Thiếu ngân sách đầu tư và chảy máu chất xám khiến nhiều viện nghiên cứu của Ukraina đang lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng với nguồn nhân lực già hóa.

Chảy máu chất xám

Trong khi đó, đất nước này đang phải chứng kiến một cuộc “di cư” của những tài năng khoa học trẻ tới Đức, Trung Quốc và Mỹ, chỉ có 1% các nhà khoa học trong số này là trở về, thì Viktoria Shulga là một biệt lệ - chị trở về Ukraina vào năm 2005, sau khi thực hiện những nghiên cứu xuất sắc tại trường Đại học Rochester, New York. Chị đã từng hi vọng sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu như chị đã thực hiện tại Mỹ ở quê hương mình, tuy nhiên Ukraina lại thiếu những trang thiết bị mà chị cần. Không đủ khả năng tiếp tục nghiên cứu, chị lập Câu lạc bộ Khoa học Ukraina - một tổ chức phi chính phủ để tư vấn cho chính phủ về luật khoa học và cải cách khoa học. Nhưng bất chấp những nỗ lực của chị và nhiều tổ chức khoa học khác, mọi điều chỉ diễn ra tồi tệ hơn.

“Vào năm 2005, khoảng 20.000 người có trình độ tiến sỹ đã rời đất nước và không bao giờ quay trở lại nữa. Sau 12 năm, tôi có thể nói rằng con số đó còn lên tới 200.000 ở nhiều trình độ khác nhau,” Shulga nói.

Năm 2015, các nhà khoa học trẻ của Viện Hàn lâm KH&CN quốc gia Ukraina xuống đường yêu cầu phải có đầu tư cho khoa học tốt hơn. Nguồn: kyivpost

Vào thời kỳ hậu Xô viết, việc không nhận được sự đầu tư của Liên bang Xô viết nữa đã đặt khoa học Ukraina với 1.500 trung tâm nghiên cứu vào tình thế khó khăn. Từ đầu những năm 2000, tổng đầu tư vào khoa học còn dưới 100 triệu USD - một phần rất nhỏ so với ngân sách đầu tư hằng năm của nhiều quốc gia phương Tây. Dòng chảy các nhà khoa học rời Ukraina bắt đầu. Trong khi đó, chính quyền Ukraina không có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn cấm các nhà khoa học cũng như những công dân có kỹ năng làm việc tốt khác ra nước ngoài.

Theo thống kê của Chính phủ Ukraina, từ năm 2014 đến 2017, số lượng người làm việc trong các tổ chức nghiên cứu khoa học đã giảm 30%, phần lớn là do việc thiếu ưu đãi của chính phủ. Ví dụ một tiến sỹ của bất cứ ngành khoa học nào, dù khoa học tự nhiên hay xã hội, thông thường được nhận một mức lương trung bình khoảng 300 USD mỗi tháng. Trong khi đó ở ngoài biên giới Ukraina, một nhà nghiên cứu giỏi có thể được trả lương vào khoảng 200.000 USD mỗi năm.

Cần cải thiện đầu tư cho khoa học

Để cải thiện tình trạng hiện tại, Shulga cho rằng chỉ cần làm được hai điều, “thứ nhất là luật tốt về KH&CN, thứ hai là ngân sách đầu tư”.

Việc tài trợ cho các sáng kiến khoa học mới là trách nhiệm của Hội đồng KH&CN quốc gia với hai ủy ban là Ủy ban Khoa học và Ủy ban Quản trị khoa học, trong đó chức năng của Ủy ban Khoa học là phát triển các chương trình khoa học và tư vấn cho chính phủ trong khi chức năng của Ủy ban Quản trị là giám sát việc tài trợ. Việc phân công này là nhằm đảm bảo thông suốt việc tài trợ. Tuy nhiên trên thực tế, cấu trúc tổ chức này chưa chứng tỏ được nhiều khả năng quản lý của mình và mới chỉ có một số chương trình nghiên cứu được thực hiện.

Nguyên nhân là không có đủ ngân sách đầu tư vào Quỹ Khoa học quốc gia. Ví dụ Chương trình Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia được bắt đầu vào năm 2011, đầu tư vào nghiên cứu trong lĩnh vực Sinh học tế bào và phân tử. Đây là chương trình đầu tư khá thành công với rất nhiều công bố quốc tế được xuất bản và thu được lượng lớn trích dẫn, trong đó có cả công trình trên “Nature Reviews Cancer” được trích dẫn 360 lần, nhưng rút cuộc chính phủ đã dừng tài trợ sau đó một năm.

Không có nhiều nhà khoa học Ukraina được làm việc trong những phòng thí nghiệm đầy đủ thiết bị. Nguồn: Ukraine Intellectual Lab

Thiếu sự hỗ trợ của chính phủ, khoa học Ukraina tiếp tục lâm vào cảnh chảy máu chất xám. Không giống như những quốc gia khác, những nơi khuyến khích sự vận chuyển tuần hoàn chất xám, tạo điều kiện để các nhà khoa học ra nước ngoài học tập, nghiên cứu để sau đó trở về nhà với những hiểu biết mới, ở Ukraina, nếu trở về thì họ không có cả cơ sở hạ tầng nghiên cứu ở mức tối thiểu.

“Vấn đề hiện nay là thiếu tài năng ở mọi nơi,” Nikita Lukianets - một nhà khoa học thần kinh và chủ một công ty, sinh ra ở Kiev nhưng hiện giờ sống ở Pháp, nói. “Văn hóa quản lý ở mọi cấp độ, từ phòng thí nghiệm, công ty nhỏ đến công ty lớn, trong việc tạo ra nguồn nhân lực đang bị mai một…”

Thành công của khoa học Ukraina ở nước ngoài về mặt nào đó cũng sẽ giúp tăng cường danh tiếng khoa học của đất nước trong việc đào tạo ra các nhà khoa học đỉnh cao và công trình đỉnh cao. “Nhờ vậy chúng ta có được những trí tuệ ở tầm quốc tế”, Lukianets nhận xét. Tuy nhiên họ cũng biết là những khám phá khoa học đó chỉ phục vụ trước hết cho các quốc gia đầu tư cho chúng. Vì vậy, theo Shulga chỉ khi nào chính phủ nhận thức được khoa học mới là yếu tố mấu chốt để phát triển kinh tế, xã hội và có những chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút ngày càng nhiều tài năng hơn, thì Ukraina mới không bị tụt hậu thêm nữa.