Ý tưởng sáng tạo và góc nhìn mới của các startup có thể giúp các tập đoàn kinh tế giải những bài toán của mình. Sự kết hợp này có thể tận dụng được thế mạnh còn chưa thành hình của các startup cũng như thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Trong webinar Khởi nghiệp thời Covid do Viettel tổ chức hồi tháng 7/2021, nhân dịp tập đoàn này đang triển khai chương trình tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Vietsolution, ông Lê Bá Tân – Phó Tổng Giám đốc của Viettel Network, nhấn mạnh vào tiềm năng tăng trưởng rất lớn của một startup nếu tham gia vào hệ sinh thái của tập đoàn này. “Viettel có 50 triệu khách hàng, tức là nếu sản phẩm của các bạn làm lợi được một USD thì doanh thu có thể là 50 triệu USD” – ông Lê Bá Tân nói. Tuy nhiên, không phải startup nào cũng làm được điều đó bởi mối hợp tác này chỉ thành công khi startup đủ lực, ý tưởng của họ phải độc đáo, khác biệt và sản phẩm của họ, nếu có, phải hứa hẹn mang lại giá trị cao và được chăm chút theo nhiều góc độ mới mong có thể chinh phục thị trường.
Trải nghiệm triển lãm ảo bằng công nghệ 3D tại TECHFEST Hải Phòng 2021.
Không phải ngẫu nhiên mà một ông lớn như Viettel đặt ra bài toán như vậy và sớm mở ra một cuộc thi như VietSolution. Từ lâu, nhà mạng này đã nhận ra doanh thu từ các dịch vụ viễn thông truyền thống đang suy giảm theo thời gian, trong khi họ vẫn phải cung cấp một lượng dữ liệu lớn hơn cho khách hàng nhưng lợi nhuận không tăng thêm. Vì thế, Viettel đã sớm có chiến lược và tách ra một mảng riêng để tham gia vào thị trường nóng của startup nhằm tìm kiếm cơ hội. Ông Lê Bá Tân bày tỏ: “Nếu như các dịch vụ viễn thông truyền thống giờ chỉ có thể tăng trưởng dưới 2 con số thì các startup luôn có cơ hội tăng trưởng ở mức 3 con số, thậm chí là 4”.
Vì lẽ đó, vị lãnh đạo của Viettel Network đã không ngần ngại nói rằng: “Bất kỳ công ty công nghệ nào muốn triển khai thử nghiệm dịch vụ hãy đến gặp chúng tôi. Nếu ý tưởng khả thi, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Nếu họ cần có 5G để triển khai thử nghiệm ở một khu công nghiệp, tôi cam đoan một tuần là có. Nếu họ muốn ngày mai có sóng IoT ở một khu công nghiệp ở Bắc Ninh, chỉ cần một cuộc điện thoại – ông Tân nói.
Ông lớn mở cơ hội cho các startup
Sự quả quyết của ông Lê Bá Tân cho thấy sức nóng của thị trường khởi nghiệp và cả sức mạnh của các ông lớn khi tham gia vào thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.Với hệ sinh thái và tiềm lực, các tập đoàn dường như “trải chiếu hoa” cho những ý tưởng có thể mang lại sức tăng trưởng lớn.
Mặt khác, việc tiến hành những sân chơi tạo cơ hội cho cả hai bên, các tập đoàn công nghệ lớn và các startup có lợi cho cả đôi bên. Xét cho cùng, công nghệ đột phá, những ý tưởng mô hình kinh doanh chưa từng có từ những startup là điều mà các tập đoàn đang khao khát tìm kiếm. Trong khi đó, các startup chập chững bước chân vào thị trường kinh doanh, thiếu rất nhiều điều kiện cơ bản nên rất cần nương vào hệ sinh thái của các tập đoàn lớn để có thể phát triển nhanh hơn.
Theo định hướng này, các tập đoàn có trong tay thương hiệu, uy tín, mạng lưới chuyên gia, cố vấn, vốn đầu tư… sẽ tham gia như một cấu phần quan trọng của vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở. Theo bà Nguyễn Phi Vân- Chủ tịch mạng lưới đầu tư thiên thần Việt Nam (VAN), đây sẽ là câu chuyện hai chiều, nghĩa là mang lại lợi ích cho cản tập đoàn lẫn các startup. Nếu như startup có thể phát triển nhanh hơn nhờ hệ sinh thái của tập đoàn thì các tập đoàn lớn cũng cần sự đổi mới sáng tạo của startup để phát triển bền vững trong tương lai số. “Bản thân tập đoàn cần phải tiến hóa và trở thành một phần của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Điều này tập đoàn nào cũng ý thức được nhưng họ sẽ chọn cách làm an toàn nhất, là đổi mới sáng tạo từ bên trong, tức là sử dụng dụng nguồn lực nội bộ để đổi mới”, bà nói.
Tuy nhiên bà cũng lưu ý một vế khác quan trọng không kém là các tập đoàn chỉ mở cửa đón lõng những ý tưởng giải pháp mới khi có khả năng hòa nhập được với hệ sinh thái của tập đoàn. “Tuy cách làm này hứa hẹn tạo ra nhiều đột phá nhất nhưng không phải tập đoàn nào cũng đủ lực hút từ bên trong để việc này xảy ra. Điều đó chỉ xảy ra khi người lãnh đạo tập đoàn phải có đầu óc hiểu biết về công nghệ mới có thể hỗ trợ cho nhân sự bên dưới tạo ra chương trình mới, đột phá” – bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ.
Đây cũng là điều mà những người quan tâm đến khởi nghiệp nghĩ đến. Trong lễ phát động chuỗi sự kiện TECHFEST 2021, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đã nói, năm nay TECHFEST muốn tận dụng hệ sinh thái của các tập đoàn, tạo điều kiện cho startup phát triển. Trao đổi với Khoa học và Phát triển, ông Phạm Hồng Quất nói thêm: “Đây là quan điểm của nhiều nước trên thế giới và đã triển khai thành công ở Singapore,Hàn Quốc, Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đang tìm cách kết nối hệ sinh thái của quốc gia với các tập đoàn”.
Vẫn cần sự hỗ trợ bằng chính sách
Để mối lương duyên này được thúc đẩy, theo các chuyên gia, chính phủ có vai trò như “bà mối” tạo nên những cuộc kết nối giống như cách mà TECHFEST đang làm.
Cụ thể, tại TECHFEST hai bên có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, Chính phủ tạo ra các hội thảo, mở cuộc thi và trở thành đầu mối để các tập đoàn chia sẻ các bài toán cần giải quyết tới cộng đồng startup và tìm kiếm giải pháp họ cần.
Trong khi đó, chính sách mà các tập đoàn cần là hỗ trợ về kiến thức, cách vận hành một mô hình khởi nghiệp sáng tạo chứ không phải ưu đãi về kinh tế. Bởi không phải doanh nghiệp lớn nào cũng biết cách làm việc với startup, vườn ươm hoạt động... Đây là cái Chính phủ có thể giúp đỡ, tức là chia sẻ kiến thức để họ biết cách xây dựng nền tảng cần thiết cho một mô hình mới.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất nêu ra một ví dụ về mô hình tương tự ở Singapore. Cụ thể quốc gia này đưa sáng kiến xây dựng một mạng lưới đổi mới sáng tạo mở gồm các chuyên gia, kỹ sư, cố vấn đầu ngành trong các lĩnh vực đến từ các viện, trường, doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan của chính phủ, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp khởi nghiệp… Chính phủ là đơn vị tổ chức các cuộc thi, hội thảo và chia sẻ về bài toán mà tập đoàn, doanh nghiệp cần giải quyết cho startup. Từ đây, dưới sự cố vấn của các chuyên gia công nghệ là thầy cô đến từ các viện, trường, phòng thí nghiệm… startup sẽ tìm kiếm lời giải tốt nhất.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có thể là người dùng đầu tiên cho các sản phẩm mới, đưa ra các quy trình thử nghiệm, công nhận tiêu chuẩn giúp cho sản phẩm sớm có mặt trên thị trường. Với cách làm như vậy, Singapore đã thành công trong việc thúc đẩy các sản phẩm công nghệ ra đời với sự liên kết, hỗ trợ và tận dụng hệ sinh thái của tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Năm nay, phát triển mở nền tảng đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các tập đoàn sẽ là một chủ đề trong diễn đàn đối thoại cấp cao của TECHFEST 2021 diễn ra trong tháng 12. Cùng với đó là các hội nghị về mạng lưới, phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở, chương trình đồng hành kết nối các hệ sinh thái, đưa ra các cuộc thi, sáng kiến.. Nếu làm tốt, Việt Nam có thể hội nhập với Singapore và các nước ASEAN để mở rộng thị trường đổi mới sáng tạo.
Nếu như năm năm trước, khi mới bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải ưu tiên làm trước như nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, khoá đào tạo huấn luyện…để năng lực trình độ của startup và người dẫn dắt vườn ươm nâng lên một tầm nhất định. Ở thời điểm này, khi hệ sinh thái đã phát triển ở một mức nhất định mới có thể kết nối với hệ sinh thái của tập đoàn. Thực tế chỉ khi trình độ, năng lực của hai bên tiệm cận với trình độ phát triển của nhau thì sự kết hợp mới mang lại hiệu quả.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ |