Theo một nghiên cứu mới do UNESCO tài trợ, sụt lún đất - hay sự lún xuống của địa hình mặt đất theo thời gian - có thể ảnh hưởng đến 19% dân số thế giới vào năm 2040.

Sụt lún đất là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập lụt tại cảng Kali Adem, phía bắc Jakarta, Indonesia. Ảnh:Reuters

Nếu không tiến hành các giải pháp kịp thời, hoạt động của con người, kết hợp với hiện tượng hạn hán và mực nước biển dâng ngày càng trầm trọng do tác động của nóng lên toàn cầu, sẽ khiến nhiều thành phố trên thế giới đứng trước nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng.

Jakarta đã sụt xuống hơn 2,5m trong thập kỷ vừa qua, khiến chính phủ nước này phải tuyên bố di dời thủ đô sang đảo Borneo.

Sụt lún cũng là nguyên nhân khiến 25% diện tích Hà Lan nằm dưới mực nước biển.

Các vùng đồng bằng ven biển, cũng như các trung tâm đô thị và nông nghiệp ở vùng khí hậu khô hạn, là những nơi có nguy cơ cao nhất. Ông Gerardo Herrera-García, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án trên và thành viên trực thuộc Viện Địa chất và Khai thác Tây Ban Nha, cho biết: “Những khu vực đông dân cư hoặc có khí hậu khô hạn kéo dài thường lấy nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Khi nước được hút lên từ dưới lòng đất, lượng nước tự nhiên trữ trong các tầng ngậm nước sẽ ít hơn lượng nước ngầm được bơm lên.”

Khai thác nước ngầm khiến bề mặt đất bị lún sụt. Nhưng rất có thể, việc thiếu các quy định về bảo vệ nước ngầm và tỉ lệ gia tăng dân số khủng khiếp mới là những yếu tố góp phần đẩy nhanh tốc độ lún.

Trong khi dân số Iran đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 50 năm trở lại đây, quốc gia này vẫn không có động thái ngăn chặn tình trạng khai thác nước ngầm bừa bãi. Tốc độ lún sụt của các đô thị tại Iran hiện thuộc mức cao nhất thế giới, lên tới 25cm mỗi năm.

Vấn đề toàn cầu

Sụt lún đất đã được ghi nhận từ thế kỷ 20, song tại thời điểm đó, người ta chỉ coi nó là một vấn đề trong phạm vi địa phương.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tham gia dự án mới của UNESCO nhằm củng cố những nghiên cứu sẵn có. Họ đã xây dựng một mô hình có thể được áp dụng rộng rãi để dự đoán các khu vực có nguy cơ sụt lún cao.

Kết quả cho thấy, sụt lún đất là một vấn đề toàn cầu, liên quan đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và các thực hành nông nghiệp không bền vững. “Hoạt động nông nghiệp đang khiến các tầng ngậm nước lớn nhất trên thế giới dần cạn kiệt,” Herrera-García cho hay.

Theo Herrera-García, nước ngầm tại Mỹ, Mexico, Trung Quốc và Ấn Độ đang bị rút cạn nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm toàn cầu. Tình trạng sụt lún tiếp diễn tại các khu vực này sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư trên thế giới. Nhà nghiên cứu này cho biết, hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu có thể sẽ thay đổi theo hướng bền vững hơn, nhưng dù thế, chúng ta vẫn cần giải quyết sớm vấn đề sụt lún.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng dự đoán hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ gây nên các đợt hạn hán kéo dài, đẩy nhanh tốc độ sụt lún khi nguồn nước ngầm được khai thác nhiều hơn. Trong khi đó, mực nước biển họ được dự báo sẽ dâng cao đến 1m trong thế kỷ tới. Điều này có nghĩa sẽ có nhiều thành phố ven biển khác gặp phải tình trạng tương tự Jakarta.

Tuy nhiên, theo Herrera-García, mặc dù sụt lún đất đang là mối đe dọa khẩn cấp đối với môi trường, vấn đề này có thể được khắc phục dễ dàng hơn nhiều so với biến đổi khí hậu. Các công nghệ như vệ tinh và radar có thể nhanh chóng xác định các vùng bị sụt lún, và chính quyền địa phương có thể sử dụng “các chính sách và công cụ đơn giản” để ứng phó với vấn đề một cách hiệu quả.

“Tokyo từng phải đối mặt với vấn đề sụt lún nghiêm trọng vào nửa đầu thế kỷ 20. Họ triển khai các quy định bảo vệ nước ngầm, và thế là vấn đề được giải quyết.”

Các giải pháp ngăn chặn sụt lún khác bao gồm tìm các nguồn nước thay thế, thực hành nông nghiệp hiệu quả để giảm thiểu lượng nước sử dụng, và bơm nước trở lại nhằm phục hồi các tầng ngậm nước.

“Có thể áp dụng các giải pháp này cho cả tầng ngậm nước lớn và nhỏ ở bất cứ đâu,” theo Herrera-García. “Tôi nghĩ chúng ta vừa kịp lúc. Các giải pháp đã sẵn sàng, và giờ là lúc để thực hiện chúng.”

Nguồn: