được một phần tư thế kỷ, nhưng ngay lúc này, chúng ta đang có cơ hội xây dựng một cấu trúc chứng chỉ nghề và mô hình tài chính mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động, nhà hoạch định chính sách và lực lượng lao động.

Chứng chỉ nghề cũng đang mở rộng thị trường giáo dục sau trung học. Các công ty Edtech và các nhà cung cấp giáo dục tư nhân đang tạo ra nhiều sản phẩm và chương trình mới nhằm tăng giá trị cho hồ sơ xin việc và hồ sơ chuyên môn. Các nhà cung cấp giáo dục tư nhân đang tăng trưởng với tốc độ từ 70% đến 100% mỗi năm, tuy nhiên cần có thêm dữ liệu để hiểu ai được lợi và xác định đường hướng tương lai.

Ở Mỹ, thế giới chứng chỉ phi truyền thống thiếu sự tập trung hóa, nhưng các sáng kiến ​​như Credential As You Go đang làm việc với chính quyền địa phương ở các bang để tạo những mẫu chứng chỉ chung ở cấp độ đại học và sau đại học.

Tại các thị trường mới nổi, nhiều nhà cung cấp giáo dục đại học đang tham gia hợp tác với Google, Amazons và IBM, tạo ra các lộ trình nghề nghiệp vững chắc cho học viên. UNESCO và Khu vực Giáo dục Đại học Châu Âu gồm 49 quốc gia cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc phát triển các khuôn khổ chung liên quan đến chứng chỉ nghề.

Bất chấp việc thiếu các tiêu chuẩn chung được chấp nhận trên toàn cầu, chứng chỉ nghề đến nay đã được chứng minh là một cách đầy hứa hẹn để đáp ứng nhu cầu của sinh viên và thị trường lao động thời đại kỹ thuật số.

Miễn là ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục cung cấp các đơn vị học tập nhỏ hơn có giá trị này, người học ở mọi lứa tuổi và giai đoạn sự nghiệp của họ đều có thể theo đuổi việc học suốt đời.

Nguồn:

University World News