Củ sâm Ngọc Linh 20 năm tuổi tại Măng Ri. Ảnh: XV
Tác dụng của sâm Ngọc Linh với sức khỏe đã được nhiều nghiên cứu khẳng định. Vấn đề hiện nay là nguồn cung hạn hẹp do sản lượng thấp khiến giá quá cao, trung bình 50-70 triệu đồng/kg sâm tươi 6 năm tuổi. Sự khan hiếm còn dẫn đến tình trạng xuất hiện rất nhiều mẫu sâm Ngọc Linh giả hoặc chất lượng kém trên thị trường.
Trong khi đó, sâm Hàn Quốc giá cả phải chăng (sâm củ tươi 6 năm tuổi giá khoảng 50-70USD/kg) do sản lượng lớn, lại được chế biến đa dạng như cao sâm, sâm lát, hồng sâm, trà sâm… nên giá trị gia tăng cao. Hiệu quả kinh tế kích thích người trồng và doanh nghiệp đầu tư vào sâm.
Với sâm Ngọc Linh, thách thức hiện nay là tăng sản lượng và đảm bảo chất lượng, để người thu nhập bình thường cũng có cơ hội tiếp cận. Nếu bắt nhịp nhanh và làm đúng thì từ khi phát hiện loài sâm quý đến nay, chúng ta đã có sản lượng khá. Nhưng trên thực tế, việc phát triển trồng trọt còn ở bước đầu nên trong 5-10 năm nữa, người Việt vẫn phải dùng sâm Ngọc Linh với giá cao.
Để tăng sản lượng, thay vì cấp nhiều vốn, Nhà nước cần tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp đầu tư. Khi thấy có lợi, họ sẽ đầu tư và có trách nhiệm với đồng vốn của họ. Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách, quỹ đất, tín dụng, kiến thức, giống và công nghệ trồng sâm - lĩnh vực mà nhà khoa học phải tham gia.
Hiện đã có khá nhiều nghiên cứu về sâm Ngọc Linh, nhưng việc áp dụng vào thực tế trồng trọt, kiểm nghiệm chưa được quan tâm đúng mức. Sâm chủ yếu được trồng theo truyền thống và kinh nghiệm.
Do đó, địa phương và doanh nghiệp cần tận dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật để tối ưu hóa việc trồng trọt và chế biến sâm, giảm chi phí đầu tư, tăng sản lượng, giúp sâm Ngọc Linh trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Về kiểm nghiệm chất lượng sâm Ngọc Linh, đề tài KC.10.25/11-15 đã mang lại một số giải pháp và đang dần được áp dụng vào thực tế.