Ngày 26/3 vừa qua tại Kigali, thủ đô Rwanda, đã diễn ra hội nghị khoa học có quy mô lớn nhất châu Phi mang tên Diễn đàn Next Einstein (NEF) và việc công bố một “siêu tạp chí” khoa học tổng hợp mới mang tên Scientific African sau hai năm chuẩn bị. Đó là một minh chứng cho việc châu Phi đang tìm kiếm vị thế cao hơn trong cộng đồng khoa học thế giới.

Kỳ vọng mới với “Scientific Africa”

Scientific African được điều hành bởi NEF, một cơ quan thuộc Viện Khoa học Toán học châu Phi (AIMS) và được Tập đoàn xuất bản Elsevier bảo trợ. Tạp chí hướng tới bao quát các chủ đề rất rộng về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, từ các ngành cơ bản như toán học, vật lý, hóa học đến các ngành có tính thực tiễn cao như y tế, tin học, nông nghiệp hay phát triển bền vững. Tạp chí hướng trực tiếp tới tác giả là các nhà khoa học châu Phi.

Tổng biên tập tạp chí, TS. Benjamin Gyampoh khẳng định kỳ vọng tạp chí sẽ giúp giải quyết vấn đề của các nhà khoa học châu Phi vốn thường không được chú ý bởi thiếu đóng góp trong các ấn bản khoa học chất lượng.

“Có rất nhiều tạp chí khoa học chất lượng trên thế giới nhưng sự tham gia của châu Phi vẫn còn hạn chế một phần vì chi phí xuất bản quá cao”, ông Gyampoh nói. “Với tạp chí mới, chúng tôi sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong khi cung cấp cho các nhà khoa học một diễn đàn khoa học liên ngành ngang tầm quốc tế của riêng châu Phi ngang tầm các tạp chí hàng đầu.”

Dù vui mừng với công bố này, nhiều nhà quan sát vẫn nhắc nhở về những thách thức đến nay còn đang kìm hãm khoa học châu lục phát triển.

Hierry Zomahoun, Giám đốc điều hành của Next Einstein Forum và Chủ tịch điều hành Viện Khoa học Toán học châu Phi (AIMS) phát biểu trong lễ công bố tạp chí Scientific African. Nguồn: Elsevier

Thách thức với khoa học Châu Phi

Việc thiếu các công bố quốc tế được công nhận hiện vẫn là tình trạng chung của khoa học châu lục. Theo số liệu của Elsevier, chỉ có dưới 2% số công bố quốc tế đến từ châu Phi trong khoảng từ 2012 đến 2016, dù đã có sự tăng trưởng số lượng bài báo lên 40% và số tác giả lên 43%. Thêm vào đó, phần lớn số bài xuất bản được viết bởi các nhà khoa học không phải là người châu Phi làm việc tại châu lục hay hợp tác với các cơ quan nghiên cứu tại đây.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc các nhà nghiên cứu châu Phi thường tìm kiếm xuất bản ở bên ngoài thay vì bên trong châu lục. Nhưng việc xuất bản là rất khó khăn, bởi các chủ đề như chăm sóc sức khỏe hay nông nghiệp mà khoa học châu Phi thường tập trung vốn không được quan tâm nhiều ở phương Tây. Thêm vào đó, các tạp chí nước ngoài thường được thẩm định bởi những người không phải người châu Phi, những người có thể không hoàn toàn hiểu được bối cảnh, hoặc hoàn toàn đánh giá cao giá trị của nghiên cứu. Nhưng quan trọng nhất, đó là vấn đề chi phí.

Điều này khiến các nhà khoa học châu Phi gặp nhiều khó khăn trong xuất bản nghiên cứu của mình.

Các tạp chí khoa học trong châu lục cũng trong tình trạng thiếu và yếu và nơi xuất bản chủ yếu là Nigeria và Nam Phi, nên các nghiên cứu tốt hầu như không thể tìm thấy trên các tạp chí khoa học nội địa. Theo lời TS. Bernadine Ekpenyong, một chuyên gia nhãn khoa và giảng viên tại Đại học Calabar - Nigeria. “Xuất bản ở nước ngoài giúp nhà nghiên cứu nhận được ghi nhận nhiều hơn và cơ hội thăng tiến tốt hơn trong ngành. Đó là lý do tại sao chi phí luôn tốn kém.”

Một thách thức khác cũng bao trùm lên nghiên cứu khoa học ở lục địa, đó là sự hợp tác giữa các viện và cơ quan với nhau còn rất hạn chế. Nghiên cứu năm 2010 về hợp tác trong nghiên cứu của 15 nước nam châu Phi chỉ đem lại 3% bài báo khoa học giai đoạn 2005-2008 đến từ sự hợp tác nội khu vực và 5% đến từ hợp tác châu lục. Ngược lại, 47% bài báo được đồng tác giả với các nhà khoa học từ các nước có thu nhập cao.

Một số khảo sát đã chỉ ra rằng nếu các cơ quan nghiên cứu ở châu Phi tăng cường hợp tác với nhau hơn là với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học của họ sẽ cải thiện tốt hơn vị thế quốc tế và khả năng tự quyết định đề tài nghiên cứu, điều sẽ dẫn đến việc tiết kiệm chi phí.

Những giải pháp tiềm năng

Diễn đàn NEF tại Kigali đã nêu rõ những tiềm năng và giải pháp cần thiết để phát triển khoa học châu lục.

Trả lời phỏng vấn từ Scientific America, Thierry Zomahoun - chủ tịch của AIMS và NEF - khẳng định: “Châu Phi... sẽ là trung tâm toàn cầu cho những khám phá khoa học trong thế kỷ XXI… Chúng ta có tiềm năng lớn về tài năng khoa học chưa được khai thác với rất nhiều nhà khoa học trẻ. Những gì chúng ta cần làm là cung cấp cho những người trẻ tuổi một hệ thống bình đẳng, ở đó họ có cơ hội phát triển tốt như các nhà khoa học lớn và thành công. Sự bình đẳng đòi hỏi trau dồi, cung cấp sự trau dồi phù hợp, và hạ tầng nghiên cứu tốt thì họ có thể trở thành các nhà khoa học uy tín…. (thêm vào đó) là một môi trường chính sách thuận lợi. Các nhà lãnh đạo chính trị, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp phải cùng nhau tham gia để đưa ra các chính sách có lợi cho khoa học ở châu Phi.”

Tín hiệu đáng mừng là nhiều nước châu Phi đang gia tăng đầu tư cho khoa học. Ở Nam Phi, chính phủ đã đề ra mục tiêu tăng ngân sách cho R&D lên 1,5% GDP đến năm 2020. Năm 2016, nguyên thủ các nước châu Phi cùng cam kết tăng đầu tư cho khoa học đến ít nhất 1% GDP trong năm 2025, trong đó Kenya, Rwanda và Senegal là các nước đang đi đầu thực hiện.

Ông Zomahoun bình luận: “Các lãnh đạo châu lục đang dần nhận ra tầm quan trọng của đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dù chặng đường phải đi vẫn còn rất xa.” Ông nói. “Đặc biệt nếu tình trạng quan liêu của châu Phi được xử lý để việc di chuyển quanh châu Phi trở nên dễ dàng và tiết kiệm hơn và các chính sách hỗ trợ hợp tác được triển khai.”

Việc xuất bản Scientific African có thể được coi là tín hiệu tích cực của hợp tác khoa học châu lục. Phát biểu tại hội nghị, ông Gyampoh cho rằng: “Việc đánh thức tiềm năng khoa học của châu Phi là một công việc rất lớn mà không ai có thể làm một mình. Mọi sự giúp đỡ đều cần thiết để nâng cao uy tín khoa học của châu lục. Tôi tin tưởng Scientific Africansẽ đóng vai trò quan trọng, và sự hợp tác chặt chẽ với các chương trình khác, khoa học của châu Phi sẽ cùng cất cánh.”