Viện ARIPT - đơn vị đầu tiên ở Việt Nam hướng tới nghiên cứu chuyên sâu các ứng dụng của công nghệ plasma lạnh - vừa được thành lập và sắp đi vào hoạt động.

Viện Nghiên cứu công nghệ Plasma (ARIPT) được chính thức thành lập vào ngày 22/4/2020 theo Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ số C-05/2020/ĐK-KH&CN do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cấp.

Sự ra đời của ARIPT đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một tổ chức khoa học công nghệ thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về các ứng dụng của công nghệ Plasma.

Plasma là trạng thái thứ 4 của vật chất (ngoài 3 thể thường gặp là rắn, lỏng và khí), trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Mặc dù không phổ biến trên trái đất, trên 99% vật chất thấy được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma. Theo tính chất nhiệt động lực học, có hai dạng là plasma nóng (thermal plasma) được tạo thành ở nhiệt độ, áp suất và năng lượng cao; và plasma lạnh (cold plasma) được tạo thành ở áp suất thường hoặc chân không, cần ít năng lượng hơn. Hiện nay, plasma lạnh đang được quan tâm vì nhiều ứng dụng gắn liền với đời sống của con người.

Công nghệ Plasma được đánh giá có khả năng vượt qua các giới hạn mà công nghệ khác khó đạt được. Chẳng hạn, vật lý plasma được dùng để làm ra các thiết bị chiếu sáng, chế tạo chip điện tử, công nghệ sơn... trong nhiều hãng nổi tiếng, bao gồm Samsung và Panasonic. Y học plasma cũng đã được sử dụng trong điều trị lâm sàng tại Đức để chữa các vết thương chậm liền, nhiễm khuẩn. Gần đây, plasma lạnh còn được ứng dụng trong việc bảo quản lưu trữ hạt giống hoặc xử lý trước khi gieo trồng, cải thiện tỷ lệ nảy mầm và thúc đẩy sự tăng trưởng của cây con.

Tại Việt Nam, công nghệ Plasma lạnh được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực y tế. Một số tổ chức KH&CN đã bắt đầu có những nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng công nghệ Plasma vào khoa học vật liệu và môi trường. Tuy nhiên nhìn chung, việc nghiên cứu trong nước vẫn chưa được phổ biến, một phần do nghiên cứu loại này đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nhiều thiết bị đắt tiền mà ít phòng thí nghiệm được trang bị.

Với mục tiêu mở rộng hơn nữa các nghiên cứu ứng dụng về công nghệ Plasma lạnh và đưa các nghiên cứu đó đến gần với cuộc sống hơn, Viện ARIPT đã được thành lập.

Đội ngũ lãnh đạo ARIPT gồm TS Nguyễn Thế Anh - Viện trưởng và TS Đỗ Hoàng Tùng - Phó viện trưởng phụ trách chuyên môn. Đây chính là hai nhà khoa học ghi dấu ấn nhờ việc đưa công nghệ plasma vào điều trị vết thương hở tại Việt Nam.

TS Đỗ Hoàng Tùng và TS Nguyễn Thế Anh bên chiếc máy PlasmaMed | Ảnh: PlasmaMED
TS Nguyễn Thế Anh (trái) và TS Đỗ Hoàng Tùng bên chiếc máy PlasmaMed | Ảnh: PlasmaMED

Máy phát tia plasma lạnh PlasmaMed - một sáng chế được hình thành và phát triển từ nhiều đề tài KH&CN, đề tài NAFOSTED - là nghiên cứu đầu tiên của hai nhà khoa học này được đưa ra thương mại hóa từ năm 2018 với hỗ trợ của các dự án IPP2 và dự án FIRST. Sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ (số 1-0014627-000).

Sau thử nghiệm thành công, PlasmaMed đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành sản phẩm trang thiết bị y tế, đồng thời được áp dụng điều trị tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương như: Việt - Đức, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương, Lão khoa, Nội tiết trung ương, Chợ Rẫy... và nhiều bệnh viện tuyến dưới. Kết quả đã chứng minh, đây là một hướng điều trị vết thương cho hiệu quả cao, giảm đáng kể chi phí điều trị (khoảng 30.000 đồng/phút chiếu Plasma, mỗi lần chiếu trung bình 2 phút và chiếu từ 4-6 lần để hết nhiễm trùng).

Trên nền kết quả ứng dụng này, các nhà nghiên cứu muốn đi sâu hơn về công nghệ Plasma cũng như huy động nguồn lực cho các nghiên cứu liên quan đến Plasma. Do đó họ quyết định thành lập một viện nghiên cứu độc lập cho lĩnh vực Plasma mang tên ARIPT. Mục tiêu hoạt động của ARIPT bao gồm: (i) thực hiện các hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý plasma và chất lỏng; và (ii) tư vấn và chuyển giao công nghệ.

Viện ARIPT được kì vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc nghiên cứu, khai thác công nghệ Plasma lạnh, từ đó tạo ra giá trị cho cộng đồng cũng như phát triển kinh tế - xã hội.