Các nhà khoa học thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản) và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản vừa tạo ra một trận động đất nhân tạo trên ngọn núi Zao (đông bắc Nhật Bản) để tìm kiếm dữ liệu về các dấu hiệu phun trào khi núi lửa hoạt động trở lại.

Núi Zao là một ngọn núi lửa phức tạp, cao 1.841m, nằm giữa hai tỉnh Yamagata và Miyagi. Tháng 3/2011, nó đã hoạt động trở lại với sự gia tăng của các vụ chấn động nhẹ, nhất là sau trận động đất cường độ 9,0 độ richter tại Nhật Bản.

Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất mà con người phải hứng chịu. Ảnh: CRS
Trận động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản năm 2011 là một trong những thảm họa khủng khiếp nhất mà con người phải hứng chịu. Ảnh: CRS

Nhóm nghiên cứu đã cho nổ khoảng 200kg thuốc nổ bên trong một hố sâu 40 mét, đào trên sườn núi. Nước được đổ vào bên trong hố sâu sẽ phun ra do áp lực của vụ nổ. Khoảng 150 địa chấn kế đặt trên núi sẽ ghi lại toàn bộ sóng địa chấn do vụ nổ nhân tạo gây ra.

Sóng địa chấn đi chậm hơn trong nước cho phép các nhà khoa học ước lượng khu vực chứa nước nóng và các mạch nước ngầm sâu khoảng 2 km dưới lòng đất.

Giáo sư Satoshi Miura thuộc Đại học Tohoku cho biết, hiện tượng núi lửa phun trào xảy ra khi mácma chạm vào bề mặt có chứa nước khiến nước bay hơi và dẫn đến một vụ nổ trong lòng núi lửa. Việc tìm ra vị trí dòng nước nóng là chìa khóa để dự đoán nơi vụ nổ hơi nước tiếp theo có thể xảy ra.

Trận động đất với cường độ 9,0 độ richter xảy ra vào ngày 11/3/2011 tại Nhật Bản đã làm rung chuyển khu vực đông bắc và tạo ra một cơn sóng thần khổng lồ. Phần xa xôi của thế giới như Nam Cực cũng chịu nhiều ảnh hưởng của trận động đất này và hai năm sau, các tảng băng vỡ từ trận sóng thần vẫn còn tiếp tục dạt vào bãi biển Bắc Mỹ.

Cuộc sống của người dân Nhật Bản tại nơi bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần vẫn đang phục hồi. Gần đây, các nhà khoa học phát hiện, nước bị nhiễm phóng xạ rò rỉ từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Ngày nay, nhiều lò phản ứng hạt nhân của nước này vẫn đóng cửa do các tiêu chuẩn an toàn địa chấn khắt khe hơn.

Chính phủ Nhật Bản ước tính, tổng thiệt hại từ trận động đất và sóng thần là 25 nghìn tỷ yên - tương đương với khoảng 300 tỷ USD.