Một loạt các nghiên cứu mới đây đã cho thấy mức độ nguy hiểm do virus corona gia tăng rõ rệt ở người cao tuổi và nam giới và bước đầu giải thích nguyên nhân.
Từ khi đại dịch bắt đầu, người ta đã nhận thấy xu hướng tử vong do coronavirus tăng lên theo tuổi. Các nhóm nghiên cứu đánh giá nồng độ của kháng thể SARS-CoV-2 trong dân cư nói chung tại Tây Ban Nha, Anh, Ý và vùng Geneva Thụy Sĩ đã định lượng được yếu tố nguy cơ này, theo Marm Kilpatrick, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm từ Đại học UC Santa Cruz. “Đánh giá nồng độ kháng thể là công cụ sắc bén hơn nhiều để đánh giá tác động [của coronavirus] lên một dân số cụ thể với đặc điểm nhân khẩu học cụ thể,” Kilpatrick nói.
Các nghiên cứu bước đầu cho thấy tuổi là yếu tố tiên đoán mạnh nhất về nguy cơ tử vong của người nhiễm bệnh, dựa trên giá trị IFR (infection fatality ratio) - là tỷ lệ người tử vong trên tổng số người nhiễm virus (bao gồm những người không xét nghiệm hoặc không triệu chứng).
Covid-19 không chỉ là nỗi lo đối với người cao tuổi nói chung, nó đặc biệt nguy hiểm với những người từ khoảng 55 tuổi trở lên. Nhà kinh tế học Andrew Levin từ Đại học Dartmouth ước tính nhóm người này khi mắc Covid-19 có nguy cơ tử vong cao gấp 50 lần so với nguy cơ tử vong của một người 60 tuổi lái xe.
Nhưng tuổi không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất. Nhà dịch tễ về bệnh truyền nhiễm Henrik Salje ở Đại học Cambridge cho biết giới tính cũng là một yếu tố nguy cơ quan trọng: nam giới tử vong gần gấp đôi so với nữ nếu nhiễm coronavirus. Tỉ lệ tử vong ở nhóm người cao tuổi nhiễm coronavirus giữa các quốc gia khác nhau còn liên quan đến tình trạng sức khỏe nền, năng lực của hệ thống y tế và có để xảy ra tình trạng lây lan trong các cơ sở dưỡng lão hay không.
Nam giới cao tuổi là đối tượng nguy cơ cao
Nhằm ước tính nguy cơ tử vong theo tuổi, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ các nghiên cứu tỷ lệ lưu hành kháng thể. Trong tháng 6-7, hàng ngàn người khắp nước Anh nhận được bộ test kháng thể (dạng kim chích máu mao mạch) qua đường bưu điện. Trong 109,000 người vị thành niên và trưởng thành thực hiện xét nghiệm này, khoảng 6% mang kháng thể kháng SARS-CoV-2. Kết quả được dùng để tính toán IFR của dân số chung ở Anh rơi vào khoảng 0.9%, tức 9 ca tử vong mỗi 1000 ca mắc. IFR gần với giá trị 0 ở nhóm tuổi 15-44, tăng lên 3.1% ở nhóm tuổi 65- 74 và lên đến 11.6% ở nhóm nhiều tuổi hơn.
Một nghiên cứu tương tự tại Tây Ban Nha bắt đầu từ tháng tư nhằm kiểm tra kháng thể trên 61,000 cư dân trong các hộ gia định được chọn ngẫu nhiên, cũng cho kết quả tương tự. IFR của dân số nói chung chỉ ở mức khoảng 0.8%, nhưng IFR ở nhóm dưới 50 tuổi gần bằng 0, và tăng lên 11.6% ở nhóm nam giới từ 80 tuổi trở lên, trong khi nhóm nữ giới cùng độ tuổi có IFR là 4.6%. Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong của nam giới cao hơn nữ giới, và khoảng cách ngày càng tăng theo độ tuổi. Nhà dịch tễ Pérez-Gómez từ Viện Sức khỏe Carlos III, Madrid, người tham gia nghiên cứu này, cho biết “nam giới đối mặt với nguy cơ cao gấp đôi nữ giới”.
“Khác biệt về đáp ứng miễn dịch giữa hai giới có thể giải thích điều này”. Nhà dân số học Jessica Metcalf từ Đại học Princeton nói rằng “hệ miễn dịch của nữ giới nhận diện mầm bệnh sớm hơn.” Hệ miễn dịch cũng có thể giải thích nguy cơ tử vong cao ở người cao tuổi nhiễm bệnh, bà giải thích thêm. Khi cơ thể già đi, phản ứng viêm cũng thấp, đến khi Covid-19 đẩy hệ miễn dịch vốn đã làm việc quá sức vượt quá giới hạn. Kết cục tồi tệ xảy ra với những người mắc Covid-19 có xu hướng đáp ứng miễn dịch quá mức.
Nghiên cứu tại Anh so sánh kết quả giữa các chủng tộc khác nhau. Số liệu về tử lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cho thấy người da đen và Nam Á dễ tử vong hoặc cần nhập viện hơn. Nhưng theo phân tích của nhà dịch tễ Helen Ward từ Đại học Hoàng gia London, có thể nguyên nhân là nhóm người này nhiễm bệnh nhiều hơn đáng kể so với người da trắng, nhóm người ít nhiễm hơn thì tỷ lệ tử vong cũng ít hơn.
Sự khác biệt giữa các quốc gia
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng có sự khác biệt rất rõ rệt về tỷ lệ tử vong giữa một số quốc gia, đặc biệt ở nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Ví dụ một nghiên cứu tỷ lệ lưu hành kháng thể tại Geneva ước tính IFR ở nhóm từ 65 tuổi trở lên là 6,5%. Con số này thấp hơn ước tính tại Tây Ban Nha, khoảng 7.2% ở nhóm từ 80 tuổi trở lên cả hai giới, và tại Anh, khoảng 11.6% ở nhóm từ 75 tuổi trở lên.
Có nhiều nguyen do dẫn tới tình trạng này, theo nhà dịch tễ bệnh truyền nhiễm Andrew Azman từ trường Y tế Công cộng Bloomberg, Đại học Johns Hopkins, người đã tham gia vào nghiên cứu tại Geneva. Các quốc gia có tỷ lệ bệnh đồng mắc cao hơn, như đái tháo đường, béo phì, bệnh tim, có giá trị IFR cao hơn. Mặc dù vậy, các nước có hệ thống y tế tốt hơn các thể chăm sóc người bệnh Covid-19 nặng, và nơi mà các bệnh viện không bị quá tải vào lúc đỉnh dịch, có tỷ lệ sống còn cao hơn. Mặt khác, kết quả khác biệt cũng có thể do cách thức tiến hành nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, sự khác nhau về độ tin cậy của các xét nghiệm được sử dụng trong các nghiên cứu, cách ghi nhận ca tử ving do Covid-19, và cách chọn mốc phân chia nhóm tuổi.
Nhưng một yếu tố quan trọng dẫn đến tỷ lệ tử vong khác nhau giữa các quốc gia là các nước này có kiểm soát và đảm bảo tránh được tình trạng virus lây lan trong các nhà dưỡng lão và cơ sở chăm sóc người già hay không.
Tại các cơ sở chăm sóc người già, những người sức khỏe yếu sống gần nhau, tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh. Khi tính riêng các trường hợp tử vong của các nhà dưỡng lão tại Anh, IFR ở nhóm tuổi từ 75 tuổi trở lên tăng vọt lên 18.7%. Salje ước tính ở Canada, nơi 85% ca tử vong xảy ra trong nhà dưỡng lão, sẽ có IFR cao hơn rất nhiều so với Singapore, nơi mà nhà dưỡng lão chỉ xảy ra 8% số ca tử vong.
Mặc dù ước tính tỷ lệ tử vong giúp nắm được nguy cơ lây lan của virus ở những nhóm tuổi khác nhau, nhưng nó không mô tả đầy đủ những thiệt hại mà Covid-19 gây ra. Bởi vì Covid-19 không chỉ là bạn của thần chết, căn bệnh còn để lại rất nhiều thương tật lâu dài cho cơ thể con người.