Giáo sư Sarah Gilbert, 58 tuổi, là một trong số các nữ nhà khoa học được BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu năm 2020 vì những đóng góp không mệt mỏi cho cuộc chiến chống Đại dịch Covid-19.
Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 ra đời từ công trình của bà và các cộng sự ở Đại học Oxford. Nữ khoa học gia này cùng với một tập thể nữ khoa học khác đã làm việc cật lực không nghỉ ngơi suốt một năm qua để vaccine ChAdOx1 nCoV-19 đến được với người dân.
Hai ngày trước khi năm 2020 kết thúc, một tin tức từ Cục Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Anh (Medicines and Healthcare products Regulatory Agency - MHRA) như khiến nước Anh như reo mừng: vaccine Covid-19 do Đại học Oxford và Tập đoàn Dược phẩm AstraZeneca (ChAdOx1 nCoV-19) phát triển được chính thức phê duyệt sử dụng tại Anh, và Chính phủ Anh sẽ tăng tốc chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử với loại vaccine này kể từ ngày 4/1. Trong ngày đầu năm 2021 (3/1), Ấn Độ, vùng dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới, trở thành quốc gia thứ hai sau Anh chính thức phê duyệt sử dụng vaccine này. Kết quả về tính hiệu quả và phê duyệt sử dụng vaccine này được sự quan tâm của số đông nhân loại vì những ưu thế của nó trong khả năng triển khai đại trà, đặc biệt tại các quốc gia nghèo và vì thế nó trở thành niềm hi vọng cho việc sớm chấm dứt đại dịch. Cho đến lúc này, rất nhiều người đã được nghe tới người lãnh đạo dự án, một nữ khoa học người Anh tại Đại học Oxford – Giáo sư Sarah Gilbert, nhưng không phải ai cũng biết rằng bà từng phải trải qua những năm tháng bắt đầu sự nghiệp khoa học không hề dễ dàng.
Sarah Gilbert (sinh năm 1962), là nữ giáo sư chuyên ngành vaccine tại Viện Nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford – một trong những trung tâm nghiên cứu y khoa hàng đầu thế giới, nhưng con đường của bà đến với những thành công như hôm nay chẳng hề được trải trên hoa hồng như mọi người mường tượng. Sarah Gilbert sinh ra trong một gia đình có bố là nhân viên văn phòng và mẹ là một giáo viên tiếng Anh ở Kettering (một thị trấn ở Northamptonshire, miền Trung nước Anh). Cô nữ sinh Sarah tốt nghiệp cử nhân ngành sinh học từ Đại học East Anglia, rồi tiếp tục nhận bằng tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull (cả hai trường đều không thuộc nhóm các đại học tinh hoa ở Anh). Sarah Gilbert là người yêu thích âm nhạc, từng chơi trong giàn nhạc giao hưởng của trường học, và khi học đại học thường hay chơi saxophone. Nữ sinh Sarah khi đó thường vào rừng chơi nhạc để tránh làm phiền những người sống xung quanh. Tốt nghiệp tiến sĩ, Sarah bắt đầu làm việc trong môi trường công nghiệp trước khi quay trở lại môi trường hàn lâm tham gia vào nhóm nghiên cứu của Adrian Hill – giáo sư y khoa tại Viện Nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford, để bắt đầu những nghiên cứu về vaccine chống sốt rét vào năm 1994. Năm 1998, bà sinh con – một ca sinh ba – và sau thời gian nghỉ thai sản, gia đình nhà nữ khoa học trẻ bắt đầu gặp khó khăn để trở lại với công việc nghiên cứu. “Cân bằng giữa cuộc sống và công việc thật chẳng dễ dàng, và có khi là không thể nếu bạn không có được sự hỗ trợ tốt. Tôi có ba đứa nhỏ, và tiền gửi ba đứa đi nhà trẻ còn nhiều hơn cả lương một postdoc như tôi khi đó. Người bạn đời của tôi đã phải hi sinh sự nghiệp của anh ấy, ở nhà trông ba đứa trẻ để tôi quay trở lại với nghiên cứu” (Rob Blundell chồng bà, cũng là một nhà khoa học) – Sarah thổ lộ trong một phỏng vấn với nhà trường. Nhưng với Sarah, môi trường khoa học cũng có những điểm lợi thế riêng với thời gian làm việc linh hoạt và không cần cố định. Sự nỗ lực của bà cùng sự hi sinh thầm lặng của chồng đã được đền đáp khi Sarah Gilbert được bổ nhiệm làm giảng viên Đại học Oxford vào năm 1999 và tiếp đó là phó giáo sư (Reader) vào năm 2004.
Năm 2007, Sarah Gilbert thuyết phục được Quỹ Wellcome Trust tài trợ cho bà một dự án lớn phát triển vaccine cúm mùa, và chính thức trở thành Quản lý Chương trình Chiến lược về Phát triển Vaccine cho người và thú y của Quỹ Wellcome Trust. Phải đến tận lúc này, Sarah Gilbert mới thiết lập được một nhóm nghiên cứu đủ mạnh của riêng bà để theo đuổi những hoài bão mà bà vẫn ấp ủ. “Lời khuyên của tôi cho những phụ nữ vừa muốn duy trì một gia gia đình và sự nghiệp khoa học là cần chấp nhận đó sẽ là một công việc đặc biệt khó khăn. Điều quan trọng là phải biết lập kế hoạch và cần đảm bảo sự hỗ trợ hết lòng từ người bạn đời. Dù bằng cách gì chăng nữa, kế hoạch và thực tế về những gì bạn cần mới có thể giúp ích về lâu dài. Tôi có may mắn, các con mình dường như đã phát triển bình thường, nhưng không đứa nào trong số chúng muốn trở thành nhà khoa học”.
Trong những ngày đầu năm 2020, khi nhận được những dữ liệu đầu tiên về cấu trúc gene của virus đang gây dịch viêm phổi tại Vũ Hán, nhóm của Sarah Gilbert đã ngay lập tức nghĩ tới việc tạo ra vaccine. Bà cùng một nữ giáo sư khác ở Oxford, Teresa Lambe và những cộng sự trong nhóm đã làm việc liên tục trong những ngày cuối tuần để thiết kế vaccine. Trước khi đến với vaccine Covid-19, nhóm họ đã làm việc trên một loại virus tương tự gây hội chứng hô hấp cấp Trung Đông (MERS-Cov) và loại vaccine này cũng đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng. Vaccine chống Covid-19 (được đặt tên là ChAdOx1 nCoV-19) được thiết kế từ một virus gây ra cảm cúm trên tinh tinh đã được làm yếu, chứa đoạn mã gai của virus corona để “đóng giả” virus Sars-CoV-2 (mà chúng ta vẫn gọi tắt là Covid-19) giúp cơ thể tạo ra kháng thể tiêu diệt virus này. Tại thời điểm đó, họ chưa có đủ thông tin rằng loại virus mới có thể lây lan nhanh ra sao, nhưng Sarah Gilbert lại nhìn thấy khả năng phát triển vaccine với tốc độ nhanh chóng, và lên kế hoạch thử nghiệm lâm sàng. Nhưng kinh phí đâu ra để thử nghiệm lâm sàng – một việc vô cùng tốn kém và mất thời gian? Sarah Gilbert đã tích cực thuyết phục các đề tài khác trợ giúp kinh phí, kêu gọi chính phủ tài trợ, và cả nhóm đã reo mừng trước một tin tức tốt lành từ chính phủ: Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ kinh phí (22 triệu bảng Anh) thử nghiệm và sản xuất loại vaccine này. Cả nhóm đặt mục tiêu tạo ra một loại vaccine cho nhân loại có nghĩa là họ sẽ không phát triển vaccine vì lợi nhuận - như những tiền lệ mà các nhà khoa học ở Anh đã từng theo đuổi (ví dụ như John Sulston từng mở miễn phí dữ liệu gene người trước kia). “Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy rằng vaccine này sẽ tham gia cuộc đua chống virus chứ không phải tranh đua với các vaccine khác. Chúng tôi làm việc ở đại học, và không có ý định kiếm tiền từ nó” – S. Gilbert chia sẻ với BBC.
Sarah Gilbert lại tiếp tục hợp tác cùng một nhà khoa học nữ khác, Catherine Green, một nữ phó giáo sư sinh học ở Oxford để sản xuất vaccine: nhóm của Catherine sẽ đóng vai trò nuôi cấy virus để tạo ra vaccine. Họ nhanh chóng tạo ra lô vaccine đầu tiên trong phòng thí nghiệm ở Oxford cho bước thử đầu tiên trên người và hồi hộp chờ những phản ứng phụ từ những tình nguyện viên đầu tiên là chính những nhà khoa học ở Oxford: không một ai gặp bất kỳ phản ứng phụ nào sau 48h tiêm vaccine đầu tiên – cả nhóm thở phào để bắt đầu bước thử nghiệm với số lượng tình nguyên viên lớn hơn. Sarah Gilbert cùng các cộng sự âm thầm làm việc và gánh vác trách nhiệm đưa thế giới bình thường trở lại từ đại dịch. Với một sự đặt cược rất cao, họ thậm chí chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi hay phân tâm – họ luôn trong trạng thái căng thẳng cao, và thiếu ngủ suốt trong một năm qua. Bà mẹ ba con đã chia sẻ trên Independent: “Tôi đã được huấn luyện để có thể làm được vậy. Nếu bạn từng phải trải qua những đêm chỉ có bốn giờ ngủ để chăm sóc lũ trẻ sinh ba, có nghĩa là bạn đã làm được quá tốt rồi. Đây là điều tôi từng phải trải qua.” Các con của Sarah giờ đều đã học đại học và cả ba, là những sinh viên ngành hóa sinh, đều tích cực ủng hộ mẹ bằng việc tham gia vào thử nghiệm vaccine dù trong thời gian này bà chẳng có nhiều thời gian để nói chuyện hằng ngày với các con mình. Nhóm của Oxford đạt được một thỏa thuận lớn với nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca – hãng sẽ sản xuất và phân phối vaccine với cam kết phi lợi nhuận. Theo thỏa thuận nhân đạo mà Oxford theo đuổi, AstraZeneca sẽ bán vaccine được Oxford phát triển với giá gốc không lợi nhuận trong thời gian đại dịch và giữ nguyên giá ưu đãi này với các quốc gia thu nhập trung bình và thấp. Điều này giúp cho vaccine của họ có thể được phân phối với giá rất rẻ (khoảng hơn 3 USD mỗi liều). Hãy thử tưởng tượng một quốc gia nghèo sẽ gặp khó khăn thế nào khi có ý định tiêm cho hàng triệu người với những vaccine thế hệ mới đòi hỏi bảo quản ở nhiệt độ siêu thấp, và giá thành gấp 10? Bên cạnh giá rất rẻ, vaccine ChAdOx1 nCoV-19 không đòi hỏi môi trường nhiệt độ siêu thấp để bảo quản (chỉ cần từ 2-8oC ở một tủ lạnh thông thường) nên sẽ cực kỳ dễ dàng trong các khâu vận chuyển và bảo quản, kể cả ở những nước còn nghèo. Nếu thành công, vaccine của Oxford sẽ là cứu tinh cho các quốc gia nghèo.
Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy rằng vaccine này sẽ tham gia cuộc đua chống virus chứ không phải tranh đua với các vaccine khác. Chúng tôi làm việc ở đại học, và không có ý định kiếm tiền từ nó.
S. Gilbert chia sẻ với BBC.
Các thử nghiệm vaccine đã được bắt đầu tại Anh từ tháng 4/2020, và rồi bắt đầu gặp trở ngại khi các ca nhiễm tại Anh giảm mạnh trong mùa hè, nhưng rồi hi vọng thử nghiệm lại lớn trở lại khi họ mở rộng thử nghiệm tại Brazil, Nam Phi. Tuần cuối cùng của tháng bảy, nhóm Oxford chính thức công bố kết quả thử nghiệm đầu tiên trên tạp chí y khoa Lancet danh tiếng: thử nghiệm giai đoạn 1 tại Anh với sự tham gia của 1077 tình nguyện viên khỏe mạnh. Kết quả: (i) Vaccine đã tạo ra ra kháng thể trung hòa chống lại virus (Neutralising antibodies để tiêu diệt virus), và tạo ra cả tế bào T (T-cells) cho phép hệ miễn dịch ghi nhớ virus để bảo vệ cơ thể trong tương lai; (ii) Lượng tế bào T-cells đạt đỉnh trong vòng 14 ngày, trong khi kháng thể diệt virus sẽ đạt đỉnh trong 28 ngày sau khi tiêm vaccine; (iii) Vaccine có chút tác dụng phụ là gây sốt và đau đầu nhẹ, nhưng đều có thể giải quyết đơn giản bằng paracetamol - một thuốc hạ sốt giảm đau thông thường. Tác dụng phụ này xảy ra ở 70% người tham gia thử nghiệm, nhưng không hề có nguy hiểm nào xảy ra. Tin tức này làm nức lòng thế giới với hi vọng thành công của vaccine dù các thử nghiệm vẫn còn tiếp tục. Nhưng tới tháng 9/2020, thử nghiệm lại gặp trắc trở khi một tình nguyện viên gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí tới tháng 10, một tình nguyện viên tại Brazil không may qua đời. Các thử nghiệm ngay lập tức được dừng lại để kiểm tra sự an toàn của vaccine. Thật may mắn, họ tìm được các vấn đề này không phải gây ra bởi vaccine (tình nguyện viên thiệt mạng ở Brazil thậm chí không thuộc nhóm tiêm vaccine mà nhận đối chứng âm placebo) và thử nghiệm lại được tiếp tục trở lại. Sự tạm dừng này khiến cho kết quả thử nghiệm bị chậm đi một cách đáng kể, nhưng rồi kết quả cuối cùng của thử nghiệm diện rộng cũng đã được công bố vào những ngày cuối tháng 11/2020 với hiệu quả trung bình trên 70% - một con số ấn tượng (nếu thử so sánh với các vaccine cúm mùa đang dùng hiện nay có hiệu quả chỉ hơn 50%). Thậm chí trong một nhóm tình nguyện viên (2741 người) được tiêm với liều đầu tiên là ½ liều, và tiếp đó là một liều đầy đủ, hiệu quả bảo vệ sẽ đạt tới trên 90%, và trong những tình nguyện viên vẫn bị nhiễm Covid-19, vaccine vẫn giúp cho họ không bị các triệu chứng nặng (không một ai phải điều trị trong bệnh viện). Và kết quả còn cho thấy vaccine đã hạn chế tối đa việc lan truyền virus từ những người bị nhiễm này thông qua sự giảm mạnh những người nhiễm mà không xuất hiện triệu chứng.
Các kết quả này được đánh giá cao, nhưng cũng có những nghi ngờ về kết quả bất thường (ở nhóm đạt hiệu quả 90%). Thế nhưng, nhóm nghiên cứu đã bạch hóa toàn bộ dữ liệu thử nghiệm bằng các công bố trên tạp chí Lancet và nộp báo cáo chi tiết xin phê duyệt sử dụng. Trên thực tế, MRHA đã thực hiện việc đánh giá dữ liệu thử nghiệm của Oxford-AstraZeneca trong suốt thời gian dài theo hình thức “cuốn chiếu” từng phần (rolling review), và cho phép họ tin tưởng vào hiệu quả và an toàn của vaccine này. Và ngày 30/12, MHRA chính thức thông báo phê duyệt việc sử dụng vaccine này tại Anh, và được coi như một tin mừng trước thềm năm mới 2021 về khả năng thành công của chiến dịch tiêm chủng thần tốc và lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Và ngày 4/1/2021, người đầu tiên được tiên vaccine Oxford/Astrazeneca là một bệnh nhân 82 tuổi tại ngay bệnh viện Đại học Oxford, cách nơi vaccine này được phát triển chỉ vài trăm mét.
Sự thành công của vaccine Oxford đang đem lại niềm hi vọng lớn lao cho toàn nhân loại, và đứng đằng sau nó là những đóng góp lớn từ những nữ khoa học như Sarah Gilbert, Catherine Green, Teresa Lambe và tập thể nhóm nghiên cứu tại Oxford. Một điều mà ít người biết bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của họ: họ đã gạt bỏ lợi nhuận kinh tế sang một bên để ưu tiên đưa thành tựu khoa học đến với số đông nhân loại.