Để góp phần giải quyết bài toán đổi mới công nghệ trồng nấm quy mô công nghiệp, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ trồng nấm bào ngư ôn đới quy mô công nghiệp từ khâu sản xuất giống đến thu hoạch.
Khoảng 20 năm trước, ngành trồng nấm Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực về sản lượng, chất lượng, do người dân Việt rất giỏi trong việc đối phó với thời tiết. Nhưng khi các nước áp dụng công nghệ sản xuất trên quy mô công nghiệp, chúng ta đã bị bỏ lại phía sau. Mỗi năm sản lượng của chúng ta chỉ đạt khoảng 250.000 tấn, bằng khoảng ¼ nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Chỉ tính riêng thị trường TP HCM, nhu cầu tiêu thụ mỗi ngày đã lên tới 20 tấn - ông Lê Duy Thắng, nguyên giảng viên Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh cho biết. Do đó, việc đổi mới công nghệ trồng nấm quy mô công nghiệp được xem là bức thiết.
Bà Hàng Châu Trang - thành viên và Giám đốc công ty, đại diện cơ quan chủ trì nghiên cứu đang thu hoạch nấm tiểu yến. Ảnh: Lê Thắng.
Mô hình trồng nấm đùi gà quy mô công nghiệp tại Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh. Ảnh: Lê Thắng.
Vì vậy, đề xuất xây dựng mô hình sản xuất nấm bào ngư ôn đới quy mô công nghiệp của Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh đã được
Văn phòng Chương trình quốc gia đồng ý đầu tư.
Theo TS Lê Duy Thắng, đây là loại nấm có khoảng 43 chủng loại, có giá trị dinh dưỡng tốt, phù hợp về thời gian, điều kiện sinh trưởng và phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam. Cụ thể, nấm phát triển tốt ở nhiệt độ từ 22-30oC, thời gian sinh trưởng từ 30-45 ngày. Mặt khác đây cũng là loại nấm bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường với nguồn nấm từ Trung Quốc.
Nhiệm vụ đổi mới công nghệ trồng nấm bào ngư ôn đới quy mô công nghiệp được Công ty Nấm Trang Sinh thực hiện hai hợp phần chính. Một là hoàn thiện quy trình nuôi trồng nấm từ bước chọn lọc giống; Xây dựng công thức dinh dưỡng cho quá trình nuôi tơ, sinh trưởng của nấm; Xây dựng quá trình chăm sóc, thu hoạch đạt chuẩn. Hai là nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống máy móc phục vụ sản xuất nấm: cơ giới hóa các khâu xử lý đất trồng và đóng phôi nấm; hệ thống điều khiển dàn tưới, ánh sáng, hệ thống nhà lạnh phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Sinh học và nghiên cứu chuyên sâu về nấm, TS Lê Duy Thắng cùng các nhà nghiên cứu của Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh đã hoàn toàn làm chủ được quy trình chọn lọc và sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô. “Từ các nguồn giống gốc mua về từ Hàn Quốc, chúng tôi sàng lọc các loại phù hợp điều kiện, thị hiếu người Việt Nam để nhân giống” – TS Thắng cho biết.
Nhưng nguồn giống tốt là chưa đủ, để đảm bảo hất lượng, năng suất của nấm, nhóm phải chọn lọc được loại dưỡng chất phù hợp. Đây là giai đoạn tốn không ít công sức và đòi hỏi nghiên cứu chi tiết. Thông thường, ba loại dưỡng chất chính để nấm phát triển và khỏe mạnh là carbon, nito và khoáng nhưng nhóm cần tính toán công thức phù hợp với điều kiện riêng của nấm ôn đới. “Năng suất của nấm phụ thuộc vào tỷ lệ carbon/nito. Các loài nấm gốc nhiệt đới cần nhiều bột, ít đạm còn loài nguồn gốc ôn đới lại cần nhiều đạm và ít bột. Với nấm bào ngư ôn đới, bổ sung đạm nhiều giúp nấm cho năng suất cao, chất lượng ngon, còn khoáng chất giúp nấm khỏe mạnh trước những điều kiện bất lợi” – TS Thắng cho hay.
Tuy vậy, một điểm yếu nữa mà nhóm cần phải khắc phục, đó là thời điểm nấm kết nụ để thu hoạch. Trước đây, các cơ sở nuôi trồng nấm không chỉ phải chịu cảnh chất lượng chồi sụt, mà còn kết nụ không cùng một thời điểm, và thu hoạch không đảm bảo nên nấm không bao quản được lâu. Vậy nên nếu có đơn hàng lớn, các hộ sản xuất cũng không dám mạnh miệng nhận vì sản lượng có thể không đảm bảo.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã kết hợp xây dựng hệ thống thiết bị phun tưới, ánh sáng, nhiệt độ để kích thích nấm kết nụ hàng loạt và cho thu hoạch cùng một thời điểm giúp sản xuất chủ động, sẵn sàng đáp ứng khối lượng lớn của thị trường, không bị phụ thuộc vào thời tiết. Cụ thể, dựa vào đặc tính nấm nở rộ khi có sự thay đổi thời tiết, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình chăm sóc và điều chỉnh hệ thống ánh sáng, độ ẩm. Ví dụ, để ra hàng loạt thì nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm của nấm rơm, nấm mèo là 30 độ C, nấm sò trắng khoảng 50 độ C, bào ngư xám khoảng 10 độ C.
Khi trồng trong phòng lạnh, cứ 10 ngày nấm ra một đợt. 1 bịch phôi cho năng suất 300 gram thì khoảng 3 đợt là hết phôi. Thực tế quan sát cho thấy, 5 ngày đầu nấm ra đợt 1 và 10 ngày sau ra đợt thứ 2 với sản lượng 2 đợt từ 200-250 gram. Nếu kéo dài thêm 10-15 ngày thì tốn nhiều năng lượng trong khi lượng nấm còn lại thu không đáng là bao nên quy trình được xây dựng chỉ thu 2 đợt rồi dỡ bỏ, vệ sinh và làm đợt mới. Phôi nấm còn lại được cho vào máy đập nhỏ để trồng nấm rơm. Vì vậy, hiệu quả kinh tế hoàn toàn được đảm bảo do không lãng phí nguồn cơ chất, nhờ đó tiết kiệm một nửa chi phí điện và thời gian cho vụ mới.
“Hiện nay năng suất tối đa của nhà máy đạt 1,5 tấn/ngày. Doanh nghiệp, siêu thị cần bao nhiêu nấm cũng có, chỉ cần báo trước năm ngày.” – TS Thắng cho biết.
Với điều kiện thu hoạch sạch và đảm bảo nhiệt độ như vậy, nấm từ nhà máy Trang Sinh có thể bảo quản từ một tuần đến một tháng vẫn tươi ngon và đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng, trong khi nấm trên thị trường chỉ để được 1-2 ngày. Nấm có mùi thơm, dễ chịu.
Theo tính toán của TS Lê Duy Thắng, một hệ thống trồng nấm hoàn chỉnh như của công ty nghiên cứu hiện nay có giá khoảng 200 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các nhà máy nhập khẩu công nghệ toàn bộ từ Nhật, Hàn và phù hợp với điều kiện của các hộ kinh doanh ở Việt Nam.
Giải thích về mức giá dễ chịu này, TS Thắng tiết lộ: ‘Hệ thống máy móc tưới nước, điều chỉnh, ánh áng nhiệt độ, hệ thống máy lạnh công nghiệp… đều là những sản phẩm trong nước tự sản xuất được hoặc được nhập khẩu về Việt Nam giá thành tương đối rẻ, bằng 1/10 so với dây chuyển công nghệ từ Nhật Bản và có năng suất bằng 1/3. “Mức giá theo ông Thắng vẫn có lời và sẽ thúc đẩy việc xây dựng những nhà máy có năng suất 1 tấn/ngày, hướng tới mục tiêu sản lượng cả nước đạt 1 triệu tấn nấm/năm. Sau khi thành công với nấm bào ngư ôn đới, Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh đã tiếp tục nghiên cứu và mở rộng ứng dụng ra một loại nấm khác phù hợp với thị hiếu của thị trường là nấm đông cô.
Là người dành cả hàng chục năm lăn lộn với nấm Việt, TS lê Duy Thắng vẫn luôn mong làm chủ công nghệ, mở rộng quy mô hơn nữa để ngành nấm lấy lại thị phần đang bị Trung Quốc chiếm lĩnh. Với chất lượng đảm bảo, giá thành tương đương “tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ ủng hộ hàng Việt”. Ông Thắng tin, việc làm chủ và đổi mới công nghệ trồng nấm ở quy mô công nghiệp sẽ là bước đà quan trọng để nấm trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nông sản Việt.