Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Sự phát triển của trẻ, 2 nhà tâm lý học Jean Twenge và Heejung Park đã phát hiện ra rằng thiếu niên hiện nay không thích sex, rượu cũng chẳng thích lái xe. Thứ họ thân thiết nhất chính là ứng dụng xã hội trên điện thoại.
Nghiên cứu này được tiến hành trên 8,3 triệu thiếu niên, sinh ra từ năm 1976 tới 2016. Kết quả nghiên cứu cho thấy thiếu niên hiện nay thích ngồi nhà, không thích đi làm, hẹn hò, quan hệ hay ra ngoài cùng bố mẹ.
“Kết quả này không liên quan tới cách nuôi dạy con cái của cha mẹ, nó chỉ liên quan tới các cháu thiếu niên, nền kinh tế, tỉ lệ sinh sản và việc tuổi thọ được nâng cao” – bà Twenge nói.
Vào giữa thế kỷ 20, con người được nuôi dậy trong một môi trường mà các nhà tâm lý gọi là “chiến lược sống nhanh”. Tuổi thọ ngắn hơn, công việc là thứ thu hút nên tụi trẻ lớn lên khá nhanh mà ít có được sự theo dõi cẩn trọng từ cha mẹ. Tới những năm 2000, tại Mỹ bắt đầu trào lưu “chiến lược sống chậm”. Tuổi thọ nâng cao, nguồn lực dồi dào và bố mẹ bắt đầu dạy tụi trẻ theo cách để chúng có thể “ở lại với tuổi thơ” lâu hơn.
“Chính vì vậy mà hiện nay những thanh niên 18 tuổi vẫn cư xử như thiếu niên 15 tuổi trong thập kỷ 70, 80 thế kỷ trước” – bà Twenge cho biết.
Có một điểm đáng lưu ý trong tính cách thế hệ Z, iGen này là tỉ lệ tự tử cao hơn so với tỉ lệ tội phạm giết người. Bà Twenge cho rằng đây là hệ quả của việc thế hệ iGen được tiếp xúc với điện thoại thông mình từ sớm. Thay vì đi làm và đi chơi ngoài trời, tụi trẻ có xu hướng cảm thấy cô độc và vùi mình vào các thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, cha mẹ không nên đặt việc tách con ra khỏi điện thoại di động là mục tiêu đầu tiên, nếu họ muốn bảo vệ sức khỏe tinh thần của con. Theo bà Twenge, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là khuyến khích con độc lập. Nếu chúng có nhiều mối quan tâm hơn tới công việc, tới cộng đồng, chúng sẽ còn ít thời gian rảnh rỗi mà phí phạm vào điện thoại di động.
Hiền Thảo (theo BI)