Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, bảo vệ bản quyền của các loại sách điện tử (ebook), sách nói (audio book),... vẫn là bài toán khó mà các tác giả cũng như các nhà xuất bản hiện nay vẫn đang loay hoay tìm lời giải.
Mảnh đất không dễ khai phá
Khi thấy ebook của cuốn sách “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” của mình được phát hành trên nền tảng Waka, tác giả Nguyễn Quốc Vương không khỏi bất ngờ vì từ trước đến nay, anh chưa từng làm việc với đơn vị này. Trên thực tế, Waka đã mua bản quyền phát hành ebook cuốn sách này từ Công ty zGroup - đơn vị đã nhận chuyển nhượng quyền khai thác tác phẩm từ tác giả Nguyễn Quốc Vương trong vòng ba năm (2016-2019), trong đó cho phép zGroup làm ebook với điều kiện phải thông báo, báo cáo doanh thu và chia lợi nhuận cho tác giả. Tuy nhiên, zGroup đã không làm đúng điều khoản này.
Ebook có bản quyền thu hút sự chú ý của người tham gia các hội sách.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Vụ việc trên khiến không ít người thấy lung lay niềm tin về việc phát triển ebook có bản quyền ở Việt Nam. Bởi việc lựa chọn và duy trì con đường này không phải là điều dễ dàng. “Khi biết tôi muốn làm về ebook bản quyền, nhiều người khuyên rằng không nên, họ từng làm rồi cũng bỏ, vì không cạnh tranh được với ebook lậu”, anh Nguyễn Đắc Thân ở Công ty CP Sách và giáo dục Athena chuyên phát hành ebook bản quyền, chia sẻ trên kênh youtube cá nhân.
Dù vậy, đây là điều tất yếu cần làm trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, ebook, audio book,... cũng như các ấn phẩm dưới dạng số hóa ngày càng được nhiều người đón đọc nhờ sự tiện lợi. Chỉ cần một chiếc điện thoại, máy tính hoặc máy đọc sách chuyên dụng như Kindle, người đọc có thể dễ dàng tiếp cận với hàng ngàn đầu sách có giá thành rẻ hơn nhiều lần so với sách giấy, dễ dàng mang theo bên người và không phải tốn diện tích cất giữ. “Một số nước phát triển có tỉ lệ sách xuất bản điện tử rất mạnh, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng hơn 20%, thậm chí có những nhà xuất bản truyền thống nổi tiếng như Britannica với lịch sử hơn 200 năm, gần đây cũng đã chuyển sang hình thức xuất bản điện tử hoàn toàn”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) nhận xét trong tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số” diễn ra vào tháng tư năm nay.
Các nhà xuất bản trong nước cũng không nằm ngoài xu thế này. Bên cạnh sự xuất hiện của các công ty chuyên phát hành ebook bản quyền như Alezaa, Lạc Việt,... một số nhà xuất bản truyền thống cũng ra mắt những đơn vị riêng về ebook như Sachweb của NXB Tổng hợp TP.HCM, Ybook của NXB Trẻ, Komo của NXB Phương Nam,... “Chúng tôi là một trong những đơn vị tiên phong về sách điện tử đã gần 10 năm nay, đó là một bước tiến mà chúng tôi kì vọng rất nhiều, vì có rất nhiều cơ hội: người dùng các thiết bị điện tử nhiều, các thiết bị đọc cũng rất phát triển,... Đặc biệt trong đại dịch COVID-19 vừa qua, khi thực hiện giãn cách xã hội thì nhu cầu về ebook lại càng tăng”, bà Nguyễn Thị Diễm Phương, trưởng phòng Sachweb của NXB Tổng hợp TP.HCM kể lại trong tọa đàm.
Tuy nhiên, “thực tế khi bắt tay vào mảng này chúng ta mới hình dung được bao nhiêu là thách thức, trong đó điều đầu tiên phải đối mặt là nạn xâm phạm bản quyền, không chỉ riêng chúng tôi mà các đơn vị làm ebook hiện nay đều gặp phải tình trạng tương tự”, bà Nguyễn Thị Diễm Phương nhận định. Điều này không có gì khó hiểu bởi “ngay cả phiên bản sách in truyền thông trên đường đi tới nhà in là đã bị giả rồi, huống chi phiên bản ebook cực kì dễ làm và phổ biến trên môi trường số nhờ các thiết bị điện tử, với những ai có chuyên môn về công nghệ thông tin thì lại càng dễ dàng hơn”. Chẳng hạn hiện nay, chỉ cần gõ tìm kiếm ebook của một cuốn sách nào đó trên công cụ tìm kiếm của Google hoặc kho ứng dụng CH Play trên điện thoại, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy và tải về hàng loạt ebook miễn phí. Thậm chí, “nhiều người khi nhắc đến ebook đều nghĩ rằng nó vốn là những thứ miễn phí trên mạng”, anh Nguyễn Đắc Thân nhận xét.
Tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người làm ebook chân chính. “Việc lan truyền và chia sẻ ebook miễn phí, hoặc bán với giá cực kì rẻ khiến cho thị trường của những đơn vị làm ebook bản quyền bị thu hẹp, rất hẹp”, bà Nguyễn Thị Diễm Phương cho biết. Điều đáng lo ngại là xu hướng này đang ngày càng gia tăng. “Nếu năm 2011 - 2012, có một cuốn sách của Alphabook bị sao chép trên mạng 40.000 bản thì hiện nay, 100% sách điện tử của Alpha phát hành trên hệ thống bị các đơn vị khác làm lậu lại”, một đại diện của Alphabooks từng chia sẻ trên Kinh tế & Đô thị năm 2018.
Cần những biện pháp mạnh hơn
Việc xâm phạm bản quyền tràn lan đã khiến nhiều người làm ebook bản quyền nản lòng. Mặc dù được coi là thị trường tiềm năng song đến nay, số lượng ebook bản quyền ở Việt Nam vẫn còn khá èo uột. Theo thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong những năm gần đây, số lượng ebook bản quyền được đăng ký lưu chiểu xuất bản chiếm chưa đầy 10% so với tỉ lệ sách xuất bản truyền thống. Do vậy, một trong những vấn đề đặt ra với ngành xuất bản hiện nay là làm thế nào để khắc phục tình trạng này và thúc đẩy những đơn vị làm ebook chân chính?
Thực ra, về mặt luật pháp, không thiếu các quy định xử lý những trường hợp xâm phạm bản quyền như làm ebook lậu. “Chúng ta có nghị định riêng về xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, thứ hai là chế tài dân sự, bao gồm bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần, thứ ba là chế tài hình sự, có thể phạt tù nếu vi phạm ở quy mô thương mại”, luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự chia sẻ trong một hội thảo về sở hữu trí tuệ và tác phẩm nghệ thuật năm 2019. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa phát huy hiệu quả. “Chế tài hành chính áp đặt rất nhẹ, còn về dân sự, bồi thường thiệt hại tinh thần tối đa 50 triệu VNĐ, thiệt hại vật chất không có giới hạn trần, tuy nhiên trong trường hợp không chứng minh được mức độ thiệt hại, chúng ta lại áp dụng giới hạn trần là không quá 500 triệu VNĐ. Thực tế đến nay, chưa có vụ nào bồi thường lên đến 1 tỷ đồng, nên số tiền phạt cũng không đáng kể. Về hình sự, cho đến nay hầu như chưa có vụ nào xử lý hình sự tại Việt Nam”, anh cho biết.
Ngoài những khó khăn chung trong vấn đề xử lý xâm phạm quyền tác giả thông thường, việc xử lý ebook lậu lại vướng phải khó khăn riêng do nằm trên môi trường số. “Các đối tượng vi phạm có thể dễ dàng xóa bỏ dấu vết nên sẽ gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để xử lý theo các quy định pháp luật. Sau đó, họ lại có thể nhanh chóng quay lại trên những nền tảng hoặc ứng dụng khác”, luật sư Phan Vũ Tuấn ở Văn phòng luật Phan Law chia sẻ trong một hội thảo vào đầu năm nay.
Do vậy, bên cạnh việc trông chờ vào ý thức của người dùng và những chế tài xử lý mạnh hơn, các đơn vị phát hành ebook bản quyền cũng đã tự tìm cách bảo vệ mình bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này tốn không ít chi phí do phải đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư cho nền tảng công nghệ.