Tuổi trẻ
Sinh ngày 27 tháng 5 năm 1907 tại Springdale, tiểu bang Pennsylvania, Mỹ, Rachel Carson lớn lên trong một trang trại rộng 65 hecta của gia đình. Lúc nhỏ, cô bé Carson thường dành cả ngày để khám phá thiên nhiên, viết lách và có bài viết đầu tiên đăng trên một tạp chí trẻ em khi mới 10 tuổi.
Những hiểu biết nền tảng về tự nhiên và cuộc sống tự do trong giai đoạn trưởng thành đã khyến khích Carson theo đuổi sự nghiệp trọn đời sau này như một nhà tranh đấu bảo vệ tự nhiên và môi trường. Bà luôn cảm nhận được nỗi “ẩn chứa trong mỗi mũi đất ngoài xa, trên từng bãi biển uốn lượn, nơi mỗi hạt cát đều ẩn chứa câu chuyện của Trái đất.”
Từng quyết định trở thành nhà văn, Carson đã chuyển chuyên ngành tại bậc đại học từ ngôn ngữ Anh sang sinh học. Năm 1929, bà tốt nghiệp Đại học Pennsylvania dành cho Phụ nữ (hiện là Đại học Chatham). Sau đó, bà tiếp tục theo đuổi học vấn Đại học Johns Hopkins (khi đó hầu như chưa nhận phụ nữ) và công tác tại Phòng thí nghiệm Hải dương Hoa Kỳ ở Woods Hole, tiểu bang Massachusetts. Trong thời gian nghiên cứu sau đại học, bà kiêm nhiệm công việc giảng dạy tại trường hè Johns Hopkins, sau đó công tác tại Đại học Maryland trong suốt 5 năm.
Rachel Carson (27/5/1907 - 14/4/1964) người đi tiên phong trong ngành môi trường học hiện đại. Nguồn: Bảo tàng Quốc hội Mỹ Thành tựu
Năm 1935, Carson tham gia làm việc tại Cục Nghiên cứu Thủy sản Hoa Kỳ. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của bà là tạo ra một series các chương trình radio thời lượng 7 phút về sinh vật biển, mang tên “Sự lãng mạn dưới lòng biển” (Romance under the Sea).
Năm 1936, bà là một trong hai người phụ nữ duy nhất làm công tác chuyên môn tại Cục Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ, và trở thành tổng biên tập cho các ấn phẩm của Cục cho đến năm 1952. Carson cũng đóng góp nhiều cho chính phủ trong Thế chiến II nhờ các nghiên cứu về âm thanh dưới lòng biển để giúp Hải quân phát triển hệ thống định vị tàu ngầm.
Trong thời gian làm việc cho chính phủ, bà đã đăng nhiều bài viết trên nhật báo Baltimore Sun. Năm 1941, cuốn sách đầu tay “Under the Sea Wind” (tạm dịch: Dưới ngọn gió biển) của bà cũng được xuất bản – mặc dù là sách khoa học về cuộc sống hải dương, nhưng nó được viết để cho người đọc bình thường cũng có thể hiểu được.
Năm 1951, Carson xuất bản cuốn sách thứ hai “The Sea Around Us” (tạm dịch: Biển xung quanh ta), trở thành một ấn phẩm bán chạy [tầm trung] và đem lại cho bà cuộc sống sung túc. Tác phẩm sau đó còn được trao Giải thưởng Sách Quốc gia, nằm trong danh mục bán chạy của New York Times suốt 81 tuần liên tục, và được dịch ra 32 thứ tiếng. Cuốn sách thứ ba “Under the Sea” (tạm dịch: Dưới lòng biển) cũng được phát hành 4 năm sau đó.
Trong thập niên 1950, Carson đã dành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đến chuỗi thức ăn (food chain) trên khắp nước Mỹ và châu Âu, nhờ sự hỗ trợ của Shirley Briggs – biên tập viên của Tạp chí Hiệp hội Tự nhiên học Audubon (Audubon Naturalist Society), và Clarence Cottam – biên tập viên tạp chí Tự nhiên học Atlantic (Atlantic Naturalist), kiêm cựu nhân viên Cục Cá và Động vật Hoang dã.
Thành quả của quá trình này là cuốn sách “Silen Spring” (tạm dịch: Mùa xuân câm lặng), được tờ The New Yorker đăng lại thành chuỗi bài năm 1962, lý giải cặn kẽ tại sao việc sử dụng thuốc trừ sâu lại gây hại chết người, nhất là tác hại của DDT.
Cuốn sách trên đã giúp Carson nhận được sự ủng hộ từ các tổng thống, và những ý tưởng của bà cũng đạt được sự tin cậy rất lớn trong giới khoa học. Nhiều công ty hóa chất đã cố gắng làm suy giảm uy tín của Carson, bằng hình ảnh của một người phụ nữ có lập trường thân cộng sản hay bị kích động về mặt tâm lý. Tuy nhiên, ngày 3/4/1963, khoảng 15 triệu khán giả trên khắp nước Mỹ đã theo dõi chương trình đặc biệt của đài CBS với tựa đề “Mùa xuân Im lặng Rachel Carson”
Sau này, Carson được yêu cầu làm chứng trước Ủy ban của Nghị viện về các tác động của thuốc trừ sâu, dẫn đến Đạo luật cấm sử dụng DDT. Bà đã được trao tặng huy chương từ Hiệp hội Audubon Quốc gia và Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ. Ngoài ra, theo Viện Bảo tàng Phụ nữ Quốc gia, Carson còn được bổ nhiệm vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Hoa Kỳ.
Ảnh hưởng
Carson qua đời vì bệnh ung thư vú vào ngày 14 tháng 4 năm 1964 tại Silver Spring, tiểu bang Maryland. Đáng tiếc rằng bà đã không thể chứng kiến cuộc cách mạng môi trường được tạo nên từ “Silent Spring”, như việc thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường năm 1970 và hu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Rachel Carson ở Maine trong năm 1966.
Carson từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng “những nỗ lực của con người nhằm kiểm soát, thay đổi và tận diệt tự nhiên bằng quyền lực, chắc chắn sẽ dẫn tới một cuộc chiến chống lại chính mình, một cuộc chiến mà chắc chắn chúng ta sẽ thua nếu không biết giảng hòa với tự nhiên.”