Nghiên cứu cho thấy khoảng thời gian ô nhiễm ánh sáng đỉnh điểm ở các quốc gia có nhiều Kitô hữu xảy ra vào dịp Giáng sinh; trong khi ở các quốc gia theo đạo Hồi và đạo Hindu, mức đỉnh hằng năm lần lượt trùng với tháng Ramadan và Diwali. Với Trung Quốc và Việt Nam, mức ô nhiễm ánh sáng đỉnh điểm trùng với thời điểm đón mừng năm mới theo lịch âm.
Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Biển (ICM-CSIC), Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Quốc gia (MNCN-CSIC) ở Tây Ban Nha đã phối hợp với các nhà nghiên cứu Úc và New Zealand để chỉ ra cách các lễ hội lớn của những cộng đồng khác nhau đã gây ra tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên quy mô toàn cầu như thế nào.
Lễ Giáng sinh của Kitô giáo; lễ Ramadan của người Hồi giáo; Tết Nguyên đán tại Việt Nam, Trung Quốc; và lễ Diwali của người theo đạo Hindu, gây ra cường độ ánh sáng vào ban đêm khác nhau tùy thuộc vào từng lễ. Nghiên cứu,
được công bố trên tạp chí
People and Nature, nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa mức độ ô nhiễm ánh sáng và hoạt động văn hóa trong xã hội của chúng ta, và tác động của nó đã vượt ra ngoài các khu vực đô thị.
Ô nhiễm ánh sáng xảy ra do tình trạng lạm dụng các loại hình ánh sáng nhân tạo, gây biến đổi cảnh quan ban đêm, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sống của các loài sinh vật trên Trái đất.
“Việc hiểu được hoạt động của con người ảnh hưởng đến ô nhiễm ánh sáng như thế nào, sẽ giúp chúng ta đánh giá được tác động của nó và thiết kế các biện pháp khả thi giúp giảm thiểu tình trạng này”, TS Francisco Ramírez thuộc ICM-CSIC
chia sẻ với tờ Phys về lý do ông chọn hướng nghiên cứu này. "Nhiều nghiên cứu trước đây đã so sánh mức độ phát triển kinh tế của các quốc gia với mô hình ô nhiễm ánh sáng của họ, từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan rằng những nước giàu nhất là những nước gây ô nhiễm nhiều nhất. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của một số hoạt động văn hóa xã hội nhất định đến tình trạng ô nhiễm ánh sáng trên quy mô toàn cầu."
Để làm được điều này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hình ảnh vệ tinh về cường độ ánh sáng từ năm 2014 đến năm 2019, từ đó thu được dữ liệu về loại hình ô nhiễm ánh sáng trên phạm vi toàn cầu. Phân tích tiếp theo xác nhận rằng khoảng thời gian ô nhiễm ánh sáng đỉnh điểm ở các quốc gia có nhiều Kitô hữu xảy ra vào dịp Giáng sinh; trong khi ở các quốc gia theo đạo Hồi và đạo Hindu, mức đỉnh hằng năm lần lượt trùng với tháng Ramadan và Diwali. Với Trung Quốc và Việt Nam, mức ô nhiễm ánh sáng đỉnh điểm trùng với thời điểm đón mừng năm mới.
Các lễ hội là dịp để mọi người tụ tập đi chơi và ăn uống, đặc biệt là vào ban đêm. Bên cạnh đó, đường phố cũng sẽ được trang trí rực rỡ với đủ loại đèn đầy màu sắc. Tuy nhiên, “việc sử dụng đèn vào ban đêm ảnh hưởng đến mô hình cường độ ánh sáng theo mùa, có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sống của nhiều loài khác nhau”, TS Marta, nhà nghiên cứu thuộc ICM-CSIC, giải thích. "Rất nhiều loài sinh vật bị thu hút bởi ánh sáng nhân tạo, điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng". Chẳng hạn,
các loài chim bị thu hút bởi những luồng sáng, chúng có thể lao vào một tòa tháp sáng hoặc tự bay vòng vòng trong ánh sáng đó cho đến khi rơi vì kiệt sức.
Một ví dụ khác là rùa biển. Rùa định hướng nhờ các tín hiệu thị giác, do đó khi nở ra từ vỏ trứng, chúng luôn tìm đến luồng sáng thấp nhất và mạnh nhất tại đường chân trời. Thông thường, đó chính là ánh phản chiếu của Mặt trăng lên các con sóng đại dương. Tuy nhiên ánh sáng nhân tạo - chẳng hạn tại các tuyến đường đi dạo bờ biển - sẽ khiến cho đại dương không còn là luồng sáng thấp nhất và mạnh nhất. Điều này khiến rùa mất định hướng, chúng sẽ khó quay lại đại dương và trở thành mồi ngon cho kẻ thù hoặc chết vì mất nước hay kiệt sức.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm ánh sáng có thể gây hậu quả tai hại đối với sức khỏe con người. Một số loại ánh sáng điện có thể gây rối loạn nhịp sinh học, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, căng thẳng, lo âu...
Chuyên gia về mối liên hệ giữa ô nhiễm ánh sáng và động vật hoang dã, TS Airam Rodríguez, chỉ ra rằng "mức độ ô nhiễm ánh sáng từ các lễ hội có thể lớn hơn, vì loại cảm biến được sử dụng để thu thập hình ảnh trong nghiên cứu không nhạy lắm với ánh sáng xanh. Trong khi chính ánh sáng xanh mới là loại ánh sáng gây hại nhất cho sức khỏe con người và hoạt động sống của động vật hoang dã." Các nguồn ánh sáng xanh nhân tạo bao gồm đèn huỳnh quang, TV LED, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.
Có thể nói, “công trình nghiên cứu này cung cấp cơ sở vững chắc để phát triển các biện pháp quản lý nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm ánh sáng”, TS Andre Chiaradia, chuyên gia của Công viên Tự nhiên Đảo Phillip ở Úc, nhận định. "Dữ liệu thu được cho thấy chúng ta cần phải theo dõi liên tục tình hình ô nhiễm ánh sáng này để hiểu tác động của nó đối với môi trường tự nhiên, cũng như có thể phát triển các chính sách toàn cầu nhằm điều chỉnh tình hình sử dụng ánh sáng nhân tạo sao cho phù hợp với thế giới tự nhiên."