Tái nhiễm virus corona đặt ra câu hỏi về khả năng miễn dịch lâu dài đối với Covid-19 và triển vọng của vaccine.

Một người đàn ông Hong Kong là người đầu tiên được thông báo bị nhiễm coronavirus lần thứ hai. Ảnh: Yan Tang / SOPA Images / Getty
Một người đàn ông Hong Kong là người đầu tiên được thông báo bị nhiễm coronavirus lần thứ hai. Ảnh: Yan Tang / SOPA Images / Getty

Khi một người đàn ông ở Hồng Kông bị tái nhiễm coronavirus chỉ sau vài tháng hồi phục, nhà miễn dịch học Akiko Iwasaki đã có một phản ứng rất lạ. “Tôi thực sự rất vui,” cô nói. “Đó là một ví dụ kinh điển viết trong sách giáo khoa về cách mà phản ứng miễn dịch hoạt động.”

Đối với Iwasaki, đang nghiên cứu các phản ứng miễn dịch với SARS-CoV-2 tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, điều này cho thấy rằng hệ thống miễn dịch của người đàn ông có thể đã “nhớ lại” lần chạm trán trước đó với virus và bắt đầu hành động nhanh hơn, chống lại sự lây nhiễm lần sau tốt hơn, trước khi virus có thể gây ra nhiều thiệt hại cho cơ thể.

Nhưng chưa đầy một tuần sau, tâm trạng của cô thay đổi. Các nhân viên y tế cộng đồng ở Nevada đã báo cáo một ca tái nhiễm khác - lần này với các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Có thể nào hệ thống miễn dịch không những không bảo vệ được virus mà còn khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn?

Tình trạng mâu thuẫn như thế rất phổ biến trong bối cảnh còn nhiều điều chưa biết về đại dịch Covid-19, và Iwasaki biết rằng cô không thể đưa ra kết luận chắc chắn về phản ứng miễn dịch lâu dài với SARS-CoV-2 chỉ dựa vào một số trường hợp nhất định. Nhưng trong thời gian tới, Iwasaki cùng những người khác hy vọng sẽ nắm bắt thêm nhiều ca tái nhiễm, và kịp thời đưa ra một bức tranh về việc liệu thế giới có thể trông mong vào hệ thống miễn dịch để chống lại đại dịch này hay không.

Khi dữ liệu vẫn còn nhỏ giọt, tạp chí Nature điểm qua các câu hỏi chính mà các nhà nghiên cứu đang cố gắng trả lời về vấn đề tái nhiễm virus và hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Tái nhiễm phổ biến không?

Các báo cáo về khả năng tái nhiễm corona đã được đưa ra trong nhiều tháng. Ban đầu có dự đoán rằng các ca tái nhiễm đơn thuần là việc nối tiếp lần nhiễm đầu tiên, nhưng những phát hiện gần đây đã loại trừ khả năng này.

Để xác định đó là những lần nhiễm virus riêng biệt khác nhau, cả hai nhóm các nhà khoa học ở Hồng Kông và Nevada đều tự giải trình tự bộ gen của virus từ lần nhiễm thứ nhất và thứ hai. Cả hai đã tìm thấy đủ sự khác biệt trong bộ gen để thấy rằng các biến thể riêng biệt của virus đã dẫn tới việc tái nhiễm.

Tuy nhiên, chỉ với vài ca ít ỏi thì vẫn chưa rõ tần suất tái nhiễm virus xảy ra. Với 26 triệu ca nhiễm coronavirus được biết đến trên toàn thế giới cho đến nay, một số ca tái nhiễm có thể không phải là điều đáng lo ngại - nhà virus học Thomas Geisbert thuộc Chi nhánh Y tế Đại học Texas ở Galveston cho biết. “Chúng tôi cần thêm nhiều thông tin về mức độ phổ biến của điều này”, ông nói.

Thông tin đó có thể đang đến gần: thời gian và nguồn lực đang hội tụ để có thể xác định thêm các trường hợp tái nhiễm. Đã đủ thời gian trôi qua kể từ khi những làn sóng lây nhiễm ban đầu ở nhiều quốc gia kết thúc. Một số khu vực đang trải qua các đợt bùng phát mới, làm mọi người tăng khả năng tái tiếp xúc với virus. Xét nghiệm cũng trở nên nhanh hơn và khả dụng hơn. Ví dụ, lần lây nhiễm thứ hai của người đàn ông Hồng Kông xảy ra sau khi anh ta đi du lịch đến Tây Ban Nha và được kiểm tra SARS-CoV-2 tại sân bay khi trở về Hồng Kông.

Mặt khác, Mark Pandori, Giám đốc Phòng thí nghiệm Y tế Cộng đồng bang Nevada ở Reno, và là điều tra viên của nghiên cứu Nevada cho biết, các nhà khoa học trong các phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng đang bắt đầu có thời gian cho việc theo dõi tái nhiễm virus. Điều đó, sẽ giúp việc tìm kiếm và xác minh tái nhiễm dễ dàng hơn trong tương lai gần.

Mức độ nghiêm trọng của tái nhiễm virus?

Virus SARS-CoV-2 trên tế bào chụp bằng kính hiển vi điện tử. Ảnh: NIAID / NIH / SPL
Virus SARS-CoV-2 trên tế bào chụp bằng kính hiển vi điện tử. Ảnh: NIAID / NIH / SPL

Nhà virus học Jonathan Stoye, ở Viện Francis Crick, London lưu ý rằng mức độ nghiêm trọng của Covid-19 ở mỗi người rất khác nhau, và nó có thể thay đổi từ nhiễm trùng (loại) này sang nhiễm trùng khác ở trên cùng một người. Các sự thay đổi như liều lượng virus ban đầu, sự khác biệt có thể có giữa các biến thể của SARS-CoV-2 và những thay đổi trong sức khỏe tổng thể của một người đều có thể ảnh hưởng đến mức độ nghiêm trọng của lần tái nhiễm. Ông nói: Có rất nhiều điều chưa biết trước đó về tái nhiễm virus corona.

Việc xác định liệu “khả năng ghi nhớ” của hệ thống miễn dịch có ảnh hưởng đến các triệu chứng trong lần nhiễm trùng thứ hai hay không là rất quan trọng, đặc biệt là đối với việc phát triển vaccine. Nếu các triệu chứng giảm trong lần nhiễm virus thứ hai, như ở người đàn ông Hồng Kông, điều đó cho thấy hệ thống miễn dịch đang đáp ứng như bình thường.

Nhưng nếu các triệu chứng liên tục tồi tệ hơn trong đợt tái nhiễm Covid-19, giống như ở người ở Nevada, hệ thống miễn dịch có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn nữa, nhà miễn dịch học Gabrielle Belz tại Đại học Queensland và Viện Walter và Eliza Hall cho biết. Ví dụ, một số trường hợp Covid-19 nghiêm trọng đã trở nên tồi tệ hơn do các phản ứng miễn dịch kém hiệu quả làm tổn thương mô khỏe mạnh. Belz cho biết, những người đã trải qua điều này trong lần nhiễm trùng đầu tiên có thể có các tế bào miễn dịch “nhớ”, có sẵn để đáp ứng lại lần thứ hai một cách hiệu quả hơn.

Một khả năng khác là các kháng thể được tạo ra đáp ứng như sự trợ giúp cho SARS-CoV-2, chứ không phải chống lại virus trong lần lây nhiễm thứ hai. Hiện tượng này được gọi là tăng cường phụ thuộc vào kháng thể, rất hiếm - nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những dấu hiệu đáng lo ngại của nó khi đang cố gắng phát triển vaccine chống lại coronavirus liên quan, gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng và hội chứng hô hấp Trung Đông.

Tái nhiễm virus ảnh hưởng đến triển vọng phát triển vaccine?

Theo Richard Malley, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi tại Bệnh viện Nhi Boston ở Massachusetts, trong lịch sử, loại vaccine dễ chế tạo nhất là vaccine chống lại các bệnh mà nhiễm trùng sơ cấp có thể dẫn đến khả năng miễn dịch lâu dài, ví dụ như bệnh sởi và rubella.

Nhưng tái nhiễm không có nghĩa là vaccine chống SARS-CoV-2 không thể có hiệu quả, ông nói thêm. Một số vaccine yêu cầu các mũi tiêm nhắc lại để duy trì thời gian bảo vệ. “Không nên để mọi người sợ hãi,” Malley nói. “Không nên ngụ ý rằng một loại vaccine sẽ không được phát triển hoặc khả năng miễn dịch tự nhiên đối với loại virus này không thể xảy ra”.

Poovorawan cho biết việc tìm hiểu thêm về tái nhiễm có thể giúp các nhà nghiên cứu phát triển vaccine bằng cách khai thác những phản ứng miễn dịch nào là quan trọng để duy trì khả năng miễn dịch. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể thấy rằng mọi người trở nên dễ bị tái nhiễm sau khi kháng thể giảm xuống dưới một mức nhất định. Sau đó, họ có thể thiết kế các chiến lược tiêm chủng của mình để giải quyết vấn đề đó - có thể bằng cách sử dụng một mũi tiêm nhắc lại để duy trì mức kháng thể, Poovorawan nói.

Nguồn: Nature 585 , 168-169 (2020)

doi: https://doi.org/10.1038/d41586-020-02506-y