GS Trần Văn Thọ đang giảng dạy tại Đại học Waseda (Tokyo), từng là một trong ba người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn kinh tế của nhiều đời Thủ tướng Nhật.
GS Trần Văn Thọ quê ở Quảng Nam. Sau khi học xong trung học phổ thông tại Hội An (Quảng Nam), ông sang Nhật du học từ năm 1968 với học bổng của chính phủ Nhật. Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi, Tokyo, từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) và giảng dạy ở Đại học Obirin (Tokyo).
GS Thọ từng làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật Bản như: Viện nghiên cứu Đầu tư quốc tế và Phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước, Viện nghiên cứu Tài chính và Phát triển kinh tế thuộc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Chuyên gia này cũng được mời làm ủy viên nghiên cứu chính sách của Diễn đàn Nhật Bản về quan hệ quốc tế từ năm 1998, và được bầu làm chủ nhiệm nhóm nghiên cứu chính sách cho năm 1999 của diễn đàn này. Bản báo cáo “Kiến nghị về sự lựa chọn chiến lược tại châu Á trong bối cảnh toàn cầu hóa” do ông chủ trì nghiên cứu đã được trình thủ tướng Mori Yoshiro vào tháng 5/2000.
Năm 2003, GS Trần Văn Thọ được JBIC mời làm chủ nhiệm ủy ban đánh giá dự án viện trợ của Nhật (ODA) xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông Bắc bộ Việt Nam.
Ông là người khởi xướng và vận động thành lập Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM và từng giữ vai trò chủ tịch hội đồng điều hành trung ương của tổ chức này
Mặc dù sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nhưng GS Thọ luôn hướng về Việt Nam. Ông thường xuyên tham dự và có bài tham luận tại các hội thảo xây dựng chính sách phát triển kinh tế Việt Nam. Ông cũng từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Đà Nẵng.
GS Thọ có nhiều tác phẩm xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Việt, chuyên về kinh tế Á châu, nhất là Nhật Bản và Việt Nam. Cuốn sách bằng tiếng Nhật xuất bản năm 1992 "Phát triển công nghiệp trong tương quan với các doanh nghiệp đa quốc gia: Kiểm chứng tính năng động của kinh tế vùng châu Á Thái Bình Dương" đã được trao Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương năm 1993.
Trong các sách xuất bản bằng tiếng Việt, có hai cuốn được nhận Giải thưởng Sách hay là "Biến động kinh tế Đông Á và con đường công nghiệp hóa Việt Nam" (NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2006, nhận giải thưởng năm 2012) và "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam" (NXB Tri thức xuất bản năm 2016 nhân dịp kỷ niệm 40 năm chấm dứt chiến tranh và gần 30 năm đổi mới; nhận giải thưởng cùng năm).
Cuốn "Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam"đã tổng kết và đánh giá thành quả phát triển kinh tế Việt Nam trong 40 năm qua, phân tích những thách thức hiện nay và đề khởi đổi mới tư duy, chiến lược cho giai đoạn mới. Tác giả đã chỉ đích danh 3 nguy cơ của kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm tới: Chưa giàu đã già, chuyển sang thời đại hậu công nghiệp quá sớm và mắc bẫy thu nhập trung bình thấp.
GS Trần Văn Thọ cũng là người đề xuất ý tưởng phổ cập giáo dục đại học đoản kỳ (2 năm) song song với đại học 4 năm tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”.
Ông cho rằng, đa số lao động ở cấp bậc quản lý trung gian và chuyên viên như kế toán, thư ký, quản lý văn phòng… không cần học đại học 4 năm mà chỉ cần hệ 2 năm, gồm một năm học văn hóa và một năm học chuyên môn, ra trường là làm việc được ngay. Nguồn nhân lực chất lượng cao không nhất thiết phải học xong các bậc trên đại học, mà mỗi bậc học phải bảo đảm chất lượng cao, phải thật tinh.
Trước khi trở thành thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GS Thọ từng tham gia tổ tư vấn cải cách kinh tế và hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cộng tác với ban nghiên cứu chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải.