Phun thuốc khử trùng ngoài trời có thể là biện pháp kém hiệu quả, trong khi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.

Hình ảnh từ các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi SARS-CoV-2 thường là xe tải phun thuốc trên đường phố và một đội công nhân vệ sinh đeo ba lô phun thuốc trên các vỉa hè, công viên và quảng trường, như ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và các nơi khác. Có vô số lời khuyên khuyên về việc rửa tay và khử trùng các bề mặt thường chạm vào trong nhà. Nhưng cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa phơi nhiễm với virus là gì?

Giống như các loại virus corona khác, SAR-CoV-2 lây lan phổ biến nhất qua các giọt bắn trong không khí khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Những người ở gần có thể hít phải. Hoặc những giọt đó "hạ cánh" trên các bề mặt và sau đó người khác chạm vào, dẫn đến nhiễm virus khi họ dùng tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

Phun thuốc khử trùng tại khu vực phố Trúc Bạch, Hà Nội. Ảnh: Vnexpress.

Tin vui là các chất khử trùng thông thường trong gia đình, bao gồm xà phòng hoặc dung dịch thuốc tẩy pha loãng, có thể vô hiệu hóa virus corona trên các bề mặt trong nhà, Juan Leon, một nhà khoa học về sức khỏe môi trường tại Đại học Emory, cho biết. "Virus corona được bao bọc bởi lớp mỡ bảo vệ," Leon nói. Các chất khử trùng xé tan lớp mỡ đó, Leon nói, điều này làm cho virus corona "khá yếu đuối" so với virus noro và các loại virus thông thường khác có vỏ protein mạnh hơn. Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ có một danh sách các chất khử trùng được chứng minh là có hiệu quả trong việc chống lại các virus corona.

Vậy SARS-CoV-2 tồn tại bao lâu trong không khí hoặc trên bề mặt? Còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo một bản in được đăng trên medRxiv mới đây, virus này tồn tại trong không khí tới 3 giờ và tồn tại trên bề mặt thép không gỉ và nhựa 2 đến 3 ngày. Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Hospital Infection, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại virus corona gây ra SARS có thể tồn tại đến 9 ngày trên thép không gỉ hoặc nhựa. Và theo các báo cáo bao gồm một báo cáo được công bố hôm 12/3 trên JAMA, SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong phân, cho thấy virus có thể lây lan bởi những người không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh. Nhưng cho đến nay, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy virus này lây lan qua nước uống, bể bơi hoặc bồn tắm nước nóng.

Vậy còn ngoài trời thì sao? Theo một loạt các báo cáo tin tức địa phương từ Thượng Hải - Trung Quốc và Gwangju - Hàn Quốc, chất khử trùng sử dụng phổ biến nhất để đối phó với SARS-CoV-2 ở ngoài trời là dung dịch natri hypochlorite pha loãng hoặc thuốc tẩy gia dụng. Nhưng vẫn chưa rõ liệu thuốc tẩy có tiêu diệt được virus corona trong không khí hay trên bề mặt ngoài trời hay không, vì thuốc tẩy tự phân hủy dưới ánh sáng cực tím (UV).

Đồng thời, Leon nói, ánh sáng tia cực tím dường như cũng tiêu diệt cả virus corona. Và việc phơi nhiễm virus corona từ các bề mặt ngoài trời cũng không phổ biến: Không ai đi loanh quanh liếm vỉa hè hoặc cây cối, Leon nói.

Thậm chí có những nhược điểm nếu khử trùng quá nhiệt tình bằng thuốc tẩy, theo Julia Silva Sobolik, học viên cao học ở phòng thí nghiệm của Leon. "Thuốc tẩy là chất rất gây kích ứng với niêm mạc," Sobolik nói. Những người tiếp xúc với chất tẩy khi phun, đặc biệt là những công nhân phun thuốc, có nguy cơ bị các vấn đề về hô hấp và nhiều bệnh khác.

Sobolik lưu ý rằng một nghiên cứu vào tháng 10/2019 trên JAMA Network Open cho thấy các y tá thường xuyên sử dụng chất khử trùng để làm sạch bề mặt có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cao hơn. Một nghiên cứu năm 2017 đã tìm thấy mối liên kết giữa tiếp xúc với chất khử trùng và hen suyễn ở người lớn ở Đức. Cả hai nghiên cứu này đều xem xét việc tiếp xúc lâu dài với chất khử trùng.

Trong một chương trình truyền hình gần đây do đài truyền hình nhà nước ở Trung Quốc phát sóng, Zhang Liubo, nhà nghiên cứu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, đã cảnh báo công chúng rằng "các bề mặt ngoài trời, như đường, quảng trường, bãi cỏ, không nên phun thuốc khử trùng nhiều lần. Phun thuốc khử trùng trên một khu vực rộng lớn và nhiều lần có thể gây ô nhiễm môi trường và nên tránh."

Vậy cách tránh lây nhiễm tốt nhất là gì? Tiếp xúc giữa người này với người khác có vẻ như là đường lây truyền phổ biến nhất của COVID-19, nên hãy "tập trung vào giảm thiểu tiếp xúc," theo Leon. Thực hiện những biện pháp vệ sinh thông thường, ông nói: Ở nhà nếu bạn bị bệnh, giảm tiếp xúc gần gũi với người khác, che miệng nếu bạn hắt hơi hoặc ho, và rửa tay thường xuyên trong ít nhất 20 giây. "Những cách nghe thì đơn giản, nhưng hiệu quả," Sobolik nói.

Nguồn:

https://www.sciencemag.org/news/2020/03/does-disinfecting-surfaces-really-prevent-spread-coronavirus