Các nhà nghiên cứu đang ra sức tìm hiểu thêm mối liên hệ giữa đa dạng sinh học với những loại bệnh tật đang xuất hiện, từ đó dự đoán và ngăn chặn những đợt bùng phát trong tương lai.

Các nhà khoa học tin rằng, kiểm soát được nạn phá rừng sẽ làm giảm nguy cơ hứng chịu các đại dịch mới trong tương lai.
Các nhà khoa học tin rằng, kiểm soát được nạn phá rừng sẽ làm giảm nguy cơ hứng chịu các đại dịch mới trong tương lai.

Kate Jones, người làm mô sinh hóa sinh thái học tại trường Đại học London (University College London), là một trong số nhiều người làm nghiên cứu từ lâu đã đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa đa dạng sinh học, việc sử dụng đất của con người, và những loại bệnh truyền nhiễm đang xuất hiện. Công việc của họ từ trước đến nay hầu như không được lưu tâm. Nhưng hiện nay, khi thế giới đang quay cuồng với đại dịch Covid-19 thì người ta đang đổ dồn mọi chú ý đến những nỗ lực lập bản đồ nguy cơ trong các quần xã trên khắp thế giới để dự báo nơi bệnh dịch có khả năng xuất hiện cao.

Tuần đầu tháng tám vừa qua, Diễn đàn chính sách khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và công tác sinh thái (IBPES) tổ chức hội thảo trực tuyến về mối liên hệ giữa việc suy giảm đa dạng sinh học và các loại bệnh tật mới xuất hiện. Mục tiêu của tổ chức này hiện nay là đánh giá chuyên môn cơ sở khoa học của mối liên hệ này trước Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc dự định sẽ diễn ra vào tháng chín ở New York (Mỹ).

Hiện nay hầu hết các nỗ lực phòng chống lây lan dịch bệnh thường tập trung vào phát triển vaccine, chẩn đoán và khoanh vùng sớm. Nhưng theo lời Peter Daszak, nhà động vật học thuộc tổ chức phi chính phủ Liên minh sức khỏe sinh thái (EcoHealth Alliance) ở New York – cũng là người chủ trì hội thảo của IPBES, thì làm thế cũng như chữa triệu chứng mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ. Ông nói rằng Covid-19 đã giúp làm rõ nhu cầu phải khảo sát vai trò của đa dạng sinh học trong việc phát tán mầm bệnh.

Daszak cho rằng công bố mới nhất của nhóm Kate Jones củng cố những lời kêu gọi phải hành động: “Chúng ta đang tìm kiếm những cách thức để chuyển biến hành vi nhằm trực tiếp làm lợi cho đa dạng sinh học và làm giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe”.

Nguy cơ tập trung

Một câu hỏi then chốt được đặt ra trong 10 năm qua là việc suy giảm đa dạng sinh học vốn luôn đi kèm với việc bành trướng hoạt động của con người ở những vùng thôn dã có làm tăng nguồn mầm bệnh có thể nhảy từ động vật sang người hay không. Nghiên cứu của Kate Jones và những người khác cho thấy rằng câu trả lời trong nhiều trường hợp là có. Đó là do suy giảm đa dạng sinh học thường dẫn đến việc một số ít loài thay thế nhiều loài khác – và những loài này có xu hướng là những vật chủ có chứa mầm bệnh có thể lây sang cho người.

Chợ bán thịt thú rừng ở Bali (Indonesia)được xem là những điểm nóng phát tán bệnh dịch, Ảnh: Amilia Roso/The Sydney Morning Herald/Getty).
Chợ bán thịt thú rừng ở Bali (Indonesia) được xem là những điểm nóng phát tán bệnh dịch, Ảnh: Amilia Roso/The Sydney Morning Herald/Getty).

Trong phân tích mới nhất, Jones và nhóm của bà đã tập hợp hơn 3,2 triệu bản ghi chép dữ liệu từ mấy trăm nghiên cứu sinh thái ở nhiều địa điểm trên toàn thế giới, từ những khu rừng nguyên sinh cho đến đất trồng trọt và các thành phố. Họ tìm ra rằng những loài được biết là có mang mầm bệnh lây được sang cho người – trong đó có 143 loài thú hữu nhũ như dơi, các loài gặm nhấm và linh trưởng – có số lượng quần thể tăng lên khi môi trường biến đổi từ tự nhiên sang đô thị, trong khi đó mức độ đang dạng sinh học nhìn chung là giảm.

Tiếp đó, nhóm của Jones khảo sát khả năng truyền bệnh sang quần thể người. Họ đã thực hiện một đánh giá tương tự trong các đợt bùng phát virus Ebola ở châu Phi, thiết lập các bản đồ nguy cơ dựa trên xu hướng phát triển, sự hiện diện của các loài có khả năng là vật chủ, và các yếu tố kinh tế xã hội – các bản đồ này tính được tốc độ một virus có thể lây lan một khi nó đã xâm nhập vào quần thể người. Bản đồ nguy cơ của họ đã bắt kịp chính xác những đợt bùng phát ở Cộng hòa dân chủ Congo trong mấy năm qua, cho thấy chúng ta có khả năng hiểu và dự đoán được nguy cơ trên cơ sở mối liên hệ giữa việc sử dụng đất với những yếu tố như sinh thái, khí hậu, và đa dạng sinh học.

Một số nhà nghiên cứu thúc giục mọi người cần thận trọng khi đề cập đến các điểm nóng về đa dạng sinh học mà dịch bệnh có khả năng bùng phát. Dan Nepstad, nhà sinh thái học nhiệt đới và là sáng lập viên của Viện đổi mới Trái đất ở San Francisco, bang California (Mỹ) – một tổ chức phi lợi nhuận vận động cho phát triển bền vững, nói rằng “Thẳng thắn mà nói thì tôi lo người ta sẽ đốn hạ rừng đi nếu họ nghĩ rằng đó là nơi đợt bùng phát kế tiếp sẽ xuất hiện”. Ông nói thêm rằng các biện pháp gìn giữ đa dạng sinh học sẽ chỉ có tác dụng nếu chúng cũng giải quyết các yếu tố kinh tế, văn hóa dẫn đến việc phá rừng và việc người dân nghèo ở nông thôn phải sống phụ thuộc vào săn bắn, buôn bán động vật hoang dã.

Ibrahim Socé Fall, nhà dịch tễ học và là trưởng bộ phận phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới ở Genève (Thụy Sĩ), đồng ý rằng hiểu biết về sinh thái học cũng như các xu hướng xã hội và kinh tế của những địa điểm tuyến đầu thôn dã này sẽ có vai trò then chốt trong việc dự đoán nguy cơ bùng phát bệnh dịch trong tương lai. Ông nói “Phát triển bền vững là then chốt. Nếu chúng ta cứ tiếp tục phá rừng, khai khoáng vô tổ chức và phát triển vô kế hoạch ở mức độ hiện nay thì chúng sẽ có thêm nhiều đợt bùng phát nữa.”

Các nỗ lực điều phối

Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, nhiều nhà khoa học và chuyên gia bảo tồn đã nhấn mạnh việc phải ngăn chặn buôn bán sinh vật hoang dã. Những hoạt động buôn bán này có giá trị tới 20 tỷ USD một năm chỉ tính riêng ở Trung Quốc, nơi xảy ra những đợt lây nhiễm virus corona đầu tiên. Trung Quốc đã tạm thời ngưng những hoạt động buôn bán như thế nhưng Peter Daszak nói rằng nghề này chỉ là một mảnh trong bức tranh ghép gồm nhiều mảnh khác như săn bắn, chăn nuôi, sử dụng đất, và sinh thái.


Ước tính đầu tư cho việc hạn chế phá rừng và buôn bán sinh vật hoang dã, cũng như cho việc theo dõi, ngăn chặn, và kiểm soát các đợt bùng phát virus mới từ sinh vật hoang dã và chăn nuôi khoảng 22 đến 33 tỷ USD hằng năm, nhỏ hơn hàng trăm lần so với con số 5.600 tỷ USD thiệt hại mà các tác giả ước tính đại dịch Covid-19 gây ra.


Daszak nói thêm rằng “Các nhà sinh thái học phải làm việc với những người nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, những cán bộ y bác sĩ y tế công cộng để theo dõi thay đổi môi trường, đánh giá nguy cơ mầm bệnh nhiễm chéo và giảm các hoạt động có nguy cơ cao của con người”.

Daszak là một đồng tác giả trong bài viết trên Science tháng bảy vừa qua. Trong bài viết, họ lập luận rằng các chính quyền có thể làm giảm đáng kể nguy cơ những đại dịch như Covid-19 trong tương lai bằng cách đầu tư cho việc hạn chế phá rừng và buôn bán sinh vật hoang dã, cũng như cho việc theo dõi, ngăn chặn, và kiểm soát các đợt bùng phát virus mới từ sinh vật hoang dã và chăn nuôi. Các tác giả ước tính, phí tổn cho những việc trên sẽ trong khoảng 22 đến 33 tỷ USD hằng năm, trong đó có 19,4 tỷ USD dành để chấm dứt việc buôn bán thịt thú rừng ở Trung Quốc – một bước mà không phải chuyên gia nào cũng cho rằng cần thiết, và 9,6 tỷ USD để giúp ngăn chặn phá rừng nhiệt đới. Tổng số tiền phải đầu tư vẫn nhỏ hơn hàng trăm lần so với con số 5.600 tỷ USD thiệt hại mà các tác giả ước tính đại dịch Covid-19 gây ra.

Ibrahim Socé Fall nói, vấn đề mấu chốt là phải liên kết nỗ lực của các chính quyền cùng các tổ chức quốc tế tập trung vào y tế công cộng, sức khỏe động vật, môi trường, và phát triển bền vững. Đợt bùng phát Ebola gần đây nhất ở Cộng hòa dân chủ Congo – bắt đầu năm 2018 và vừa kết thúc tháng sáu vừa qua – có nguồn gốc không chỉ từ bệnh tật mà còn từ nạn phá rừng, khai khoáng, bất ổn chính trị và sự dịch chuyển của con người. Fall nói mục tiêu của các giải pháp phải là tập trung các nguồn lực vào những khu vực có nguy cơ cao nhất và quản lý được sự tương tác giữa con người với động vật, cả hoang dã lẫn trong chăn nuôi. Ông nói thêm, bằng hợp tác đúng đắn giữa các cơ quan y tế, sức khỏe động vật và môi trường, “ta sẽ có được một số cơ chế cảnh báo sớm”.

Nguồn bài và ảnh: Jeff Tollefson. “Why deforestation and extinctions make pandemics more likely”. Nature (2020). DOI: 10.1038/d41586-020-02341-1