Quỹ Nghiên cứu ứng dụng VinTech Fund (VinTech City) vừa công bố 12 dự án khoa học đầu tiên được nhận đầu tư từ Quỹ, với tổng giá trị đầu tư lên tới 86 tỉ đồng.

Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City

Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng Giám đốc VinTech City nói: “Chỉ sau một tháng ra thông báo, Quỹ VinTech Fund đã nhận được hơn 200 hồ sơ. Chúng tôi nhìn thấy rõ hai “trường phái”, hoặc thiên về nghiên cứu khoa học, chưa có nhiều thông tin thị trường, hoặc thuần về tính cải tiến công nghệ cơ bản để thương mại. VinTech Fund đòi hỏi cả luận chứng thuyết phục, nổi bật về tính khác biệt của công nghệ và khả năng chinh phục thị trường của sản phẩm. Các dự án nhận tài trợ đáp ứng ba yêu cầu cốt lõi: Một là, hàm lượng và lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ. Hai là khả năng thương mại hóa và ba là khả năng, năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu, đặc biệt người chủ trì. Ngoài ra, VinTech Fund cũng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ tích cực giữa nhóm nghiên cứu và các trường đại học tại Việt Nam”.

Nhiều người cho rằng, việc tài trợ các nghiên cứu này của Vin là một động tác thị trường rất… lợi hại, vì chỉ cần chi ra một khoản tiền không lớn (chưa tới 100 tỷ, có thể quy đổi ngang thành vài căn biệt thự trong hệ thống của Vingroup) nhưng hiệu quả và tiếng vang xã hội quá tốt. Dẫu sao, điều quan trọng mà dự án này làm được, là tạo ra một cú hích quan trọng trong việc tìm kiếm cơ chế thương mại hóa các công trình nghiên cứu khoa học, vốn là thứ rất khó (về chính sách, chẳng hạn định giá các công trình nghiên cứu này khi ra thị trường, đặc biệt là tính sở hữu của nó).

Trải qua 3 vòng thẩm định và đánh giá với sự tham gia của gần 40 chuyên gia là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ cả trong nước lẫn bảy quốc gia khoa học – công nghệ hàng đầu cũng như sự tham gia thẩm định của các nhà chiến lược, kinh doanh nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực, đây là top 6% dự án xuất sắc nhất.

1. Công ty Earable Việt Nam - ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM - GS. Vũ Ngọc Tâm: Phát triển hệ thống theo dõi và cải thiện giấc ngủ.

2. ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội - TS. Nguyễn Trần Thuật: Nghiên cứu phát triển công nghệ chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt ứng dụng trong an ninh quốc phòng và dân dụng.

3. Công ty Cổ phần Quốc tế AOTA - ĐH Quốc tế, ĐH Quốc Gia, TP HCM ĐH Bách khoa TP HCM - TS. Lưu Xuân Cường: Nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ phân tách và tinh chế hoạt chất từ thảo mộc và công nghệ nano nhũ hóa năng lượng thấp nhằm sản xuất dược mỹ phẩm và chế phẩm sử dụng trong nông nghiệp công nghệ cao.

4. CTCP Dịch vụ và Giải pháp xử lý dữ liệu Vbee - ĐH Bách khoa Hà Nội - TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Ông Hồ Minh Đức: Giải pháp chuyển đổi văn bản thành tiếng nói tiếng Việt tự nhiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo – Vbee Vietnamese Text to Speech.

5. Công ty TNHH Tay Máy Việt Nam (VIETMANI) - ĐH Bách khoa Hà Nội - ThS. Lê Đăng Thắng: Nâng cao năng lực sản xuất và thương mại hóa tay máy công nghiệp.

6. ĐH Cần Thơ - PGS. TS. Vũ Ngọc Út: Nghiên cứu nuôi sinh khối quy mô lớn giun nhiều tơ và ốc mượn hồn làm thức ăn nuôi vỗ tôm biển (Litopenaeus vannamei và Penaeus monodon) bố mẹ.

7. Công ty Cổ phần Dịch vụ khoa học than hoạt tính The AC House - ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội - ThS. Mai Thị Nga: Nghiên cứu chế tạo Than hoạt tính hiệu năng cao từ cây Guột ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm.

8. ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM - ThS. Nguyễn Đình Hiển - ThS. Huỳnh Lê Tấn Tài: Nghiên cứu độ đo đánh giá tầm ảnh hưởng và sự lan tỏa thông tin trên mạng xã hội và Xây dựng hệ thống quản trị chiến lược tiếp thị ảnh hưởng trên mạng xã hội.

9. ĐH Công nghệ - Đại học Quốc Gia Hà Nội - PGS.TS. Phan Xuân Hiếu: Nghiên cứu và phát triển nền tảng tự động phân tích và hiểu khách hàng ứng dụng trong bán lẻ, thương mại điện tử, và quảng cáo trực tuyến.

10. ĐH Cần Thơ - PGS. TS. Ngô Quang Hiếu: Phát triển cầu trục bốc dỡ container tự động từ tàu lên bờ cho các cảng nhỏ.

11. Công Ty TNHH Bonbouton Incorporation - ĐH Bách khoa Hà Nội - TS. Lê Tùng Linh: Phát triển công nghệ ứng dụng cảm biến điện cơ từ vật liệu nano Graphene.

12. ĐH Hàng hải Việt Nam - TS. Phạm Đình Bá: Phát triển một ball robot (ballbot) hỗ trợ bệnh nhân và bác sĩ trong bệnh viện.