Sau khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3 xuống vùng Cực của Mặt trăng, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã triển khai robot tự hành Pragyan để phân tích thành phần đất đá trên vệ tinh tự nhiên này.

Robot tự hành Pragyan. Ảnh: ISRO
Robot tự hành Pragyan. Ảnh: ISRO

Thông qua thiết bị phân tích hóa học, robot tự hành Pragyan lần đầu tiên phát hiện thấy lưu huỳnh trong đất ở gần cực Nam Mặt trăng. Các nhà khoa học cho biết, lưu huỳnh thường được tìm thấy ở gần các núi lửa trên Trái đất, vì vậy sự xuất hiện của nguyên tố này gợi ý về lịch sử hoạt động núi lửa trên Mặt trăng cũng như các điều kiện khí quyển của nó trong quá khứ. Nguyên tố lưu huỳnh cũng là chìa khóa quan trọng để xây dựng cơ sở hạ tầng trên Mặt trăng trong tương lai.

Ngoài ra, robot Pragyan cũng phát hiện một loạt nguyên tố khác trong đất Mặt trăng bao gồm nhôm, canxi, crom, sắt, mangan, oxy, silic và titan.

Vào ngày 2/9, Ấn Độ đã chuyển robot tự hành Pragyan sang chế độ ngủ đông để sạc pin và chờ các nhiệm vụ tiếp theo.