Công ty khởi nghiệp Rize đang triển khai các chương trình hỗ trợ người nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi sang những phương pháp canh tác mới giúp tiết kiệm nước, tăng năng suất và cắt giảm phát thải khí nhà kính

Các chuyên gia Rize thử nghiệm những phương pháp mới tại một cánh đồng lúa. Ảnh: Rize
Các chuyên gia Rize thử nghiệm những phương pháp mới tại một cánh đồng lúa. Ảnh: Rize

Tiếp cận đa hướng

Những năm gần đây, các tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt và bão lớn đã tàn phá ruộng đồng và sinh kế của nông dân. Tuy nhiên, theo World Bank, có một điều còn chưa được nhiều người biết đến, “đó là sản xuất lúa gạo vừa là nạn nhân cũng vừa là tác nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu”.

Bản thân việc sản xuất lúa gạo cũng tác động tiêu cực tới môi trường. Chẳng hạn, các hoạt động canh tác lúa và chuỗi giá trị lúa gạo đã phát thải các loại khí nhà kính như metan (CH4) và carbon dioxide (CO2). Đó cũng là điều mà TS. Wyn Allis, Giám đốc Điều hành của Sustainable Rice Platform từng lưu ý: “Hiện tại ngành nông nghiệp lúa gạo tiêu tốn 20-30% ​​lượng nước ngọt, 13% lượng phân bón được sử dụng trên thế giới, đóng góp 12% tổng lượng phát thải metan”. Ông cho rằng cần phải áp dụng các phương thức canh tác bền vững giúp hạn chế phát thải, nhất là khi “khoảng 25 năm tới, chúng ta cần tăng cường sản xuất lúa gạo lên khoảng 25% để đáp ứng nhu cầu của toàn cầu.”

Hiện tại, các nhà khoa học đã xây dựng thành công các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu để làm “xanh hoá” hạt gạo. Những phương thức này có thể giúp tăng năng suất, cải thiện khả năng chống chịu với khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Với mong muốn hỗ trợ người nông dân tại Việt Nam và Indonesia áp dụng những phương pháp mới, ông Dhruv Sawhney đã thành lập nên startup Rize - với trụ sở tại Singapore - vào tháng 10/22.

Trước đây, ông đã từng thành lập nên Nuture.Farm, một trong những nền tảng hỗ trợ nông nghiệp bền vững lớn nhất Ấn Độ. Với những kinh nghiệm đã có, “chúng tôi đặt mục tiêu cắt giảm 100 triệu tấn khí thải carbon, đồng thời hướng đến đảm bảo cải thiện sinh kế của nông dân,” ông Sawhney, hiện đang giữ chức Giám đốc Điều hành của Rize cho biết đó là hai mục tiêu mà ông đang muốn hiện thực hóa cùng lúc.

Để làm được điều đó, Rize cần giải quyết các thách thức môi trường từ ba góc độ chính: tiết kiệm nước, tăng năng suất và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Sẽ không có phương thức canh tác “thần kỳ” nào có thể đáp ứng trọn vẹn cả ba góc độ này. Do đó, đội ngũ startup đã xác định ba phương thức chính mà họ sẽ triển khai: Kỹ thuật tưới lúa ướt khô xen kẽ (AWD), Cơ giới hóa gieo sạ chính xác (DSR) và Bổ sung vi sinh vật cho đất.

Đội ngũ Rize tại Việt Nam. Ảnh: Rize
Đội ngũ Rize tại Việt Nam. Ảnh: Rize

Người nông dân áp dụng cách quản lý nước theo kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ sẽ cho nước vào ruộng với mực nước từ 3 – 5 cm và để cho đợt nước này tự cạn, khô đến khi thấy mặt ruộng nứt nhẹ thì cho nước vào lại, rồi tiếp tục để ruộng tự khô nứt chân chim trở lại. Phương pháp này giúp giảm 30% lượng nước sử dụng, tăng năng suất và cắt giảm lượng khí thải metan ở mức ấn tượng - 1,4 tấn/ha mỗi mùa vụ. Đây là kỹ thuật đang được các chuyên gia chú trọng, bởi lúa được trồng trên những cánh đồng ngập nước truyền thống đã tạo điều kiện yếm khí lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh để phân hủy chất hữu cơ (chủ yếu là bã rơm rạ) và giải phóng khí metan.

Với công nghệ cơ giới hóa gieo sạ chính xác, người nông dân sẽ giảm thiểu tối đa giống, nước, công lao động và và giảm lượng khí thải metan 0,3 tấn/ha/vụ. Rize cũng giới thiệu các loại vi sinh vật bổ sung cho đất, giúp phục hồi và cải tạo đất, giảm nhu cầu sử dụng phân bón đồng thời cải thiện chất lượng hạt. Đáng chú ý, các vi sinh vật này giúp giảm 3,3 tấn/ha lượng khí thải mêtan mỗi mùa vụ.

Tại Việt Nam, Rize đang tiến hành thử nghiệm các kỹ thuật canh tác mới này tại ĐBSCL. Họ đã hợp tác với World Bank để nhân rộng các biện pháp thực hành bền vững trong trồng lúa. Chia sẻ trong một bài đăng trên LinkedIn, Rize cho hay họ mong muốn đóng góp vào “mục tiêu phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Đây là mục tiêu biến cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp thành hiện thực, trên từng cánh đồng lúa.”

Mở rộng khắp Đông Nam Á

Đầu tháng Năm vừa qua, Rize đã công bố họ vừa kêu gọi được khoản tài trợ Series A trị giá 14 triệu USD. vòng tài trợ được đồng chủ trì bởi Breakthrough Energy Ventures - một công ty con của Breakthrough Energy Ventures do Bill Gates hậu thuẫn, GenZero, Temasek và Wavemaker Impact.

Khoản tài trợ này sẽ đẩy nhanh tiến trình mở rộng quy mô của họ trên các thị trường có sẵn. Cụ thể, Rize sẽ đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tại Việt Nam v à Indonesia thông qua việc củng cố đội ngũ chuyên gia nông nghiệp lên hơn 100 người vào cuối năm 2024, từ đó có khả năng tiếp cận hơn 20.000 nông dân. Mùa vụ sắp tới, công ty đặt mục tiêu cải thiện hơn 7.000 ha đất trồng lúa. Đây sẽ là bước chạy đà để Rize triển khai kế hoạch mở rộng sang các nước sản xuất gạo khác ở Nam Á và Đông Nam Á vào năm 2025.

Ngoài ra, họ sẽ sử dụng số tiền này vào việc nâng cấp hệ thống công nghệ, đặc biệt là hệ thống Đo lường, Báo cáo và Xác minh (MRV), để theo dõi tốt hơn tác động của các kỹ thuật canh tác hiện đại. “Một trở ngại mà chúng tôi đang gặp phải là tình trạng thiếu dữ liệu chính xác, đặc biệt là ở những hộ sản xuất nhỏ, và một phần do chi phí canh tác ngày càng cao do giá đầu vào tăng và khí hậu thay đổi. Nhóm công nghệ của chúng tôi tìm cách giải quyết những thách thức này”, ông Sawhney nhận định.

Việc thu thập dữ liệu toàn diện không chỉ giúp Rize hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật một cách thuận lợi hơn, mà còn giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay và giảm rủi ro cho các tổ chức tài chính. Dựa trên những dữ liệu chi tiết, người cho vay sẽ tự tin hơn khi họ hiểu rằng nông dân đã ổn định khả năng kinh tế và trở nên vững chãi hơn trước sự biến đổi của khí hậu, từ đó họ có thể cung cấp các khoản vay với chi phí thấp hơn. Đó là lý do Rize cho rằng những sáng kiến của họ dự kiến ​​không chỉ giảm lượng khí thải 50% và giảm lượng nước sử dụng 20% ​​mà còn tăng thu nhập của nông dân lên tới 30%, khiến canh tác lúa bền vững trở thành một lựa chọn khả thi và hấp dẫn.

Tuy vậy, việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống không phải là điều dễ dàng. Công ty khởi nghiệp này nhận ra rằng quá trình chuyển đổi các phương thức canh tác lâu đời là một nỗ lực đòi hỏi sự kiên nhẫn và cần phải phối hợp chặt chẽ với nông dân. Thông qua quá trình làm việc, Rize phát hiện ra rằng ba yếu tố có thể tác động đến suy nghĩ của nông dân là cải thiện năng suất, giúp tăng giá bán và đầu vào rẻ hơn. Trong đó, yếu tố “đầu vào” là yếu tố dễ dàng nhất mà Rize có thể tác động được. Do vậy, để thuyết phục người nông dân triển khai những phương pháp mà họ đề xuất, Rize đã bán hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu và các loại vật liệu khác cho nông dân với giá sỉ - thấp hơn một chút so với các cửa hàng địa phương - đổi lại, nông dân sẽ thử nghiệm những kỹ thuật canh tác mới của họ.

Hiện tại, Rize đang hợp tác với các hợp tác xã ở Indonesia và Việt Nam. Công ty hiện đang bước vào vụ lúa thứ ba và tham gia hỗ trợ khoảng 2.500 ha. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy lượng khí thải metan giảm tới 50%. Theo Sawhney, những nông dân làm việc với Rize không nhận thấy bất kỳ sự sụt giảm nào về năng suất, thậm chí một số người còn ghi nhận những cải thiện nhỏ về năng suất và lợi nhuận. Đó là lý do có đến 98% hộ nông dân quyết định tiếp tục hợp tác với startup trong mùa vụ tiếp theo.

Trong thời gian tới, Rize có thể sẽ thí điểm bảo hiểm chỉ số thời tiết đề phòng thiệt hại mùa màng cho người nông dân. Đó là một trong những công nghệ và phương pháp nông nghiệp mới mà họ mong muốn áp dụng, với mục tiêu đóng góp vào tiến trình giảm thiểu 100 triệu tấn khí thải CO2 trong thời gian tới.

Tham khảo:



Bài đăng số 1295 (số 23/2024) KH&PT