Các nhà khoa học thuộc Đại học Rice, Houston, Mỹ vừa tạo ra được những phân tử có khả năng trở thành "tên lửa" diệt tế bào ung thư.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Theo các nhà khoa học, họ có thể kích hoạt phân tử hoạt động và xoay với tốc độ 3 triệu lần/giây bằng ánh sáng tia cực tím. Khi đó, tên lửa có khả năng xuyên thủng qua màng tế bào ung thư.

“Động cơ” của phân tử này là một chuỗi những nguyên tử có hình giống như mái chèo, di chuyển theo một hướng nhất định và có tác dụng giúp phân tử quay được với tốc độ cao.


Nếu không có ánh sáng tia cực tím kích hoạt, phân tử vẫn có thể nhắm tới mục tiêu là các tế bào ung thư nhưng lại chỉ lưu lại trên bề mặt của chúng mà không gây tổn hại tới những tế bào này. Khi được kích hoạt, phân tử sẽ xuyên qua màng tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.

Tiến sĩ James Tour - thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết: “Những cỗ máy nano này nhỏ tới mức chúng ta có thể xếp 50.000 chiếc trên đường kính một sợi tóc. Hơn nữa, trong cỗ máy đó có chứa những thành phần nhắm đích và kích hoạt, giúp chúng trở thành một phương tiện chữa trị hiệu quả”.

Ngoài việc có thể ứng dụng trong điều trị ung thư, theo các nhà nghiên cứu, những “cỗ máy nano” tí hon này có thể dùng để vận chuyển thuốc.

Một thí nghiệm được tiến hành ở Anh trên tế bào ung thư tuyến tiền liệt sống cho thấy cỗ máy nano này chỉ mất từ 1-3 phút để phá vỡ màng bọc bảo vệ tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.

Đồng tác giả công trình nghiên cứu trên, tiến sĩ Robert Pal, trường Đại học Durham, Anh cho rằng: “Khi đã phát triển, hướng nghiên cứu này có thể cung cấp một bước tiến trong việc điều trị ung thư không can thiệp và giúp nâng tỉ lệ sống sót của bệnh nhân cũng như cải thiện được đời sống cho bệnh nhân ung thư trên toàn cầu”.

Các nhà nghiên cứu sáng chế ra “cỗ máy nano” này đã từng tạo ra một vài loại phân tử khác, cũng được kích hoạt bằng ánh sáng, được cấy trong một số tế bào riêng biệt.